Chính sách

Quy chuẩn mới, phân biệt lỗi sai làn đường và lỗi sai vạch kẻ đường thế nào?

Lỗi đi sai làn đường và không tuân thủ vạch kẻ đường rất dễ bị nhầm với nhau. Do vậy, việc nhận biết làn đường và vạch kẻ đường rất quan trọng khi tham gia giao thông.

Quy chuẩn mới, phân biệt lỗi sai làn đường và lỗi sai vạch kẻ đường thế nào? (Ảnh minh họa)

Thế nào là đi sai làn đường?

Việc nhận biết đúng làn đường tưởng đơn giản, nhưng không phải ai cũng nắm rõ, thậm chí, nhiều người tham gia giao thông còn chưa phân biệt được làn đường, vạch kẻ đường. Thực tế, tình trạng đi sai làn đường diễn ra khá phổ biến tại Việt Nam, đặc biệt là ở các thành phố lớn.

Tại khoản 3.22 Điều 3 Quy chuẩn 41:2019 sửa đổi quy chuẩn 41:2016 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7 quy định, làn đường là một phần của phần đường xe chạy, được chia theo chiều dọc của đường, có đủ bề rộng cho xe chạy an toàn.

Phần đường xe chạy chính là phần của đường bộ được sử dụng cho phương tiện giao thông qua lại. Một phần đường xe chạy có thể có một hoặc nhiều làn đường. Theo đó, đi sai làn đường là điều khiển phương tiện đi không đúng làn đường dành cho phương tiện đó trên đoạn đường được chia thành nhiều làn và phân biệt bằng vạch kẻ đường, mỗi làn chỉ dành cho một hoặc một số loại phương tiện nhất định.

Hiện nay, phổ biến nhất là lỗi đi sai làn đường tại nơi có biển báo “Làn đường dành riêng cho từng loại xe” - biển R.412 (a, b, c, d, e, f, g, h) và “Biển gộp làn đường theo phương tiện” - biển R.415.

Theo đó, nhóm biển hiệu làn đường dành riêng cho mỗi loại xe R.412 để báo hiệu cho người tham gia giao thông biết có làn đường dành riêng cho từng loại xe riêng biệt. Biển được đặt phía trên làn xe, ở đầu đường theo chiều xe chạy. Các loại xe khác không được đi vào làn đường có đặt biển này (trừ các xe được quyền ưu tiên theo quy định).

Riêng với biển số R.412e “Làn đường dành cho xe buýt”, nếu vạch sơn phân làn dành cho xe buýt có dạng nét đứt, các xe khác có thể đi vào làn xe này, nhưng phải ưu tiên cho xe buýt (phải nhường đường, chuyển sang làn khác để không ảnh hưởng đến việc vận hành của xe buýt); trường hợp vạch sơn phân làn dành cho xe buýt là nét liền, các phương tiện khác không được đi vào làn đường dành cho xe buýt.

Khi đến gần nơi đường bộ giao nhau, xe được phép chuyển làn để đi theo hành trình mong muốn. Việc chuyển làn phải thực hiện theo đúng các quy định.

Cũng trong nhóm biển R412, tài xế cần lưu ý một số biển báo hiệu hết các đoạn đường dành riêng cho các phương tiện cơ giới, về thiết kế tương tự như nhóm biển trên, nhưng có thêm vạch đỏ từ phía trên bên phải gạch chéo xuống phía dưới bên trái của biển.

Trong khi đó, biển R.415 dùng để báo hiệu cho người tham gia giao thông biết số lượng làn đường và loại xe được phép lưu thông trên từng làn đường theo quy định. Tùy theo tình hình thực tế về số lượng làn đường và ý đồ tổ chức giao thông mà sử dụng các ký hiệu phương tiện trên các làn cho phù hợp và biển số R.415 chỉ là một trường hợp.

