Sự kiện

Quốc hội thông tin chính thức về số người ứng cử ĐBQH khoá XV

Có 868 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV tại 184 đơn vị bầu cử trong cả nước để bầu 500 đại biểu Quốc hội khóa XV.

Ứng cử viên nhiều tuổi nhất là 77 tuổi, trẻ nhất 24 tuổi

Chiều 27/4, tại Nhà Quốc hội, hội đồng Bầu cử quốc gia tổ chức buổi họp báo công bố danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV (2021 - 2026).

Ông Bùi Văn Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên uỷ ban Bầu cử Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Ủy viên Hội đồng bầu cử Quốc gia, Chánh Văn phòng hội đồng Bầu cử Quốc gia - chủ trì buổi họp báo. 

Tại buổi họp báo, ông Cường công bố Nghị quyết số 559/NQ-HĐBCQG ngày 27/4/2021 của hội đồng Bầu cử Quốc gia, văn phòng hội đồng Bầu cử Quốc gia thông tin danh sách 868 người chính thức ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XV ở 184 đơn vị bầu cử trong cả nước.

Theo đó, Thủ đô Hà Nội có 49 người ứng cử ĐBQH. Tổng số đại biểu được bầu là 29 người, trong đó Trung ương có 12 và địa phương có 17.

TP.Hồ Chí Minh có tổng số 50 người ứng cử ĐBQH. Tổng số đại biểu được bầu là 30 người, trong đó Trung ương là 13 và địa phương là 17.

TP.Hải Phòng có 15 người ứng cử ĐBQH. Tổng số đại biểu được bầu là 9 người, trong đó Trung ương 4 và địa phương 5.

TP.Đà Nẵng có 10 người ứng cử ĐBQH. Tổng số đại biểu được bầu là 6 người, trong đó Trung ương 2 và địa phương 4.

TP.Cần Thơ có 13 người ứng cử ĐBQH. Tổng số đại biểu được bầu là 7 người, trong đó Trung ương có 3 và địa phương có 4...

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày tại buổi họp báo chiều 27/4 (ảnh: H. Yến)

Trong tổng số 868 ứng cử viên ĐBQH khóa XV, có 203 người do các cơ quan Trung ương giới thiệu, các đơn vị tại địa phương giới thiệu 665 người, 9 người còn lại là đại biểu tự ứng cử.

Về cơ cấu đại biểu ứng cử, ứng cử viên là phụ nữ có 393 người (chiếm tỉ lệ 45,28%), người dân tộc thiểu số là 185 người (chiếm 21,31%), người chưa phải Đảng viên là 74 người (chiếm 8,53%).

Về chuyên môn, 564 người có trình độ trên đại học (chiếm tỉ lệ 64,98%), 294 người có trình độ đại học (33,87%), 10 người có trình độ dưới đại học (1,15%).

Có 205 ứng cử viên là ĐBQH khóa XIV tái cử (chiếm tỉ lệ 23,63%).  

Đáng lưu ý, lứa tuổi bình quân đối với ứng cử viên ĐBQH lần này là 46 tuổi. Trong đó, người cao tuổi nhất là Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng (77 tuổi), trẻ tuổi nhất có hai ứng cử viên ở Điện Biên (24 tuổi).

Sẵn sàng ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19

Trong phần hỏi đáp với báo chí, các thành viên hội đồng Bầu cử quốc gia đã giải đáp nhiều thắc mắc của các nhà báo liên quan đến công tác chuẩn bị, kiện toàn nhân sự phục vụ cuộc bầu cử ĐBQH, bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Trước câu hỏi: "Trong tình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở một số quốc gia trên thế giới có ảnh hưởng đến Việt Nam, hội đồng Bầu cử có biện pháp nào để đảm bảo cuộc bầu cử diễn ra an toàn, hiệu quả", ông Hoàng Thanh Tùng - Ủy viên uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm uỷ ban Pháp luật của Quốc hội - cho hay, hội đồng Bầu cử Quốc gia đã có phương án cụ thể để đối phó.

Theo ông Tùng, ngày 13/4/2021, hội đồng Bầu cử quốc gia đã ban hành hướng dẫn quan trọng kịp thời hướng dẫn các địa phương có giải pháp ứng phó Covid-19 từ nay đến ngày bỏ phiếu, trên tinh thần đảm bảo quyền bầu cử của cử tri, trong đó có những cử tri đang bị cách ly, phòng bỏ phiếu phải thông thoáng để đảm bảo giãn cách đề phòng nguy cơ lây nhiễm...

Toàn cảnh buổi họp báo.

"Trường hợp xấu, nếu có sự bùng phát dịch bệnh, chúng tôi đều đã dự liệu để chủ động xây dựng phương án ứng phó", ông Tùng nói.

