Thế giới

Quốc hội Nga triệu tập phiên họp bất thường, Kiev lo ngại

Trong khi đó, trên thực địa, Ukraine đang buộc Nga phải cân nhắc lại vấn đề tiếp tế hậu cần để tránh hứng thiệt hại do vũ khí hạng nặng của phương Tây gây ra.

Hạ viện của Quốc hội Nga - Duma Quốc gia - đã được triệu tập cho một phiên họp bất thường hôm 15/7, DW cho biết.

Quốc hội Nga, đã liệt kê một số sửa đổi về chính sách cạnh tranh và thông tin sẽ được thảo luận tại phiên họp.

Ông Vladimir Vasilyev, người đứng đầu đảng Nước Nga Thống nhất với 325 ghế trong quốc hội 450 ghế, nói rằng các nhà lập pháp sẽ thảo luận hơn 60 vấn đề tại phiên họp, mà không chỉ rõ chính xác những mục nào trong chương trình nghị sự.

Từ Kiev, phóng viên Nick Connolly của DW đưa tin về những suy đoán xung quanh phiên họp bất thường này.

Cách giải thích của Kiev cho động thái này là để dọn đường cho một số hình thức sáp nhập lãnh thổ Ukraine mà người Nga đã giành được kể từ ngày phát động cuộc tấn công này hôm 24/2, Connolly cho biết.

“Đã có suy đoán rằng họ có thể tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý như họ đã làm ở Crimea vào năm 2014, hoặc họ có thể cứ vậy mà sáp nhập toàn bộ lãnh thổ này, rồi nói rằng đây là lãnh thổ cốt lõi của Nga, và nếu Ukraine, hoặc các nước phương Tây giúp Ukraine, làm bất cứ điều gì để thay đổi điều này, thì Nga sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ lãnh thổ cốt lõi. Đó là điều mà người ở Kiev lo ngại”, phóng viên của DW cho biết.

Lính cứu hỏa di chuyển đống đổ nát ra khỏi một tòa nhà bị hư hại sau một cuộc không kích ở thành phố Vinnytsia, miền Trung Tây Ukraine, ngày 14/7/2022. Ảnh: TRT World

Anh: Quân Nga có nguy cơ mất động lực ở Donetsk

Mặc dù các lực lượng Nga đang tiếp tục pháo kích vào khu vực Donetsk, nhưng họ không đạt được tiến bộ đáng kể nào trong 72 giờ qua và có nguy cơ mất đi động lực đã xây dựng được sau khi kiểm soát thành trì cuối cùng của quân Ukraine ở Lugansk, Bộ Quốc phòng Vương quốc Anh cho biết.

Trong bản cập nhật tình báo mới nhất về tình hình chiến sự Nga-Ukraine hôm 14/7, Bộ này cho biết: “Tại Donbas, các lực lượng Nga tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công bằng pháo trên một mặt trận rộng lớn, theo sau là các cuộc tấn công thăm dò ở một số khu vực của các đơn vị nhỏ cấp đại đội và trung đội. Tuy nhiên, họ không đạt được tiến bộ đáng kể nào trong 72 giờ qua, và có nguy cơ mất đi động lực đã đạt được sau khi giành được ở thành phố Lysychansk”.

"Các phương tiện và vũ khí cũ kỹ, và các chiến thuật từ thời Liên Xô mà các lực lượng Nga đang sử dụng không thể nhanh chóng giúp họ lấy lại hoặc xây dựng động lực”, bản cập nhật cho biết, giải thích thêm rằng Nga có thể làm thế nếu các nguồn lực này được sử dụng với số lượng lớn, nhưng đây là điều mà họ hiện không thể đảm đương được.

Liên quan đến triển vọng đàm phán, Bộ Quốc phòng Anh cho biết, “Mặc dù cuộc đàm phán ngày 13/7 giữa các phái đoàn từ Ukraine, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và LHQ về xuất khẩu ngũ cốc cho thấy bước đột phá, và các cuộc trao đổi tù nhân được tiến hành thành công gần đây, triển vọng cho các cuộc đàm phán rộng hơn để chấm dứt xung đột vẫn còn thấp”.

Binh sĩ Nga được nhìn thấy ở làng Bilohorivka, thuộc lãnh thổ do Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) tự xưng kiểm soát, ngày 3/7/2022. Ảnh do cơ quan báo chí thuộc Bộ Quốc phòng Nga cung cấp.

Ukraine khiến Nga phải cân nhắc lại vấn đề tiếp tế hậu cần

Ukraine đang sử dụng vũ khí tầm xa và đạn pháo 155mm “thông minh” do phương Tây cung cấp để tấn công các bãi tập kết đạn và đường tiếp tế của Nga, buộc Moscow phải cân nhắc lại về cách cung cấp nhiên liệu và đạn dược cho tiền tuyến, Reuters dẫn lời ông Oleksiy Gromov, Phó Cục trưởng Cục Tác chiến thuộc Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine, cho biết hôm 14/7.

