Dân sinh

Quảng Bình: Những con số "biết nói" ở làng du lịch tốt nhất thế giới

Từ khi được công nhận làng du lịch tốt nhất thế giới, làng Tân Hóa đã đạt được những con số ấn tượng. Đây là minh chứng cho hướng đi đúng đắn, đem lại sự phát triển bền vững cho địa phương.

Tháng 10/2023, làng Tân Hoá, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, được thế giới biết đến khi được trao giải thưởng Làng du lịch tốt nhất (Best Tourism Villages- BTV). Giải thưởng này là một sáng kiến toàn cầu của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) nhằm vinh danh những ngôi làng nơi du lịch bảo tồn và phát huy các giá trị, sản phẩm và lối sống dựa vào cộng đồng và nông thôn, đồng thời thúc đẩy sự đổi mới và tính bền vững.

Toàn cảnh làng du lịch Tân Hóa (Ảnh: Oxalis).

Sau khi được công nhận, chỉ trong tháng 12/2023, Tân Hóa đã đón 782 khách du lịch, bảo đảm nguồn thu nhập cho 82 porter, 10 hộ dân homestay (mức thu trung bình gần 7,2 triệu đồng/tháng) và 10 hộ cung cấp trải nghiệm ăn tối tại nhà dân (thu nhập bình quân hơn 12,3 triệu đồng/tháng) cùng một số hộ cung ứng thực phẩm. Dự kiến trong những tháng du lịch cao điểm, lượng khách có thể tăng lên từ 1.000- 1.500 khách/tháng. Với con số này, tổng doanh thu dự kiến của Làng du lịch Tân Hóa trong năm 2024 là khoảng 10-12 tỷ đồng.

Cảnh làng quê yên bình tại Tân Hóa (Ảnh: Oxalis).

Rural homestay là mô hình lưu trú thích ứng với thời tiết được triển khai thử nghiệm vào tháng 5 và khai thác chính thức vào tháng 11/2023. 10 căn nhà nổi của người dân được Oxalis đầu tư 150 triệu đồng theo thoả thuận không hoàn lại. Các ngôi nhà đều được đặt trên các thùng phi, có thể nổi khi nước lũ dâng cao. Trong tháng 12/2023, gần 120 lượt phòng đã được sử dụng, mang lại nguồn thu nhập trung bình cho mỗi hộ dân gần 7,2 triệu đồng.

Ông Nguyễn Châu Á, Tổng Giám đốc Oxalis nói: "Chúng tôi không rõ các mô hình du lịch cộng đồng khác ở Việt Nam hoạt động hiệu quả như thế nào nhưng nếu nguồn thu trong năm 2024 của Làng du lịch Tân Hóa bao gồm lương porter, dịch vụ ăn uống, homestay, mua bán nông sản và thực phẩm địa phương phục vụ cho các tour của Oxalis đạt được như dự kiến là 10-12 tỷ đồng thì đó thực sự là con số khá ấn tượng”.

Người dân địa phương tham gia vào hoạt động du lịch (Ảnh: Oxalis).

Từ một làng quê nghèo đói vì lũ lụt hằng năm và được mệnh danh là “rốn lũ” của Quảng Bình, Tân Hoá đã tìm cách thích ứng với thời tiết và thiên tai để vươn lên nhờ làm du lịch. 

Ông Trương Xuân Thơm, ở thôn 2 Yên Thọ, xã Tân Hóa cho biết, ông không nghĩ rằng sẽ có ngày, căn nhà nổi nằm ở góc vườn của mình sẽ là điểm lui tới thường xuyên của du khách. Từ một hộ gia đình quanh năm chỉ biết làm nông, nay vợ chồng ông có thêm một nghề mới và tăng thêm nguồn thu từ chính căn nhà nổi này.

Các hoạt động du lịch không chỉ làm thay đổi bộ mặt của kinh tế- xã hội mà còn thay đổi cả nhận thức của người dân. Từ việc khai thác rừng, sống dựa vào rừng nay người dân đã có ý thức bảo vệ rừng, coi phát triển rừng chính là sinh kế bền vững nhất.

Nhà chống lũ trở thành điểm lưu trú độc đáo cho khách du lịch (Ảnh: Oxalis).

Những người nông dân cũng đã được tham gia các khóa tập huấn và đào tạo để trở thành đầu bếp, porter phục vụ khách du lịch trong các tour khám phá Tú Làn.

Bên cạnh đó, Sở Du lịch cũng mở các lớp đào tạo về nghiệp vụ du lịch cơ bản cho nhân viên các cơ sở kinh doanh du lịch và người dân trên địa bàn, tập trung vào các kỹ năng giao tiếp tiếng Anh cơ bản và xây dựng sản phẩm, marketing, vận hành
điểm đến du lịch.

Những món ăn do chính tay người dân địa phương nấu phục vụ khách du lịch (Ảnh: Oxalis).

Theo Chủ tịch UBND xã Tân Hóa Trương Thanh Duẩn, từ năm 2014, Oxalis đã cùng với chính quyền xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, Sở Du lịch và UBND tỉnh xây dựng chiến lược phát triển bền vững đưa vùng đất này trở thành trung tâm du lịch trọng điểm phía Tây Bắc Quảng Bình và được định hướng phát triển theo mô hình làng du lịch thích ứng với thời tiết. Từ một làng quê chịu nhiều thiên tai, bão lũ, Tân Hóa đã từng bước khẳng định mình trên bản đồ du lịch trong nước và thế giới bởi hướng đi, cách làm độc đáo.

Chủ tịch UBND xã Tân Hóa khẳng định: “Làng du lịch tốt nhất của UNWTO không dừng lại ở danh hiệu mà đã thực sự mang đến nhiều cơ hội cho địa phương trong phát triển du lịch. Khi tên tuổi của Tân Hóa được biết đến nhiều hơn cũng đồng nghĩa với việc lượng khách du lịch từ khắp nơi tìm đến đây để trải nghiệm đông và đều hơn. Người dân có thêm nhiều việc làm, tăng thêm nguồn thu nhập, góp phần phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương”.

Nhiều khách du lịch đến với làng Tân Hóa (Ảnh: Oxalis).

Và khám phá hệ thống hang động Tú Làn kỳ vĩ (Ảnh: Oxalis).

Làng du lịch Tân Hóa hiện đang khai thác và phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch thích ứng thời tiết độc đáo như: Trải nghiệm mô hình du lịch thích ứng thời tiết tại các homestay nhà nổi và Tú Làn Lodge; thám hiểm hệ thống hang Tú Làn và hang Tiên; trải nghiệm lái xe địa hình ATV; tham quan phim trường Kong: Skull Island; ăn tối nhà dân và trải nghiệm văn hóa; tham quan làng bằng xe đạp; trải nghiệm tham gia cùng người dân trong các hoạt động sản xuất nông nghiệp… Hiện nay, Tân Hóa được đánh giá là một trong những làng du lịch và điểm đến nổi bật của Quảng Bình.

Từ khi được công nhận Làng du lịch tốt nhất, Tân Hoá vẫn giữ được nét bình yên có sẵn. Làm du lịch nhưng không làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân, không làm biến dạng hay quá tải cho ngôi làng, không gây ảnh hưởng đến môi trường. Đó chính là chỉ dấu du lịch bền vững theo tiêu chuẩn của UNWTO.