Chính sách

Quy định ba nguồn kinh phí cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

Bộ Tài chính quy định cụ thể kinh phí chi cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, chuẩn tiếp cận pháp luật và hòa giải ở cơ sở bao gồm ba nguồn.

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 56 quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, chuẩn tiếp cận pháp luật và hoà giải ở cơ sở.

Theo quy định tại Thông tư số 56, nguồn kinh phí cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, chuẩn tiếp cận pháp luật và hòa giải ở cơ sở bao gồm: chi thường xuyên ngân sách trung ương; chi thường xuyên ngân sách địa phương; nguồn tài trợ của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong, ngoài nước và nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Bộ Tài chính quy định cụ thể kinh phí chi cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, chuẩn tiếp cận pháp luật và hòa giải ở cơ sở bao gồm ba nguồn.

Cụ thể, chi thường xuyên ngân sách trung ương để thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, chuẩn tiếp cận pháp luật và hòa giải ở cơ sở của các bộ, cơ quan ở Trung ương và Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương, Hội đồng phối hợp phổ biển, giáo dục pháp luật của các bộ, cơ quan ngang bộ.

Bên cạnh đó, chi thường xuyên ngân sách địa phương để thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, chuẩn tiếp cận pháp luật và hòa giải ở cơ sở của địa phương và Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật cấp tỉnh, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật cấp huyện, Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật cấp huyện theo phân cấp ngân sách nhà nước.

Cuối cùng, kinh phí từ nguồn tài trợ của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước và nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Thông tư này được ban hành có phạm vi điều chỉnh được áp dụng đối với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho các công tác này.

Việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, chuẩn tiếp cận pháp luật và hòa giải ở cơ sở thực hiện theo quy định Luật Ngân sách nhà nước, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả.

Về nội dung chi và mức chi, bao gồm chi công tác phí cho những người đi công tác, kiểm tra, giám sát; Chi tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ, kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật; Chi ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; Chi biên soạn, biên dịch tài liệu phục vụ phổ biến, giáo dục pháp luật, chuẩn tiếp cận pháp luật và hòa giải ở cơ sở và thực hiện thông tin, truyền thông trên phương tiện thông tin đại chúng; Chi xây dựng chương trình, đề án, kế hoạch phổ biến giáo dục pháp luật.

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ khác ở Trung ương quy định các mức chi cụ thể đối với các cơ quan, đơn vị trực thuộc để thực hiện cho phù hợp trong phạm vi dự toán ngân sách được giao và các nguồn kinh phí hợp pháp khác; Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định các mức chi cụ thể để thực hiện cho phù hợp với tình hình thực tiễn và khả năng cân đối của ngân sách địa phương.

Trường hợp các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan khác ở trung ương, địa phương chưa ban hành văn bản quy định cụ thể mức chi thì các cơ quan, đơn vị được áp dụng quy định về mức chi tại Thông tư này để thực hiện.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 6/10/2023.

Thông tư liên tịch số 14 của Bộ Tài chính và Thông tư liên tịch số 100 của Bộ Tư pháp hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư 56 có hiệu lực thi hành.