Môi trường

Quảng Nam: Tăng cường cung cấp thông tin, quản lý bến thủy nội địa

Ngành GTVT Quảng Nam vừa có công văn đề nghị các cơ quan chức năng khác phối hợp quản lý bến thủy nội địa trên địa bàn.

Ngày 7/7, tin từ Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Quảng Nam, Phó Giám đốc Sở Lê Quang Hiếu vừa ký Công văn 2007/SGTVT-QLCLCT về việc thông tin quản lý hoạt động các bến thủy nội địa phục vụ tập kết cát, sỏi trên địa bàn tỉnh.

Văn bản này gửi cho Công an tỉnh Quảng Nam, các Sở: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các đơn vị khác.

Sở GTVT Quảng Nam có Công văn gửi các cơ quan chức năng khác cung cấp thông tin về các bến thủy nội địa, đồng thời đề nghị phối hợp cung cấp thông tin thuộc trách nhiệm quản lý và các vi phạm của các chủ bến.

Theo Sở GTVT Quảng Nam để phục vụ công tác quản lý khai thác khoáng sản cát, sỏi trên địa bàn tỉnh, Sở cung cấp thông tin quản lý hoạt động các bến thủy nội địa phục vụ tập kết cát, sỏi trên địa bàn tỉnh hiện nay.

Cụ thể: Danh sách các bến, bãi theo quy hoạch được duyệt có tổng cộng có 38 bến. Danh sách các bến đã được công bố hoạt động và còn thời hạn có 10 bến, gồm: huyện Đại Lộc 3 bến, huyện Duy Xuyên 4 bến, thị xã Điện Bàn 1 bến, Tp.Hội An 2 bến. Danh sách các bến đã được công bố hoạt động và hết thời hạn có tổng cộng có 4 bến, gồm: huyện Duy Xuyên 1 bến, thị xã Điện Bàn 2 bến và huyện Nông Sơn 1 bến.

Trong đó, 4 bến đã hết thời hạn hoạt động nêu trên có 3 bến hết hạn từ năm 2021 (Hộ kinh doanh Đào Văn Phương, hộ kinh doanh Trần Quang Hy và Công ty Tây Nông Sơn); Riêng bến Bình Trị Thượng (Lê Thị Tiện - Công ty TNHH
MTV Mai Thiên Kim) mới hết hạn ngày 30/6/2022 vừa qua. 

Theo tìm hiểu của Người Đưa Tin, bến Bình Trị Thượng cũng là bến đã từng bị cơ quan chức năng xử lý vì các sai phạm. Cụ thể, theo UBND thị xã Điện Bàn, thời gian trước bến hoạt động nhưng có chưa kết nối, đồng bộ hạ tầng đê kè. Bến này thành lập một bến bãi tập kết cát khổng lồ nằm ngay trên mép bờ sông. Theo quy hoạch, bãi tập kết cát rộng 2.000m2. Tuy nhiên, thực tế núi cát khổng lồ này rộng đến 4.000m2, lấn sang phần đất của các hộ lân cận. 

Bến thủy nội địa ở khu vực xã Điện Phước tập kết số lượng cát đồ sộ.

Theo Công văn của Sở GTVT Quảng Nam, việc cung cấp thông tin về hiện trạng các bến để các cơ quan, địa phương được biết, đồng thời, Sở cũng đề nghị các cơ quan, địa phương phối hợp cung cấp thông tin thuộc trách nhiệm quản lý của mình và các vi phạm của các chủ bến (nếu có) để Sở tổng hợp, xử lý theo quy định thuộc chức năng, thẩm quyền.

Động thái trên Sở GTVT là một trong những giải pháp nhằm thắt chặt công tác quản lý bến thủy nội địa, đặc biệt là các bến đã hết hiệu lực tránh việc cố tình hoạt động trái phép.

Ở một diễn biến khác có liên quan, nói về một số giải pháp quản lý bến thủy nội địa, ông Trương Văn Sơn, Chánh Thanh tra GTVT tỉnh Quảng Nam cho biết, thanh tra có trách nhiệm quản lý các ghe tàu vận chuyển cát sỏi dưới sông đến bến thủy nội địa. Với các bến thủy đã hết hạn, nếu phát hiện ghe tàu vận chuyển cát vào bến thủy thì lực lượng chức năng sẽ xử lý ngay.

Còn việc xe tải vào bãi tập kết vận chuyển cát sỏi ra ngoài là liên quan đến công tác quản lý tài nguyên khoáng sản.

Trả lời câu hỏi về việc ngành có kiểm tra bến bãi sau khi hết hạn hoặc có biện pháp gì để tránh bến bãi hết phép vẫn hoạt động, ông Nguyễn Thanh Vỹ, Trưởng Phòng TNMT thị xã Điện Bàn cho biết, ông sẽ giao bộ phận phụ trách kiểm tra rồi thông tin đến báo chí.

Xe tải, xe ben cỡ lớn liên tục vào ra bến thủy hộ bà Lê Thị Tiện những ngày đầu tháng 7/2022.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin!

Nhóm phóng viên