Giáo dục

Quy định bồi hoàn học phí có đính kèm “bao” việc cho cử nhân sư phạm?

Quy định học sinh, sinh viên sư phạm được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học, phải hoàn trả nếu sau 2 năm tốt nghiệp không công tác trong ngành, có đính kèm “phao cứu sinh” khi cử nhân sư phạm đi xin việc?

Sau khi bài viết Thủ khoa về quê chăn lợn có phải hoàn trả học phí? được đăng tải, báo Người Đưa Tin đã nhận được nhiều ý kiến quan tâm từ độc giả và các chuyên gia trong ngành. Trong đó, có hai luồng ý kiến chủ đạo.

Ngành sư phạm nên "bao" việc để thu hút sinh viên

Trao đổi với PV Người Đưa Tin, TS. Lê Viết Khuyến, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng: “Có lẽ, nội dung mới của Luật Giáo dục còn có những ý “mập mờ”. Trường hợp này là một trường hợp “mập mờ” như vậy khi chỉ ghi yêu cầu những của nhân sư phạm phải bồi hoàn học phí sau 2 năm ra trường nếu không làm việc trong ngành”.

Trên thực tế, hàng trăm cơ sở đào tạo sư phạm vẫn tiếp tục tuyển sinh, dù những năm gần đây, chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm bắt đầu được siết lại. Từ năm 2013 đến nay, chỉ tiêu tuyển sinh ngành sư phạm luôn cao hơn mục tiêu đề ra.

Theo bản kiến nghị của Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã gửi Thủ tướng, cho rằng sinh viên sư phạm thất nghiệp là do quy mô tuyển sinh lớn. Với quy mô tuyển sinh trung bình khoảng 49.000 sinh viên/năm, nhiều năm qua, trong khi nhu cầu giáo viên giảm thì số lượng giáo sinh ra trường vẫn không hề giảm, hậu quả là số người tốt nghiệp sư phạm thất nghiệp liên tục tăng.

Ông phân tích: “Hiện nay, ngành giáo dục đang đứng trước câu chuyện thu hút người tài vào ngành sư phạm, những sinh viên chọn ngành sư phạm phải được khuyến khích. Để khuyến khích thì có chế độ “cho vay”, “tạm ứng” tiền và sau này coi như “xóa nợ” nếu như công tác trong ngành giáo dục đủ thời gian quy định. Điều đó là rất tốt.

Tuy nhiên, theo tôi, quy định này còn “nửa vời”. Cụ thể, nhìn vào khối ngành công an, quân đội, học viên học xong, chắc chắn sẽ được bố trí việc làm, nên mới dẫn đến câu chuyện, tốt nghiệp không phục vụ trong ngành thì phải bồi hoàn học phí.

Cho nên, ngành giáo dục cũng phải làm được như vậy, phải “cột” trách nhiệm, Nhà nước hỗ trợ sinh viên sư phạm, sau đó ngành giáo dục chịu trách nhiệm phân phối việc làm cho các cử nhân. Làm được như vậy, chỉ có những ai không muốn theo ngành mới phải bồi hoàn kinh phí”.

“Còn ở đây, chỉ một câu nói rất mập mờ: “sau 2 năm…”. Sau 2 năm tốt nghiệp, nhưng ngành giáo dục không bố trí việc làm, không chịu tuyển dụng cử nhân đó vào lực lượng nhân sự ngành, chứ không phải do cử nhân đó không mong muốn đi làm, mà lại bắt bồi hoàn kinh phí thì quá vô lý. Như vậy là một sự “đánh đố”.

Đây chính là nét “mập mờ” câu chữ trong quy định. Sau quá trình đi vào tình huống cụ thể mới xuất hiện những chuyện tương tự “thủ khoa thất nghiệp” cần giải quyết”, ông nhận định.

TS. Lê Viết Khuyến cho rằng, ngành sư phạm cũng phải tiến đến bảo đảm việc làm cho sinh viên tốt nghiệp, tương tự như khối ngành quân đội, công an.

