Kinh tế vĩ mô

Quảng Ninh đặt chỉ tiêu thu ngân sách hơn 52 nghìn tỷ đồng năm 2022

Với mục tiêu thích ứng, kiểm soát tốt dịch Covid-19, giữ đà tăng trưởng, phát triển nguồn nhân lực, Quảng Ninh đặt mục tiêu thu hơn 52 nghìn tỷ đồng trong năm 2022.

Chiều 14/12, UBND tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức hội nghị công bố giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội và dự toán thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022. Ông Nguyễn Tường Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, chủ trì hội nghị.

Theo đó, một số chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội phấn đấu của tỉnh Quảng Ninh trong năm 2022, như: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm bình quân đạt trên 10%; tổng thu NSNN trên 52.600 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân tăng hơn 10%; thu hút vốn đầu tư FDI đạt 1,5 tỷ USD; tỉ lệ đô thị hóa đạt 68,5%; tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 85%; tỉ lệ giảm hộ nghèo đạt 0,11%.

Ông Nguyễn Tường Văn nhấn mạnh: Năm 2022, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục đặt mục tiêu cao hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra trong bối cảnh còn gặp nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 có thể xuất hiện phức tạp, nguy hiểm hơn do các biến thể mới.

Với mục tiêu trên, ông Nguyễn Tường Văn yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các địa phương tập trung quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, quyết định của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh gắn với chủ đề công tác năm 2022: “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19; giữ vững đà tăng trưởng; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao”.

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, từng ngành, địa phương khẩn trương triển khai cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ bằng các giải pháp cụ thể, phù hợp với thực tiễn của từng cơ quan, đơn vị, địa phương, trong đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương chuẩn bị kế hoạch năm 2022 trình HĐND cùng cấp tại kỳ họp cuối năm đúng thời gian quy định.

Mục tiêu thu ngân sách Nhà nước năm 2022 của tỉnh Quảng Ninh là hơn 52 nghìn tỷ đồng.

Về dự toán thu, chi NSNN, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu Sở Tài chính, Cục Thuế tỉnh, Cục Hải quan tỉnh bám sát tình hình thực tế, tham mưu UBND tỉnh điều hành linh hoạt nhiệm vụ thu ngân sách, quá trình chỉ đạo điều hành, tùy theo diễn biến tình hình kinh tế, xã hội có thể điều chỉnh tăng, giảm một số khoản thu, song về tổng thể không thấp hơn 52.600 tỷ đồng.

Về công tác đầu tư công năm 2022, ông Nguyễn Tường Văn khẳng định, mục tiêu đến ngày 30/9/2022, toàn tỉnh phải giải ngân đạt 80% kế hoạch năm và đến ngày 31/12/2022 giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn ghi đầu năm.

Để đạt được mục tiêu này, các chủ đầu tư cần chuẩn bị tốt công tác đầu tư đối với các dự án khởi công mới năm 2022. Đồng thời yêu cầu chủ đầu tư lựa chọn nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm, kiên quyết không chấp thuận các nhà thầu yếu kém, không đảm bảo năng lực, làm chậm tiến độ dự án.

UBND các địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác đền bù GPMB, cơ chế, chính sách trong GPMB, huy động tối đa hệ thống chính trị để cùng vào cuộc vận động tạo sự đồng thuận của nhân dân trong công tác GPMB. Các cơ quan, đơn vị, địa phương phải đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu vật liệu san lấp cho các dự án trên địa bàn tỉnh, nhất là các dự án đầu tư công trong giai đoạn tới.

Ông Nguyễn Tường Văn cũng yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc tiến độ thi công, tiến độ giải ngân các dự án trên địa bàn tỉnh. Yêu cầu các chủ đầu tư phải chấn chỉnh công tác quản lý, tăng cường giám sát, đôn đốc nhà thầu triển khai thi công, thực hiện theo đúng cam kết. Kiên quyết thay thế các nhà thầu yếu kém, không đảm bảo nhân lực, máy móc, thiết bị như đã cam kết.