Môi trường

Quảng Nam: "Xử" người đứng đầu nếu để "cát tặc" lộng hành

Trước diễn biến phức tạp của nạn cát tặc, công tác quản lý còn nhiều thiếu sót, Chính phủ đã có chỉ đạo chấn chỉnh vấn đề này ở Quảng Nam. Đặc biệt là việc yêu cầu xem xét trách nhiệm người đứng đầu các địa phương, cơ quan quản lý.

"Cát tặc" lộng hành

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh vừa ký văn bản số 1736/UBND-KTN, về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước, phát huy vai trò của các cấp, ngành trong việc quản lý khoáng sản cát, sỏi lòng sông, cửa biển trên địa bàn tỉnh.

Theo ghi nhận của PV, động thái này của lãnh đạo tỉnh Quảng Nam nhằm chấn chỉnh lại diễn biến phức tạp trong khai thác cát, sỏi trên các con sông. Thực tế, những năm qua, việc điều hành quản lý của các cấp ngành ở địa phương này chưa tốt, vẫn còn các sai phạm, thiếu sót trong quản lý khoáng sản nói chung và khai thác cát, sỏi nói riêng. Vì lý do đó mà nạn "cát tặc" luôn hoành hành ảnh hưởng đến môi trường, cuộc sống người dân.

"Cát tặc" lộng hành ở tỉnh Quảng Nam. Sự phối hợp, quản lý tài nguyên ở địa phương này thời gian qua được nhìn nhận là chưa thực sự tốt.

Theo số liệu có được từ Công an tỉnh Quảng Nam, từ quý 4/2018 đầu năm 2019, các lực lượng Công an Quảng Nam đã xử lý 42 vụ, 42 đối tượng khai thác cát trái phép, xử phạt hơn 700 triệu đồng, tạm giữ một số phương tiện tham gia khai thác cát trái phép. Cạnh đó, nhiều đơn vị có giấy phép nhưng khai thác không đúng theo phương án được duyệt, như khai thác không đúng giờ quy định, không cắm mốc hoặc cắm mốc không đầy đủ, không đảm bảo an toàn khi vận chuyển cát.

Rộng hơn, từ đầu năm 2019 đến nay, tính chung các lực lượng có thẩm quyền xử lý "cát tặc" ở tỉnh Quảng Nam đã phát hiện 659 vụ/426 đối tượng về hành vi khai thác cát trái phép và tập kết kinh doanh cát trái phép. Tổng số tiền xử phạt hơn 12 tỷ đồng, tịch thu 4.685 m3 cát, 73 ghe thuyền, 2 ô tô, 1 máy xúc, khởi tố 2 vụ về hành vi khai thác cát trái phép. 

Theo sở TN&MT tỉnh Quảng Nam, toàn tỉnh có 184 mỏ cát, sỏi được quy hoạch thăm dò, khai thác, trữ lượng khoảng 60 triệu m3. Thực tế, do Quảng Nam lẫn TP.Đà Nẵng có nhiều công trình lớn cùng với nhiều công trình dân sinh khiến cho nhu cầu vật liệu cát, sỏi liên tục gia tăng. Vì cung không đủ cầu nên tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra khá phức tạp. Liên tục các vụ vận chuyển, khai thác cát trái phép bị phát hiện bắt giữ. 

Đặc biệt nhất của nạn "cát tặc" là trên tuyến sông Vu Gia - Thu Bồn. Con sông lớn dồi dào tài nguyên này bị "bức tử" khi có 29 mỏ khoáng sản cát, sỏi được cấp phép và khoảng 50 điểm tập kết cát bởi "bàn tay" của 28 doanh nghiệp được tỉnh cấp phép khai thác cát, sỏi. Ngoài ra, còn hàng chục thậm chí cả trăm doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng khai thác trái phép, trộm cắp...

Theo ghi nhận của PV, mức độ lộng hành của nạn "cát tặc" ở tỉnh Quảng Nam còn khiến dư luận cả nước phải ngán ngẩm khi mới đây, ông Phạm Ngọc Anh, Phó Trưởng phòng TN&MT thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam bị các đối tượng nhắn tin đe dọa. Trước đó, vị này có tham gia vào đoàn kiểm tra liên ngành của thị xã Điện Bàn ra quân, truy quét, xử lý rất quyết liệt tình trạng “cát tặc” trên sông Thu Bồn.

Chấn chỉnh, xử lý

Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, ngoài việc giao trách nhiệm trực tiếp cho từng đơn vị, cơ quan cấp dưới, UBND tỉnh nghiêm cấm tình trạng lập hồ sơ nạo vét lòng sông với mục đích lợi dụng để khai thác cát, sỏi.

Chính phủ yêu cầu Quảng Nam xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu địa phương, đơn vị quản lý nếu để xảy ra hoạt động khai thác, vận chuyển cát, sỏi trái phép.

Cùng với đó, việc cấp mới, gia hạn giấy phép thăm dò, khai thác cát, sỏi và bến bãi tập kết phải thực hiện đúng quy hoạch được UBND tỉnh phê duyệt, nhu cầu cát, sỏi trong từng thời kỳ và việc chấp hành pháp luật của các chủ mỏ, chủ bến bãi. Nghiêm cấm các địa phương cho phép khai thác cát, sỏi, cho phép lập, tồn tại bến bãi trái quy định pháp luật dưới bất cứ hình thức nào.

Không xem xét đề xuất, tham mưu cấp giấy phép thăm dò, khai thác các loại khoáng sản trên địa bàn (kể cả gia hạn, chuyển nhượng) đối với các doanh nghiệp hoạt động khoáng sản có hành vi vi phạm kể từ tháng 4/2019, thuộc các trường hợp bị xử phạt hành chính 2 lần trở lên; bị xử phạt bằng hình thức tước quyền sử dụng giấy phép; bị xử lý vi phạm hình sự; chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính...

UBND tỉnh Quảng Nam sẽ chỉ đạo đóng cửa các bến bãi không đủ điều kiện cấp, gia hạn giấy phép hoạt động; việc đóng cửa bến bãi phải thực hiện bằng biện pháp ngăn chặn triệt để, không cho tái hoạt động.

Xử lý trách nhiệm người đứng đầu!
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình về tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Theo đó, trước những diễn biến phức tạp về tình hình khai thác cát, sỏi trái phép trên địa bàn, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam tiếp tục tập trung chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để hoạt động khai thác, vận chuyển cát, sỏi trên địa bàn tỉnh tuân thủ quy định của pháp luật; kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm và trách nhiệm người đứng đầu các địa phương, cơ quan liên quan để xảy ra hoạt động khai thác, vận chuyển cát, sỏi trái phép.