Giáo dục

Quy định 1,5m trong tuyển sinh sư phạm: Vô tình tạo tiền đề tiêu cực phân biệt đối xử?

Hiện nay, phương thức tuyển sinh vào trường đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh đăng trên website đã không còn quy định về chiều cao. Trước đó, tiêu chí về chiều cao được đưa vào quy chế tuyển sinh 2019 đã gây không ít tranh cãi về một quy định “phản giáo dục”.

Ngày 14/2, đại diện ban tuyển sinh của đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh cho biết sau khi cân nhắc nhiều yếu tố, trường đã có điều chỉnh trong đề án tuyển sinh 2019.

Cụ thể, ban tuyển sinh của đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh đã bỏ yêu cầu về chiều cao 1,55 m trở lên đối với nam, nữ từ 1,5 m trở lên mới được đăng ký thi các ngành đào tạo giáo viên. Trường vẫn giữ yêu cầu xét tuyển nam cao 1,65m, nặng 50 kg trở lên; nữ cao 1,55m, nặng 45 kg trở lên đối với ngành Giáo dục Thể chất.

Tiêu chí không có trong chuẩn nghề nghiệp giáo viên

PGS.TS Đỗ Văn Đoạt, khoa Quản lý Giáo dục, trường đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ: “Khi một tiêu chuẩn đánh giá một con người được đưa ra, phải dựa trên các tiêu chí, tiêu chuẩn hiện thời. Chuẩn nghề nghiệp giáo viên hiện nay, cũng có những quy định rất rõ về 5 tiêu chuẩn phẩm chất và năng lực của nghề giáo, trong đó, không đề cập đến vấn đề chiều cao và trọng lượng.

Trường đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh đã bỏ quy định về chiều cao cho thí sinh dự tuyển.

Theo cá nhân tôi, tiêu chuẩn về chiều cao, trọng lượng là không cần thiết, đặc biệt trong môi trường sư phạm, đặc thù đào tạo những người thầy mang tri thức đến truyền đạt cho người khác. Bên cạnh đó, khi tạo ra một sự thay đổi cần có các hành trình, lộ trình rõ ràng, không thể đưa ra một cách đột ngột, gây xôn xao dư luận”.

Ông nhấn mạnh: “Trong bối cảnh chung, đặc biệt, yếu tố con người về phẩm chất, kỹ năng, thì đặc điểm về ngoại hình chỉ là yếu tố mang tính chất di truyền bẩm sinh, không phải là yếu tố quan trọng số 1, quyết định một nhà giáo giỏi, nên xét theo tính chất khoa học lại không trọn vẹn, mà khoa học thì phải trọn vẹn.

Với tư cách là một môi trường đào tạo sư phạm, đầu tiên, trong bối cảnh giáo dục Việt Nam, định hướng trong đánh giá qua các kỳ thi đầu vào đại học, điểm quan trọng nhất vẫn phải dựa vào kiến thức và năng lực của thí sinh, hội tụ qua các kỳ thi đánh giá năng lực”.

Tạo tiền đề “phân biệt đối xử”

Theo ThS. Đỗ Nghiêm Thanh Phương, việc đưa ra quy định về chiều cao trong quy chế tuyển sinh sư phạm là không hợp lý: “Bởi vì, việc đánh giá năng lực, trình độ, khả năng của người giáo viên không thể căn cứ vào chiều cao, hay đánh giá qua hình thể, mà phải căn cứ vào trình độ, kiến thức, chuyên môn, kỹ năng truyền đạt, nghiệp vụ sư phạm, bên cạnh đó, các phương pháp truyền đạt đến học sinh thật hấp dẫn, lôi cuốn.

Quy định này xuất hiện, vô hình trung có sự phân biệt đối xử về mặt hình thể, không chỉ những người thấp bé mà còn có thể với những người có sự khác biệt một chút. Con người phải có sự khác biệt, chúng ta phải tôn trọng sự khác biệt đó”.

Ông cho rằng: “Trước đó, một số lý giải được đưa ra như: Chiều cao của giáo viên phải đảm bảo với chiều cao của bảng viết, tuy nhiên, đó không phải do lỗi chủ quan người giáo viên mà là cơ sở vật chất của trường, bảng có thể làm di động, cho cả giáo viên và học sinh thấp có thể viết được.

Một lý giải nữa, sẽ có sự ưu tiên dành cho những người thực sự tài năng, tâm huyết. Tuy nhiên, ngay tiêu chí ban đầu là chiều cao không đáp ứng được thì những tiêu chí sau làm sao có thể xác định được, đánh giá được”.

ThS. Đỗ Nghiêm Thanh Phương phân tích: “Quy định này nếu áp dụng có thể mang đến những hậu quả nghiêm trọng. Thứ nhất, vô hình trung xuất hiện sự kỳ thị, phân biệt đối xử, tạo tiền đề khiến cá nhân những người khác cho rằng, sư phạm mà còn phân biệt đối xử thì các ngành khác sẽ ra sao, khiến những người có phần thiệt thòi về mặt hình thức sẽ mặc cảm, tự ti.

ThS. Đỗ Nghiêm Thanh Phương cho rằng quy định chiều cao cho giáo viên sẽ tạo tiền đề tiêu cực về phân biệt đối xử.

Thứ hai, ngành sư phạm sẽ bỏ lọt một số thí sinh có hình thể chưa tốt nhưng năng lực và phẩm chất tốt, đó có thể sẽ là những nhân tài tương lai trong ngành giáo dục.

Thứ ba, xã hội đã và đang có những cái nhìn đánh giá tiêu cực về giáo dục trong mấy năm nay, khi có quá nhiều điểm bất hợp lý, có thái độ xấu, quy định này đưa ra sẽ tạo thêm luồng dư luận xã hội tiêu cực liên quan đến giáo dục”.

“Trong kỳ thi tuyển sinh vào sư phạm, bên cạnh kiến thức, năng lực thì quan trọng nhất là niềm say mê, sự hứng thú với nghề giáo. Một người giáo viên có niềm đam mê, khi gặp khó khăn sẽ vượt qua, có đam mê, sẽ chủ động tìm tòi nhiều phương pháp giảng dạy tốt, trau dồi năng lực. Đó mới là tiêu chí cần thiết nhất đối với người giáo viên, chứ không phải là hình thể”, ông nhấn mạnh.