Biển đặt bên đường hoặc treo trên cột cần vươn. Biển này chỉ áp dụng với những đoạn đường có 2 đến 4 làn đường cho mỗi hướng lưu thông. Biển R.415 không áp dụng với các xe chuyển làn để ra/vào hoặc dừng đỗ bên đường.

Ngoài ra, khi sử dụng biển này phải kết hợp với vạch sơn phân chia làn đường phù hợp và thống nhất, trong trường hợp đến gần nơi đường bộ giao nhau, xe được phép chuyển làn để đi theo hành trình mong muốn và việc chuyển làn phải thực hiện theo đúng các quy định.

Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, người tham gia giao thông không đi đúng làn đường, phần đường của mình sẽ bị phạt.

- Đối với xe ô tô: Phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng; tước Bằng lái xe từ 1 đến 3 tháng. Trường hợp đi không đúng làn đường, phần đường gây tai nạn giao thông thì bị phạt tiền từ 10 đến 12 triệu đồng; tước Bằng lái xe từ 2 đến 4 tháng.

- Đối với xe máy: Phạt tiền từ 400.000 - 600.000 đồng. Trường hợp đi không đúng làn đường, phần đường gây tai nạn giao thông thì bị phạt tiền từ 4 đến 5 triệu đồng; tước Bằng lái xe từ 2 đến 4 tháng.

- Đối với máy kéo, xe máy chuyên dùng: Phạt tiền từ 400.000 đến 600.000 đồng; tước Bằng lái xe từ 1 đến 3 tháng. Trường hợp đi không đúng làn đường, phần đường gây tai nạn giao thông thì bị phạt tiền từ 6 đến 8 triệu đồng; tước Bằng lái xe từ 2 đến 4 tháng.

- Đối với xe đạp, xe đạp máy, xe đạp điện: Phạt tiền từ 80.000 đến 100.000 đồng.

Thế nào là lỗi đi sai vạch kẻ đường?

Vạch kẻ đường là một dạng báo hiệu, có thể dùng độc lập hoặc kết hợp với các loại biển báo, đèn tín hiệu để hướng dẫn, điều khiển giao thông nhằm nâng cao an toàn và khả năng lưu thông xe.

Có nhiều cách phân loại vạch kẻ đường như: dựa vào vị trí sử dụng (vạch trên mặt bằng và vạch đứng); dựa vào hình dáng, kiểu (vạch kẻ liền và vạch kẻ đứt khúc).

Lỗi đi sai vạch kẻ đường hay chính xác là lỗi không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường. Lỗi này thường ở những nơi đường giao nhau có đặt biển báo hiệu “Hướng đi trên mỗi làn đường phải theo” kết hợp với vạch mũi tên chỉ hướng đi trên mặt đường.

Theo đó, biển hiệu lệnh hướng đi trên mỗi làn đường phải theo R.411 để báo hiệu cho người tham gia giao thông biết số lượng làn đường trên mặt đường và hướng đi trên mỗi làn đường theo vạch kẻ đường. Biển sử dụng phải phối hợp với vạch kẻ đường (loại vạch 9.3: vạch mũi tên chỉ hướng trên mặt đường). Tùy theo tình hình thực tế về số lượng làn đường và hướng đi trên mỗi làn đường mà có ký hiệu phù hợp. Biển có tác dụng bắt buộc người tham gia giao thông phải đi đúng làn đường đã được chỉ dẫn hướng phù hợp với hành trình của xe.

Ví dụ theo biển báo và vạch kẻ đường, xe rẽ phải tại làn đi thẳng… Đây chính là lỗi không chấp hành chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường.

Tại điểm a khoản 1 Điều 5 Nghị định 100/2019 quy định phạt tiền từ 200.000 đến 400.000 đồng đối với người điều khiển ô tô không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường.

Đối với xe máy, tại điểm a khoản 1 Điều 6 Nghị định 100/2019 cũng quy định phạt tiền từ 100.000 đến 200.000 đồng đối với người điều khiển xe không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường.

Hoàng Mai