Thế giới

Quốc gia châu Phi vật lộn để tránh lãng phí vắc-xin “cận date”

Tỉ lệ tiêm chủng chỉ đạt 4% nhưng Nigeria và Senegal đang đối mặt với tình trạng vắc-xin Covid-19 đã hết hạn mà vẫn chưa được sử dụng, buộc phải tiêu hủy.

Tiêu huỷ 1 triệu liều vắc-xin hết hạn

Ở Senegal, ít nhất 200.000 liều vắc-xin Covid-19 đã hết hạn mà vẫn chưa được sử dụng trong 2 tháng qua, và 200.000 liều vắc-xin khác nữa sẽ hết hạn vào cuối tháng 12 này, người đứng đầu chương trình tiêm chủng của quốc gia Tây Phi cho biết.

Còn ở Nigeria, nước này sẽ tiến hành tiêu hủy khoảng 1 triệu liều vắc-xin Covid-19 đã hết hạn sử dụng và sẽ không nhận vắc-xin được tặng có thời hạn sử dụng ngắn nữa, giới chức y tế Nigeria xác nhận.

Tuy nhiên thời gian thực hiện việc tiêu hủy chưa được ấn định, Faisal Shuaib, người đứng đầu Cơ quan Phát triển Chăm sóc Sức khỏe Ban đầu Quốc gia (NPHCDA), cho biết hôm 13/12.

NPHCDA đang làm việc với cơ quan quản lý thuốc quốc gia, là NAFDAC, để ấn định ngày tiêu hủy số vắc-xin nói trên, Shuaib cho biết thêm.

Việc một số lượng vắc-xin Covid-19 do các nước phương Tây giàu có tặng chỉ còn hạn sử dụng trong vài tuần đã làm tăng thêm thách thức cho Nigeria trong việc tiêm chủng cho người dân. Mới có chưa đến 4% người lớn ở quốc gia đông dân nhất châu Phi (với dân số hơn 200 triệu người) được tiêm chủng đầy đủ, Bộ trưởng Y tế Nigeria Osagie Ehanire cho biết hồi tuần trước.

Trong giai đoạn khan hiếm vắc-xin trước đây, Nigeria đã chấp nhận vắc-xin có thời hạn sử dụng ngắn từ các nhà tài trợ quốc tế nhằm nhanh chóng thực hiện chương trình tiêm chủng để bảo vệ người dân khỏi loại virus nguy hiểm, theo Shuaib.

Nigeria sẽ không chấp nhận vắc-xin có thời hạn sử dụng ngắn nữa, ông cho biết, trích dẫn quyết định của Ủy ban chỉ đạo của Tổng thống về Covid-19.

Vì đâu nên nỗi?

Các chính phủ châu Phi đã kêu gọi thêm vắc-xin Covid-19 để giúp bắt kịp các khu vực giàu có hơn, nơi việc triển khai vắc-xin đã diễn ra rầm rộ trong hơn một năm.

Tốc độ cung cấp vắc-xin cho châu Phi đã tăng lên nhanh chóng trong những tuần gần đây.

Một số quốc gia trong khu vực đã phải vật lộn để đảm bảo chương trình tiêm chủng bắt kịp với tốc độ vắc-xin được chuyển đến.

Các vấn đề về hậu cần, thời hạn sử dụng ngắn của vắc-xin được tài trợ và sự chần chừ tiêm chủng, tất cả đều làm chậm tốc độ tiêm chủng, dẫn tới vắc-xin không được kịp thời sử dụng trước khi hết hạn.

"Vấn đề chính là sự chần chừ tiêm chủng", Ousseynou Badiane, người phụ trách triển khai vắc-xin của Senegal, cho biết. "Số ca mắc bệnh đang giảm dần. Người ta đặt câu hỏi rằng tại sao phải tiêm phòng nếu dịch bệnh không còn nữa"?

Được triển khai từ tháng 2/2021, chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 của Senegal có tiến triển khá chậm chạp. Ảnh: Xinhua

Senegal đã ghi nhận hơn 74.000 trường hợp nhiễm Covid-19 và 1.886 trường hợp tử vong kể từ khi đại dịch bắt đầu, thấp hơn nhiều so với những con số được thấy ở nhiều quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề hơn bởi loại virus nguy hiểm này.

Tốc độ lây nhiễm ở Senegal đã giảm xuống kể từ làn sóng thứ ba diễn ra hồi tháng 7, thời điểm nhu cầu vắc-xin tăng đột biến. Từ đó, quốc gia Tây Phi này thỉnh thoảng không ghi nhận ca nhiễm mới hàng ngày.

Sự thờ ơ đã kéo lùi tốc độ tiêm chủng. Chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 ở Senegal bắt đầu từ tháng 2. Nhưng đến nay mới có 1,3 triệu người được tiêm trong tổng số 17 triệu dân, theo Straits Times, tương đương với tỉ lệ tiêm chủng gần 7,7%.

Hiện Senegal đang tiêm chủng cho 1.000-2.000 người mỗi ngày, giảm so với mức 15.000 người/ngày trong mùa hè, Badiane nói với Reuters. Với tốc độ này, Senegal không thể sử dụng hết được số vắc-xin mà nước này đang có.

"Chúng tôi không lạc quan" về việc sử dụng hết 200.000 liều vắc-xin trước khi chúng hết hạn vào cuối tháng này, ông cho biết.

Badiane hy vọng Chính phủ có thể sẽ đưa ra một số loại hạn chế đối với những người chưa tiêm chủng, bao gồm cả việc sử dụng “hộ chiếu vắc-xin” như nhiều quốc gia khác đã làm, để tăng tỉ lệ tiêm chủng.

Minh Đức (Theo Reuters, Straits Times)