Dân sinh

Quảng Ninh dự kiến chuyển lợn Móng Cái thuần chủng ra đảo xa đề phòng dịch tả heo châu Phi

Chỉ còn 300 giống thuần chủng, tỉnh Quảng Ninh tính dịch chuyển lợn Móng Cái ra đảo xa để tránh thiệt hại lớn.

Được biết, Quảng Ninh là địa phương có đường biên giới dài và có nhiều cửa khẩu, đường mòn, lối mở thông thương với nước bạn Trung Quốc.

Chính vì vậy, trước tình hình dịch tả lợn Châu Phi đang có chiều hướng lây lan rộng, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn Châu Phi thâm nhập vào địa bàn.

Giống lợn lai giống Móng Cái thì khá nhiều trong khi số lượng thuần chủng chỉ khoảng 300 con.

Theo báo Lao Động, dịch tả lợn Châu Phi đã xuất hiện ở tất cả 14 đơn vị cấp huyện của tỉnh Quảng Ninh, trong đó có TP.Móng Cái – nơi có giống lợn đặc biệt.

Lợn Móng Cái - một giống lợn đặc biệt của Quảng Ninh - nếu bị đại dịch tả lợn châu Phi tấn công có khả năng dẫn tới thiệt hại lớn, thậm chí tuyệt chủng, bởi hiện tại Móng Cái chỉ còn khoảng 300 con thuần chủng tập trung ở một số trang trại của tư nhân tại Móng Cái.

Bởi vậy nên tỉnh Quảng Ninh đang tính tới việc đưa đàn lợn này ra ngoài đảo xa để hạn chế sự lây lan của dịch tả lợn châu Phi.

Lợn Móng Cái là giống lợn này nhỏ, thịt thơm ngon, mềm dẻo vượt trội so với những loại thịt lợn khác.

Theo ông Vũ Văn Kinh - Chủ tịch UBND TP.Móng Cái - đến nay, giống lợn này vẫn an toàn trước dịch tả, nhưng nguy cơ luôn rình rập bởi dịch vẫn lan rộng và chưa có thuốc chữa.

Trước nguy cơ số lợn Móng Cái thuần chủng này bị dịch tấn công, tỉnh Quảng Ninh đã tính đến việc đưa số lợn này ra đảo Vĩnh Thực – nằm cách trung tâm TP.Móng Cái khoảng 20km.

Dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra, lây lan nhanh ở loài lợn, tỷ lệ chết lên đến 100%.

Dịch tả lợn châu Phi đang có dấu hiệu lây lan nhanh.

Bệnh không lây nhiễm và gây bệnh ở người; không gây bệnh cho các loài động vật khác. Từ năm 2016 đến nay, bệnh xuất hiện tại trên 59 quốc gia. Việt Nam là một trong ba nước châu Á có dịch (hai nước còn lại là Trung Quốc, Mông Cổ).

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã và đang tập trung chỉ đạo các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai quyết liệt, khá đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Tuy nhiên, nguy cơ dịch bệnh tiếp tục có chiều hướng lây lan nhanh, phạm vi rộng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển nghề chăn nuôi lợn, gây tổn thất lớn về kinh tế, ảnh hưởng lớn đến môi trường, đời sống của người chăn nuôi.

Vì vậy, phòng, chống tốt và tổ chức khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi là công việc cấp bách và rất quan trọng đối với các địa phương hiện nay.

Ông Trần Xuân Đông – Chi cục trưởng chăn nuôi và thú y tỉnh Quảng Ninh trả lời Vietnamnet rằng: “Nếu để lại đất liền, chẳng may dính dịch tả lợn Châu Phi thì sẽ không còn con nào và khả năng sẽ mất hết nguồn lợn Móng Cái thuần chủng, bởi hiện Quảng Ninh mới chỉ lưu giữ được tinh trùng lợn. Toàn bộ đàn lợn thuần chủng này là của các DN, nhưng khi giao cho họ xây dựng phương án tài chính để đưa ra đảo chăn nuôi thì họ kê khai, đề nghị hỗ trợ 10 tỉ đồng. Các DN phải chủ động bảo vệ tài sản của mình chứ, nhà nước chỉ hỗ trợ một phần. Các DN lập dự toán như thế khác gì tỉnh thuê họ bảo vệ đàn lợn của họ”.

Cũng theo ông Đông, để đề phòng dịch tả lợn Châu Phi tấn công ra ngoài đảo, xóa sổ toàn bộ đàn lợn, thì ngoài việc lưu giữ tinh trùng, cần phải lưu giữ được phôi để sau này nhân giống lại.

Tuy nhiên, tỉnh Quảng Ninh không đủ năng lực để thực hiện việc này và đang kiến nghị bộ NN&PTNT hỗ trợ.

Minh Anh (tổng hợp)