Trước đó, hôm 14/7, Ukraine cho biết các lực lượng của họ đã tấn công 2 trạm kiểm soát quân sự và một điểm đổ bộ tại một thị trấn trên lãnh thổ do Nga kiểm soát ở miền Nam Ukraine. Đây là cuộc tấn công mới nhất mà Kiev cho biết các lực lượng của họ đã tiến hành sâu trong các khu vực do Nga nắm giữ trong 2 tuần qua.

Ông Gromov nói trong một cuộc họp báo rằng nguồn cung vũ khí của phương Tây rất quan trọng đối với các cuộc tấn công của Ukraine và đã nêu bật tầm quan trọng của các Hệ thống Tên lửa Pháo binh Cơ động Cao (HIMARS) do Mỹ sản xuất mà Kiev đã bắt đầu nhận được vào tháng trước.

HIMARS có tầm bắn lên tới 80 km, xa hơn và chính xác hơn loại pháo từ thời Liên Xô mà Ukraine có trong kho vũ khí của mình.

Vụ nổ lớn được nhìn thấy tại kho đạn dược do Nga quản lý gần Kherson, miền Nam Ukraine, ngày 12/7/2022. Ukraine được cho là đã sử dụng tên lửa HIMARS do Mỹ viện trợ để tập kích kho đạn này. Ảnh: The Guardian

“Chúng tôi đang làm giảm tiềm năng của đối phương bằng cách đánh vào nguồn cung cấp hậu cần và kho đạn dược… Đối phương đang buộc phải thay đổi hệ thống cung cấp đạn dược và nhiên liệu”, ông Gromov nói.

“Ngay bây giờ đối phương đang tìm cách đặt các kho đạn cấp lữ đoàn cách tiền tuyến ít nhất 100 km, và các kho chứa cấp quân đoàn ở khoảng cách trên 150 km”.

Phương Tây đã cung cấp cho Ukraine pháo hạng nặng tầm xa hơn và nhiều hệ thống pháo phản lực phóng loạt (MLRS) để giúp Kiev cầm cự trước sự vượt trội của pháo binh Nga về quân số và hỏa lực.

Bộ Ngoại giao Nga hôm 14/7 đã chỉ trích Mỹ và Anh vì đã giúp huấn luyện các lực lượng vũ trang của Ukraine và cáo buộc Washington đã bí mật gửi kỹ thuật viên tới chiến trường để giúp các lực lượng Ukraine sử dụng HIMARS hiệu quả hơn.

Các tuyên bố của vị tướng thuộc Bộ Tổng tham mưu Ukraine không thể được xác minh độc lập bởi Reuters. Nhưng các tuyên bố này gợi ý rằng vũ khí của phương Tây đang có tác động lớn trên chiến trường và có thể cho thấy một “bước chuyển tinh tế” trong động lực giao tranh sau gần 5 tháng.

“Ngoài MLRS, chúng tôi đang tích cực sử dụng các loại đạn pháo thông minh 155mm, có bộ phận tự ngắm, nhờ vậy mà đã đánh trúng gần 30 phương tiện bọc thép của đối phương”, ông Gromov cho biết.

Tướng Oleksiy Gromov cho biết, Ukraine đang sử dụng vũ khí do phương Tây cung cấp để làm gián đoạn đường tiếp tế của Nga. Ảnh: New York Post

Quan chức Ukraine đề xuất thành lập ủy ban theo dõi vũ khí được viện trợ

Ông Andriy Yermak, Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine, hôm 14/7 đã đề xuất thành lập một ủy ban đặc biệt để giúp theo dõi vũ khí nhận được từ các đồng minh nước ngoài của Kiev.

Đề xuất của ông Yermak được đưa ra trong bối cảnh xuất hiện các dấu hiệu lo ngại ở nước ngoài rằng bọn tội phạm có thể đánh cắp một số vũ khí được viện trợ và bán trên thị trường chợ đen.

Tờ Financial Times, dẫn lời các quan chức phương Tây, đưa tin trong tuần này rằng các quốc gia NATO và Liên minh châu Âu (EU) đang thúc đẩy việc theo dõi tốt hơn các vũ khí cung cấp cho Ukraine.

Khói bốc lên từ các tòa nhà công nghiệp sau cuộc không kích ở Slovyansk, Donetsk, miền Đông Ukraine, ngày 13/7/2022. Ảnh: Anadolu Agency

Các mảnh vỡ tên lửa được nhìn thấy gần một khu công nghiệp ở Slovyansk, Donetsk, miền Đông Ukraine, ngày 13/7/2022. Ảnh: Anadolu Agency

Lực lượng cứu hỏa cố gắng dập tắt đám cháy gần một khu công nghiệp ở Slovyansk, Donetsk, miền Đông Ukraine, ngày 13/7/2022. Ảnh: Anadolu Agency

Minh Đức (Theo DW, New York Post, The Guardian, TRT World)