Môi trường

Quảng Nam: Dân dựng lều phản đối lò đốt rác ở thượng nguồn sông

Người dân Quảng Nam đã 5 ngày liền tập trung phản đối một dự án rác. Trước đó, cũng chính dự án này, ngành cấp nước TP.Đà Nẵng đã bày tỏ quan ngại.

Ngày 11/8, tức sau nhiều ngày trời, hàng chục người dân thôn Đại An, xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam vẫn tiếp tục dựng lán trại, tập trung đông tại khu đất được quy hoạch xây dựng lò đốt rác thải sinh hoạt xã Đại Nghĩa. Động thái kiên trì và kiên quyết này của người dân nhằm bày tỏ thái độ phản đối dự án này.

"Chúng tôi chẳng hề nghe được thông tin gì, chẳng có cuộc họp dân gì để thông tin về dự án này. Vậy mà đùng một cái, 5 ngày trước, một số bà con đi làm đồng thì mới phát hiện họ cày xới đất đồi núi để xây dựng. Bà con tập trung lại hỏi nhau mới hay họ đang làm lò đốt rác thải. Thực sự bà con đã sốc, lo sợ dự án nhiều khả năng sẽ khiến môi trường địa phương lâm vào tình cảnh ô nhiễm nên đã dựng lều trại ngay khu đất đang được san lấp với quyết tâm ngăn cản thi công”, ông Nguyễn Văn Tâm (người dân thôn Đại An) nói.

Hàng chục người dân tập trung dựng lều trại phản đối lò đốt rác.

Theo lời của rất đông các hộ dân này, việc họ dựng lều trại phản đối dự án rác này không phải là điều quá vô lý. Minh chứng thực tế mà người dân Đại An thấy được là sự ô nhiễm ở nhiều dự án khác lân cận như bãi rác Khánh Sơn (TP.Đà Nẵng), bãi rác Tam Xuân 2 (tỉnh Quảng Nam)...

Cụ Lê Thị Mánh năm nay đã quá tuổi cổ lai hy nhưng khi nghe tin người làng tập trung lên phản đối dự án rác, cụ cũng chống gậy nằng nặc đòi theo. Cụ bảo, cụ già rồi nhưng còn con cháu, còn bà con chòm xóm của cụ. "Chúng tôi yêu cầu nhà máy đốt rác phải di dời tới vị trí xa khu dân cư hơn”, cụ Mánh dứt khoát.

Người dân yêu cầu đối thoại, công khai công nghệ và minh bạch thông tin để người dân nắm được.

Trước nỗi bức xúc của người dân, lãnh đạo UBND xã Đại Nghĩa có mặt tại hiện trường vận động bà con đi về. Tuy nhiên, mọi chuyện vẫn chưa đi đến hồi kết.

Ông Trương Nhành, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Nghĩa cho hay, trong buổi sáng ngày 10/8, UBND xã tổ chức cuộc họp nhưng người dân không chịu đến dự.

“Bà con thôn Đại An yêu cầu phải tổ chức họp dân ngay ở nhà văn hóa thôn chứ nhất quyết không tới hội trường của UBND xã. Chúng tôi sẽ sắp xếp một buổi đối thoại khác trong thời gian tới nhằm giải quyết bức xúc của người dân”, ông Nhành nói.

Thực tế, lo lắng của người dân Đại An ở một góc độ nào đó không hề là quá đáng. Dự án xử lý rác thôn Đại An, xã Đại Nghĩa cũng từng bị TP.Đà Nẵng "bày tỏ sự quan ngại".

Đây là câu chuyện mà báo điện tử Người Đưa Tin đã nhiều lần đăng tải. Theo đó, khi hay tin tỉnh Quảng Nam khởi động nhà máy rác ở Đại Nghĩa, công ty CP cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) ngay lập tức có công văn gửi HĐND và UBND TP.Đà Nẵng đề nghị can thiệp.

Dawaco cho rằng vị trí xây dựng lò đốt rác ở xã Đại Nghĩa, cách đập dâng An Trạch khoảng 4km, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nguồn nước sông Yên hiện đang cung cấp cho hơn 1 triệu người dân Đà Nẵng.

Thời gian qua, TP.Đà Nẵng đang đối mặt với nhiều vấn đề liên quan đến an ninh nguồn nước (thiếu nước, nhiễm mặn, lợ, đóng cặn...). Do đó, vấn đề đặt dự án đốt rác ở khu vực thượng nguồn sông lẫn công nghệ đốt cần phải được xem xét thận trọng.

Tuy nhiên, khi được báo chí hỏi về ý kiến trên của phía TP.Đà Nẵng, ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhìn nhận lo lắng của Dawaco là quá xa, không phù hợp với thực tế. Bởi, toàn bộ các hạng mục công trình của dự án nhà máy xử lý rác Đại Nghĩa được khép kín trong khuôn viên nhà máy, cách ly với môi trường bên ngoài. Ngoài ra, công trình này còn có hệ thống thu gom khí tại bể chứa để dẫn về lò đốt, bổ sung không khí cho quá trình đốt theo chu trình khép kín. Vì vậy, ngay trong nhà máy cũng gần như không có mùi. Hơi nóng của lò đốt sẽ được tận dụng để sấy khô rác. Nước rỉ rác có rất ít và được dẫn vào hệ thống 4 bể xử lý rồi chuyển qua chứa trong bể sinh học (dung tích tối đa 3.500m3).

Mới nhất, sở TNMT TP.Đà Nẵng cũng có văn bản thể hiện: “Các dự án phát triển kinh tế xã hội có tác động đến nguồn nước lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn phải được xem xét, hỏi ý kiến của hai địa phương và các cơ quan Trung ương có liên quan. Tăng cường kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp, tại cơ sở sản xuất ngoài khu công nghiệp có nguồn thải vào hạ lưu sông”. Hiện, Sở này đang có báo cáo gửi UBND TP.Đà Nẵng quyết định.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin!

Dự án Lò đốt rác thải sinh hoạt tại xã Đại Nghĩa được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt theo QĐ số 383/QĐ-UBND ngày 25/1/2018 theo hình thức đối tác công tư (PPP); được chấp thuận chủ trương đầu tư tại QĐ số 3460/QĐ-UBND ngày 15/11/2018. Dự án do công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam làm chủ đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư gần 100 tỷ đồng với tổng công suất xử lý rác 240 tấn/ngày, gồm 2 modul xử lý rác với công suất khoảng 5 tấn/giờ/modul và các hạng mục kèm theo như: nhà làm việc, nhà kho, nhà lưu chất nguy hại, trạm cân, hệ thống cấp điện và cấp nước, hố chứa tro xỉ, bể sinh học, hệ thống xử lý nước thải, nhà chứa rác, đường giao thông…

Dự án được Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh (người vừa đăng đàn "phản pháo" cho rằng lo lắng của ngành nước TP.Đà Nẵng về dự là xa vời, thiếu thực tế - PV) ký phê duyệt ĐTM vào ngày 23/1/2019.

Dự án này được phê duyệt đơn giá tạm thời xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ lò đốt là 390.000 đồng/tấn vào ngày 2/5/2019 (đơn giá này đã bao gồm thuế giá trị gia tăng nhưng chưa bao gồm chi phí xử lý tro xỉ và áp dụng trong thời hạn 1 năm kể từ khi dự án chính thức đi vào hoạt động). Đơn giá này cao hơn nhiều so với con số 284.000 đồng/tấn theo Quyết định công bố dự án trước đó của UBND tỉnh Quảng Nam.