Môi trường

Độc đáo phun thuốc trừ sâu bằng thiết bị bay không người lái

Công nghệ hiện đại đã thu hút người dân địa phương. Việc sử dụng thiết bị bay trong phun thuốc trừ sâu không chỉ mang lại hiệu quả mà còn bảo vệ sức khỏe người dân.

Ngày 18/6, chương trình trình diễn thiết bị bay không người lái phun thuốc phòng trừ sâu hại lúa diễn ra trên nhiều thôn xã ở tỉnh Quảng Nam.

Đây là sự kiện do các hợp tác xã địa phương phối hợp đơn vị triển khai dự án tổ chức. Mục tiêu của sự kiện là đem lại hiệu quả cao trên diện tích canh tác nông nghiệp đồng thời bảo vệ môi trường nông thôn tại các tỉnh miền Trung.

Công nghệ hiện đại sẽ được áp dụng vào nông nghiệp ở các vùng nông thôn, khó khăn.

Sự dụng thiết bị bay không người lái là công nghệ hiện đại, đạt độ chính xác cao trong xử lý nên có thể dập dịch hại theo cụm và ngăn chặn bùng phát, thuốc phun đều và mịn, sử dụng ít nước, tránh lãng phí thuốc, phân.

Đặc biệt, giúp bảo vệ sức khỏe nông dân và môi trường nông thôn, giúp kiểm soát chặt chẽ dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên nông sản.

Theo ghi nhận của PV Người Đưa Tin Pháp Luật, sự kiện áp dụng công nghệ cao vào nông nghiệp này đã thu hút hàng trăm, hàng ngàn người dân ở các địa phương hiếu kỳ theo dõi.

Ngoài tỉnh Quảng Nam, thiết bị bay không người lái phun thuốc phòng trừ sâu sẽ được phát triển ở các tỉnh như Khánh Hòa, Bình Định và Quảng Trị trong tháng 6/2020 này.

Hàng trăm người dân hiếu kỳ theo dõi.

Tại thôn Vĩnh Xuân, xã Bình Trung, huyện Thăng Bình, ngay từ sáng sớm, rất đông người dân tụ tập về cánh đồng lớn của thôn để xem thiết bị bay. Đa số người dân tỏ ra hứng khởi và kỳ vọng và công nghệ này.

Cạnh đó, nhiều người cũng băn khoăn về việc chuyển giao công nghệ đến tay người dân. Theo họ, nhìn nhận thẳng thắn thì người dân ở các vùng thôn quê còn yếu kém trong việc sử dụng công nghệ.

Do đó, họ mong muốn các đơn vị triển khai dự án cần có thêm những buổi tập huấn, hướng dẫn người dân cách sử dụng, bảo quản thiết bị bay...

Người dân vẫn còn băn khoăn về việc chuyển giao công nghệ. Do đó, rất cần sự quan tâm, đầu tư, hướng dẫn từ các đơn vị quản lý.

"Hoặc, các đơn vị có thể đứng ra nhận khoán phun thuốc cho bà con nông dân chúng tôi thông qua hợp tác xã. Ở đây, cày bừa, gặt lúa cũng có những đơn vị tương tự. Bà con nông dân cũng đỡ vất vả mà hiệu quả cao", một người dân chia sẻ.