Cuối cùng, TS. Lê Viết Khuyến khẳng định: “Quan điểm của tôi cũng như Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, ngành sư phạm nếu coi như đào tạo giống như khối ngành quân đội, công an, cụ thể, đặt hàng nhu cầu đào tạo giáo viên đảm bảo nhu cầu thực tế, ngành “bao trọn”, bảo đảm việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp thì mới yêu cầu sinh viên bồi hoàn học phí.

Như vậy mới có thể thu hút được nhiều người giỏi vào ngành, bởi, sư phạm hiện nay đang rất cần những người giỏi”.

Bồi hoàn học phí thôi thúc cử nhân tìm việc

Không đồng tình với quan điểm trên, TS. Vũ Thu Hương, giảng viên đại học Sư phạm Hà Nội lại bày tỏ sự ủng hộ đối với quy định mới này: “Theo tôi, việc bồi hoàn học phí đối với cử nhân sư phạm sẽ thôi thúc họ hăng hái tìm việc làm hơn, quyết tâm xin việc hơn. Cũng giống như trước đây, chúng tôi được tài trợ nghiên cứu sinh, nhưng phải cam kết sau khi trở về sẽ thực hiện công tác tại cở sở đã cử đi học gấp đôi thời gian nghiên cứu”.

Theo TS. Vũ Thu Hương, sinh viên ra trường có xin được việc hay không, đã không còn là chuyện do may mắn, mà phải do năng lực. Bản thân người đi xin việc đã đủ tiêu chuẩn để đi làm hay chưa, nếu có đủ khả năng, các cơ sở sẽ thu nhận. Bất kể ai cũng đều có cơ hội như nhau. Quan trọng là bản thân những người đi xin việc có nhìn nhận và cố gắng không.

“Hiện tại, có nhiều cơ sở dân lập, có thể tham gia, không nhất thiết phải tham gia vào cơ quan Nhà nước, cơ hội việc làm rất cao, vì vậy, nếu không xin được việc là do bản thân người xin việc.

Đối với việc nhiều cử nhân muốn tham gia hoạt động trong các cơ sở giáo dục và đào tạo của nhà nước, theo tôi, mọi thứ tùy thuộc chính sách của nhà nước, mà cũng không “bắt ép”, “bó buộc” phải công tác ở một tỉnh nào cố định. Việc tuyển công chức sẽ diễn ra ở mỗi tỉnh vào một khoảng thời gian khác nhau, nếu thực sự muốn cống hiến cho ngành giáo dục thì không nhất thiết cứ phải xin việc ở tỉnh nhà.

Ở đây chính là sự “va chạm” giữa mong muốn của người lao động và điều kiện. Chính vì cử nhân mong muốn quá nhiều, nhất là mong được tuyển dụng lao động gần nhà, gần gia đình… nên mới có thể để bản thân thất nghiệp lâu”, bà phân tích.

TS. Vũ Thu Hương, giảng viên đại học Sư phạm Hà Nội lại bày tỏ sự ủng hộ đối với quy định mới.

 

Một trong bảy điểm mới cơ bản của Luật Giáo dục 2019 mới được Quốc hội thông qua so với quy định của Luật Giáo dục hiện hành, là quy định học sinh, sinh viên sư phạm được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học.

Cụ thể, người được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt sau 2 năm kể từ khi tốt nghiệp nếu không công tác trong ngành giáo dục hoặc công tác không đủ thời gian quy định thì phải bồi hoàn khoản kinh phí nhà nước đã hỗ trợ.

Thời hạn hoàn trả tối đa bằng thời gian đào tạo. Học sinh, sinh viên sư phạm được hưởng các chính sách học bổng khuyến khích học tập, trợ cấp xã hội, miễn, giảm học phí.

Quy định này nhằm khắc phục những hạn chế của chính sách không phải đóng học phí của học sinh, sinh viên sư phạm quy định tại Luật Giáo dục hiện hành (Điều 85). Tuy nhiên, không phải cử nhân sư phạm nào mong mỏi đứng trên bục giảng cũng được tuyển dụng, tình trạng đào tạo dư thừa vẫn còn tồn tại.