Giáo dục

Quảng Nam thanh tra toàn diện các gói thầu giáo dục vùng núi

Trước tình trạng “nóng” về việc đấu thầu, tỉnh Quảng Nam yêu cầu thanh tra toàn diện các gói thầu liên quan đến Chương trình mục tiêu giáo dục vùng núi...

Ngày 29/11, ông Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, vừa yêu cầu các đơn vị có trách nhiệm thanh tra toàn diện các gói thầu liên quan đến Chương trình mục tiêu giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn giai đoạn 2016-2020, Chương trình 775.

Theo đó, ông Tân giao Thanh tra tỉnh thực hiện thanh tra toàn diện đối với các gói thầu liên quan chương trình 755 do Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý, thực hiện và rà soát kết luận thanh tra các kết luận về việc quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp giáo dục trong việc sửa chữa, cải tạo trường lớp học và mua sắm tài sản, trang thiết bị dùng dạy và học trong năm 2019-2020.

Ông Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam. 

Sở Tài chính nhận nhiệm vụ thực hiện kế hoạch thanh tra đối với các gói thầu liên quan Chương trình 775 do UBND các huyện Nam Trà My, Bắc Trà My, Đông Giang, Tây Giang, Phước Sơn quản lý, thực hiện.

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh theo dõi kết luận, xử lý của Thanh tra tỉnh, Sở Tài chính tổng hợp tham mưu UBND tỉnh thực hiện báo cáo các Bộ, ngành Trung ương đảm bảo nội dung, thời gian theo yêu cầu.

Trong khi đó, Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND huyện Nam Giang chịu trách nhiệm phối hợp với Thanh tra tỉnh, UBND các huyện Nam Trà My, Bắc Trà My, Đông Giang, Tây Giang, Phước Sơn chịu trách nhiệm phối hợp với Sở Tài chính trong cung cấp hồ sơ, tài liệu phục vụ công tác thanh tra, rà soát kết luận thanh tra.

Chương trình 755 được triển khai tại các địa phương có các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phố thông dân tộc bán trú và các trường, điểm trường tiểu học, trung học cơ sở công lập có học sinh bán trú tại các vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn.

Chương trình 775 hỗ trợ rất nhiều về giáo dục cho các vùng miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. 

Chương trình nhằm tiếp tục hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các trường phổ thông dân tộc nội trú theo Quyết định 1640/QĐ-TTg ngày 21/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án củng cố và phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú giai đoạn 2011 - 2015 và các trường phổ thông dân tộc nội trú cấp huyện mới được thành lập do chia tách địa giới hành chính và theo quy hoạch mạng lưới điều chỉnh.

Bên cạnh đó, hỗ trợ mua sắm bổ sung trang thiết bị dạy học tối thiểu và bàn ghế học sinh, trang thiết bị, đồ dùng nhà ăn, nhà bếp, khu nội trú; sửa chữa, cải tạo, mở rộng, nâng cấp cơ sở vật chất các trường, điểm trường tiểu học, trung học cơ sở công lập có học sinh bán trú tại các thôn đặc biệt khó khăn, xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi; xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn) và các trường phổ thông dân tộc bán trú.

Thời gian gần đây, tình hình đấu thầu tại tỉnh Quảng Nam đang được dư luận quan tâm. Trước đó, Người Đưa Tin phản ánh, Công an tỉnh Quảng Nam đã tạm giữ một số cán bộ liên quan hành vi sai phạm trong hoạt động đấu thầu gồm ông Phạm Văn Điểu, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư và Xây dựng Tp.Hội An và một cán bộ của Ban này.

Đồng thời, Công an Tp.Tam Kỳ tạm giữ khẩn cấp Lê Hữu Vũ, 33 tuổi, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đô thị huyện Thăng Bình và Trần Thanh Dũng, 34 tuổi, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn - Kỹ thuật xây dựng Đại Bình An, vì liên quan đến hành vi dàn xếp đấu thầu, vi phạm các quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam thời gian gần đây cũng xảy ra một số lùm xùm liên quan đến việc đấu thầu.

Trước tình hình phức tạp về đấu thầu, ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng có yêu cầu tăng cường quản lý, chấn chỉnh công tác đấu thầu trên địa bàn.

Ông Quang yêu cầu các đơn vị tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, có biện pháp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động đấu thầu theo đúng quy định; kiên quyết không để xảy ra các trường hợp sai phạm, tồn tại trong đấu thầu.

Việc đấu thầu phải đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả, lựa chọn được nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm đáp ứng được yêu cầu.

Trong quá trình thực hiện, quản lý chặt chẽ nguồn vốn đầu tư và hợp đồng được ký kết, thực hiện việc tạm ứng, bảo lãnh tạm ứng hợp đồng theo đúng quy định; nghiệm thu, thanh toán khối lượng đã thực hiện, thu hồi tạm ứng và giải ngân kịp thời nguồn vốn được bố trí.

Học sinh tại các vùng miền núi tỉnh Quảng Nam vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. 

Người có thẩm quyền, người đứng đầu cơ quan, đơn vị tuyệt đối không được lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để giới thiệu hoặc can thiệp bất hợp pháp vào quá trình lựa chọn nhà thầu dẫn đến làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu….

Các đơn vị này phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc lập, phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu và đánh giá, thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu của đơn vị tư vấn đấu thầu và Tổ thẩm định đấu thầu, đảm bảo thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu lựa chọn đơn vị tư vấn đấu thầu không đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu, sai lệch kết quả đấu thầu, để xảy ra sai sót hoặc có hành vi phạm như dàn xếp, cố tình gây ra sai sót trong việc lập, phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất, thông thầu.