Phóng viên hỏi: Được biết, sau hội nghị hiệp thương lần 3, số ứng cử viên ĐBQH ở Trung ương giảm 2 người là ai, vì sao? Điều này có ảnh hưởng gì đến công tác nhân sự?

Trưởng ban Công tác đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thanh trả lời: Sau khi hiệp thương lần 3, tại khối cơ quan Trung ương có giảm 2 ứng cử viên. Trường hợp thứ nhất là ông Võ Trọng Việt - Chủ nhiệm uỷ ban Quốc phòng An ninh. Ông Việt bị đột quỵ nặng không có khả năng làm đơn xin rút nên hội đồng Bầu cử quốc gia đã đã xin ý kiến uỷ ban Chăm sóc sức khoẻ Trung ương và quyết định đưa ra khỏi danh sách.

Trường hợp thứ hai là bà Phạm Thị Bích Ngọc - hàm Vụ trưởng tại văn phòng Quốc hội. Theo bà Thanh, sau hiệp thương lần 3, bà Ngọc có đơn xin rút vì việc gia đình không đảm bảo yêu cầu công tác ĐBQH.

"Công tác nhân sự của Quốc hội luôn là công tác quan trọng, vì lựa chọn nhân lực ưu tú nhất cho cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước. Trong quá trình thực hiện, chúng tôi đã tham mưu cho hội đồng Bầu cử quốc gia bám sát chỉ đạo của Đảng, Bộ Chính trị, Ban bí thư, các quy định của pháp luật để công tác bầu cử chất lượng, chuyên nghiệp", bà Thanh khẳng định.

Báo chí đề nghị thông tin về trường hợp của Giám đốc bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quang Tuấn

Trước ý kiến đề nghị làm rõ tư cách cá nhân ông Nguyễn Quang Tuấn khi tham gia ứng cử ĐBQH khóa XV, bà Nguyễn Thị Thanh thông tin: Gần đây, khi chúng tôi được biết qua báo chí về trường hợp của đại biểu Nguyễn Quang Tuấn, tiểu ban Nhân sự đã có văn bản gửi bộ Công an xin thông tin chính xác về vụ việc này.

Sau đó, bộ Công an có phản hồi bằng văn vản 1123 là văn bản tuyệt mật. Hiện tại chúng tôi chỉ có thể thông tin cho báo chí rằng, đến thời điểm này, bộ Công an đang trong quá trình điều tra vụ việc, bộ Công an xác nhận ông Tuấn có ký một số văn bản liên quan đến vụ việc sai phạm ở bệnh viện Tim quốc gia (thời kỳ ông Tuấn làm Giám đốc) nhưng cá nhân ông Tuấn có vi phạm pháp luật hay không thì đang phải điều tra", bà Thanh thông tin.

Trưởng ban Công tác đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thanh trả lời báo chí chiều 27/4 (ảnh: H.Y).

Đồng thời, bà Thanh cũng khẳng định: Quốc hội sẽ ngày càng chất lượng, chuyên nghiệp, xứng đáng với kỳ vọng của cử tri. Bởi vậy mà phải có 3 lần hiệp thương, mỗi lần hiệp thương lại chọn lọc hơn và cuối cùng cử tri mới là người lựa chọn, quyết định ai được quyền đại diện cho tiếng nói của mình.

"Quá trình sàng lọc này diễn ra trong thời gian đến khi nào có nghị quyết của hội đồng Bầu cử quốc gia, uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Ngay cả khi cử tri bỏ phiếu bầu rồi mà phát hiện ứng cử viên có sai phạm thì vẫn đưa ra khỏi danh sách", Trưởng ban Công tác đại biểu Quốc hội nói.

Bầu cử Quốc hội khoá XV 

Cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV, bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ diễn ra vào ngày Chủ nhật 23/5/2021.

Trước đó, trong chương trình làm việc tại kỳ họp 11 Quốc hội khóa XIV, sáng 25/3, Quốc hội đã nghe báo cáo kết quả triển khai công tác bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 từ khi thành lập Hội đồng Bầu cử quốc gia đến tháng 3/2021.

Trình bày báo cáo, ông Nguyễn Hạnh Phúc - nguyên Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia - cho biết, theo thống kê sơ bộ, đã nhận được 1.136 hồ sơ người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV; 7.495 hồ sơ của người ứng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh.

“Tổng số người ứng cử đại biểu Quốc hội là 1.084 người (trong đó có 205 người do các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương giới thiệu, 803 người do các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương giới thiệu, 76 người tự ứng cử) đạt tỉ lệ bình quân 2,17 lần so với tổng số đại biểu Quốc hội được bầu”, ông Nguyễn Hạnh Phúc thông tin.