Xu hướng thị trường

Quảng Ngãi: Người dân phấn khởi vì giá cau bật tăng khi hàng loạt nông sản rớt giá

Ở nhiều tỉnh, nông sản rớt giá khiến người dân gặp khó. Tuy nhiên, ở Quảng Ngãi, giá cau tăng cao ngay từ đầu vụ, người dân có nguồn thu tốt hơn.

Nguồn tin trên báo Dân Trí, diện tích đất trồng cau của tỉnh Quảng Ngãi hiện lên đến hàng nghìn ha. Cây cau được trồng nhiều nhất ở các huyện Sơn Tây, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Mộ Đức…

Khoảng 5 năm trở lại đây, cau được sấy khô xuất khẩu sang Trung Quốc giúp người nông dân Quảng Ngãi có thu nhập khá. Cau ở Quảng Ngãi đã vào mùa thu hoạch khoảng 1 tháng nay. Các năm trước, cau đầu vụ có giá khá rẻ bởi sản lượng nhiều, riêng năm nay giá cau tăng rất cao.

Bà Nguyễn Thị Bảy ở huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi cho hay, lần gần nhất bà Bảy bán cau là cách đây 5 ngày, với giá 45.000 đồng/kg. Bà vừa bán được hơn 60 kg cau, thu về 2,7 triệu đồng. Hiện giá đã lên hơn 60.000 đồng/kg. Bà Bảy cho hay, chưa năm nào giá cau đầu vụ lại đắt như năm nay. Hiện bà còn khoảng 80 cây cau đang cho trái. 

Theo người dân, giá cau đầu vụ tăng đột biến là điều chưa từng xảy ra. Đầu vụ năm trước, cau chỉ có giá 3.000 - 4.000 đồng/kg, sau đó tăng nhẹ lên khoảng 10.000 đồng/kg. Riêng năm nay, giá thấp nhất là 10.000 đồng/kg rồi tăng vọt từng ngày. 

Nói về việc cau tăng giá cao từ đầu vụ, anh Nguyễn Minh Thảo, chủ vựa cau ở huyện Nghĩa Hành, lý giải có 2 nguyên nhân. Đầu tiên phải nhắc đến những trận bão lớn vào năm ngoái. Bão tàn phá một số lượng cau rất lớn của Việt Nam cũng như của nhiều nước khác. Những diện tích cau còn lại cũng bị giảm sản lượng.

Cánh rừng cau bạt ngàn ở huyện miền núi Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi (Ảnh: Dân Trí).

Mặt khác, dù dịch bệnh phức tạp, nhu cầu tiêu thụ cau của thị trường Trung Quốc tăng mạnh khiến giá cau đầu vụ tăng liên tục. Giá thu mua đang là 60.000 - 65.000 đồng/kg và tăng liên tục. Anh Thảo cho biết cau sẽ được hấp, sấy, vận chuyển qua Trung Quốc.

Các năm trước, giá cau cao nhất có thể lên trên 100.000 đồng/kg nhưng rơi vào thời điểm cuối vụ, số cau còn lại rất ít nên "sốt" giá.

Theo anh Thảo, giá cau đang ở mức cao nhưng nếu phía Trung Quốc ngừng thu mua lập tức sẽ hạ. Sự biến động này diễn ra rất nhanh, thậm chí chỉ trong vài ngày cau có thể rớt giá xuống chỉ còn vài nghìn đồng mỗi kg.

Việc cau tăng giá là một tín hiệu mừng cho bà con nông dân. Bởi trước đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, rất nhiều nông sản thời gian qua rơi vào cảnh rớt giá.

Theo báo Công an Tp.HCM có bài phản ánh hồi tháng 6, báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh An Giang cho thấy, giá xoài thời điểm đó xuống 3.000 - 12.000 đồng một ký (tùy loại).

Tại vườn xoài của chị Lê Thị Thúy ngụ xã Phú Thuận, huyện Thoại Sơn (An Giang),  xoài Đài Loan giá bán tại vườn chỉ từ 2.500 - 5.000 đồng một ký, Cát Chu từ 5.500 - 8.000 đồng, giảm một nửa so với năm ngoái. Trong khi đó giá nhân công, phân bón thì lại tăng vùn vụt. Tiền công lao động hái xoài từ sáng đến trưa là 300 ngàn đồng. Tiền vận chuyển xoài từ vườn ra xe tải hay ghe lại tốn chi phí từ 700 ngàn đồng. Ngoài ra, chi phí vật tư, phân bón tăng cao 10%. Thời điểm rớt giá sâu, ở Đồng Tháp, giá xoài giảm không phanh. Xoài Đài Loan loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, loại 2 còn 2.500 đồng/kg và xoài dạt 1.000 đồng/kg. Riêng đặc sản xoài cát Hòa Lộc được bán xô với giá từ 15.000 đồng/kg.

Nhiều hộ trồng khóm (dứa) ở Tiền Giang, Kiên Giang, Hậu Giang... cũng gặp khó khi giá rớt xuống mức có 5.000 đồng/trái (1 trái từ 1kg trở lên). Giá ớt cũng giảm theo. Mỗi kg ớt bán tại vườn thời điểm thấp chỉ còn 5.000 - 10.000 đồng.

Mộc Miên (T/h)