Sự kiện

Quảng Nam: Mở đường, tìm cách tiếp cận 2 xã bị cô lập vì sạt lở

7 xe đào, 1 xe xúc lật, 4 xe tải cùng hàng chục người đang hoạt động cả ngày lẫn đêm để mở đường vào 2 xã Phước Thành và Phước Lộc.

Người dân sẽ sống tiếp ra sao?

Ngày 9/11, ông Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng ban Nội chính tỉnh Quảng Nam cho biết, lực lượng chức năng đã nối lại việc tìm kiếm các nạn nhân mất tích sau vụ sạt lở nghiêm trọng tại xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn.

Trước đó, do ảnh hưởng bão số 10 nên việc tìm kiếm tại đây bị gián đoạn.

Người dân cõng lương thực, thực phẩm, băng rừng tiếp viện cho 2 xã bị cô lập. 

Các đơn vị tìm kiếm gồm lực lượng tại chỗ của xã Phước Lộc, tăng cường từ bộ đội biên phòng, huyện đội, công an và lực lượng dân quân tự vệ.

Hiện, tại xã Phước Lộc vẫn còn 4 người mất tích, gồm 1 cán bộ xã và 3 người dân tại thôn 3.

Hiện, tuyến đường liên xã dẫn vào xã Phước Lộc và Phước Thành vẫn còn bị chia cắt, chưa thể đưa phương tiện cơ giới vào.

Cũng theo ông Hà, ảnh hưởng bão số 10, nhiều khu vực lại tiếp tục sạt lở nghiêm trọng. Để đi vào khu vực này, lực lượng chức năng phải đi bộ qua những cung đường rất nguy hiểm.

Điều người dân quan tâm nhất hiện nay là đối với các hộ gia đình mất nhà sẽ sống như thế nào?

Về việc này, ông Nguyễn Mạnh Hà cho hay, đến nay, có khoảng 400 người dân ở các xã Phước Lộc, Phước Thành, Phước Kim mất nhà sau bão lũ phải sống tạm trú tại cơ quan nhà nước, trường học.

Ông đã yêu cầu phòng Kinh tế hạ tầng nghiên cứu dựng nhà lắp ghép tạm thời, sau khi hết bão sẽ thực hiện.

Các căn nhà lắp ghép này sẽ phục vụ cho các hộ gia đình bị mất nhà hoàn toàn. Sau khi các hộ này xây nhà thì cơ quan chức năng sẽ thu nhà lắp ghép lại.

Ông Hà cũng đã yêu cầu UBND huyện Phước Sơn tạm dừng các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn.

Thay vào đó, chính quyền địa phương tập trung vào các công trình phục vụ khắc phục bão lũ như sửa chữa đường giao thông, làm nhà ở, đất cho người dân…

Hiện nay, lực lượng chức năng, kết hợp người dân vẫn đang cõng hàng tiếp tế đến những khu vực bị cô lập.

Sớm thông đường

Trong khi đó, Thượng tá Lê Nho Tâm, Trưởng Công an huyện Phước Sơn cho biết, ảnh hưởng cơn bão số 10, lũ lớn đã cuốn trôi cây cầu tạm bắc qua suối Nước Mắt vào xã Phước Lộc.

Đây là con đường tiếp tế lương thực cho khoảng 3.000 người dân.

Do đó, hàng chục cán bộ chiến sĩ Công an Phước Sơn chặt tre, lồ ô nối lại nhịp cầu tạm. Sau nhiều giờ lao động cật lực, chiếc cầu tạm đã được hoàn thành. Việc gùi hàng tiếp tế cho người dân lại được tiếp tục.

Mở đường, tìm cách tiếp cận 2 xã bị cô lập vì sạt lở.

Việc gùi hàng tiếp tế, đảm bảo sinh tồn cho 3.000 người dân bị cô lập chủ yếu là người dân khu vực lân cận như xã Phước Thành, Phước Công…

Bất kể ai có sức khoẻ, xung phong gùi hàng là có thể nhập đội. Đội cõng lương thực không chỉ có thanh niên mà có cả phụ nữ và trẻ em.

Ông Nguyễn Quảng, Phó Chủ tịch phụ trách huyện Phước Sơn, khẳng định sẽ mở 1 tuyến đường đi bộ, 1 tuyến đường ô tô tạm thời để thông tuyến.

Đồng thời, chính quyền địa phương sẽ không để người dân đang bị cô lập đói. Cách tiếp tế duy nhất hiện tại là huy động lực lượng cõng nhu yếu phẩm cho người dân đảm bảo đủ sống mùa mưa.

Cũng theo ông Quảng, chính quyền địa phương đã kết hợp với ngành giao thông tỉnh Quảng Nam huy động 7 xe đào, 1 xe xúc lật, 4 xe tải tiến hành múc khối lượng đất đá trên tuyến đường ĐH1, nối từ đường Hồ Chí Minh dẫn vào các xã bị sạt lở là Phước Thành, Phước Lộc.

Các xe này hoạt động cả ngày lẫn đêm để thông tuyến cho người dân đi lại thuận tiện, vận chuyển lương thực, thực phẩm dễ dàng.

Dự kiến, với thời tiết thuận lợi, khoảng 2 ngày nữa đường vào xã Phước Thành sẽ được thông tuyến. Sau đó khoảng 1 tuần, tuyến đường vào xã Phước Lộc cũng được thông tuyến.

“Hiện nay, việc thông tuyến đường vào các khu vực này là rất quan trọng. Đối với những khu vực bị đất đá sạt lở, xe cơ giới sẽ múc đất, dọn dẹp. Riêng các điểm, đường đã bị cắt đứt hoàn toàn sẽ phải mở đường mới”, vị này cho hay.

Theo báo cáo của UBND huyện Phước Sơn, do ảnh hưởng bão số 9, trên địa bàn có mưa to, tình trạng sạt lở diễn ra nhiều nơi. Đặc biệt, đường giao thông đến 2 xã Phước Lộc và Phước Thành bị hư hỏng nặng. Hàng chục ngôi nhà tại đây bị cuốn trôi. Khoảng 3.000 người dân bị cô lập. Riêng xã Phước Lộc xảy ra vụ sạt lở khiến 13 người mất tích, đến nay đã tìm được 9 thi thể, còn 4 người đang mất tích.