Chính sách

Quy chuẩn mới: Tài xế cần để ý biển báo trên cây để tránh bị phạt

Từ hôm nay 1/7, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 41:2019/BGTVT về báo hiệu đường bộ chính thức có hiệu lực với nhiều điểm mới về việc đặt biển báo so với trước đây.

Từ 1/7, trong một số trường hợp, biển báo được phép đặt trên cột điện, cây cối hoặc những vật kiến trúc khác. (Ảnh minh họa)

Về việc đặt biển và ghép biển, tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 41:2016/BGTVT cũ, trong khu đô thị, khu dân cư có thể cho phép kết hợp đặt biển trên cột điện hoặc những vật kiến trúc vĩnh cửu nhưng phải đảm bảo những tiêu chuẩn kỹ thuật đặt biển về vị trí, độ cao, khoảng cách nhìn thấy biển và đảm bảo thẩm mỹ.

Tuy nhiên, tại Điều 22 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 41:2019/BGTVT nêu rõ, biển báo được đặt chắc chắn cố định trên cột như quy định ở Điều 24 của quy chuẩn này.

Cụ thể, cột biển báo hiệu phải làm bằng vật liệu chắc chắn (bằng thép hoặc bằng vật liệu khác có độ bền tương đương) có đường kính tiết diện cột tối thiểu 8 cm (± 5mm).

Tại các nơi thường xuyên bị hạn chế tầm nhìn do sương mù hoặc có khả năng dễ bị xe va chạm vào ban đêm, các cột biển báo cần sử dụng vật liệu phản quang để tăng khả năng nhìn rõ.

Trong một số trường hợp có thể cho phép kết hợp đặt biển trên cột điện, cây cối hoặc những vật kiến trúc nhưng phải dễ quan sát và đảm bảo thẩm mỹ.

Trường hợp biển báo đặt trên cột: độ cao đặt biển tính từ mép dưới của biển đến mặt đường là 1,8 m đối với đường ngoài khu đông dân cư và 2,0 m đối với đường trong khu đông dân cư, theo phương thẳng đứng. Biển số 507 “Hướng rẽ” đặt cao từ 1,2 m đến 1,5 m. Loại biển áp dụng riêng cho xe thô sơ và người đi bộ đặt cao hơn mặt, lề đường hoặc hè đường là 1,8 m. Trường hợp đặc biệt có thể thay đổi cho phù hợp nhưng không nhỏ hơn 1,2 m, không quá 5,0 m, do Cơ quan quản lý đường bộ quyết định.

Nếu có nhiều biển cần đặt cùng một vị trí, cho phép đặt kết hợp trên cùng một cột nhưng không quá 3 biển và theo thứ tự ưu tiên như sau: biển báo cấm, biển hiệu lệnh, biển báo nguy hiểm hoặc cảnh báo, biển chỉ dẫn.

Khoảng cách giữa các mép biển với nhau là 5 cm, độ cao từ mép thấp nhất của các biển trong nhóm biển đến mặt đường là 1,7 m đối với đường ngoài phạm vi khu đông dân cư và 2,0 m đối với đường trong phạm vi khu đông dân cư.

Trường hợp khó bố trí như quy định trên và số lượng nhiều cho phép dùng 1 biển ghép hình vuông hoặc hình chữ nhật có kích thước đủ rộng, trên đó có vẽ các hình biển (các biển đơn) cần có theo thứ tự đã nêu. Khoảng cách giữa các mép gần nhất của các biển đơn và từ mép biển đơn đến mép biển ghép là 10 cm

Trường hợp cần kết hợp một hoặc nhiều biển thuộc các nhóm biển: biển báo cấm, biển báo nguy hiểm hoặc cảnh báo, biển hiệu lệnh với biển phụ thì có thể cho phép bố trí hình hoặc biểu tượng biển phụ vào với hình biển báo chính trên cùng một mặt biển của một biển ghép có hình vuông hoặc hình chữ nhật có kích thước đủ rộng.

Như vậy, từ 1/7, trong một số trường hợp, biển báo được phép đặt trên cột điện, cây cối hoặc những vật kiến trúc khác miễn sao dễ quan sát và đảm bảo thẩm mỹ.

Đồng thời, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 41:2019/BGTVT có những điểm mới khác như:

- Xe tải dưới 1,5 tấn sẽ không được xem là ô tô con.

- Biển báo không nhất thiết phải đặt trên giá long môn, cột cần vươn hay nhắc lại bên trái.

- Biển cấm phương tiện không nhất thiết phải có biển chỉ dẫn.

- Không còn quy định rõ về “vượt phải”.

Mời bạn xem bài viết cụ thể: Những quy chuẩn mới mà tài xế cần lưu ý để tránh bị xử phạt

Hoàng Mai