Sự kiện

Quảng Bình cấm tàu thuyền hoạt động trên biển

UBND tỉnh Quảng Bình có công điện gửi các cấp, ngành kiểm soát chặt chẽ, không để tàu ra khơi đánh bắt hải sản, cấm tàu thuyền hoạt động trên biển, các cửa sông từ 12h00 ngày 29/8 cho đến khi bão tan.

Video: Ngư dân Quảng Bình đưa thuyền vào bờ tránh trú bão.

Chiều 29/8, ngư dân nói riêng và người dân Quảng Bình nói chung, đều đang nỗ lực hết mình trong công tác chuẩn bị phòng chống bão số 4 .

Bão số 4 có tên Podul, dự báo sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh Quảng Bình. Theo ghi nhận, chiều 29/8, tỉnh Quảng Bình có mưa vừa, một số tuyến đường xảy ra tình trạng ngập úng cục bộ.

Tàu cá vào bờ tránh trú bão.

Tại cửa biển Nhật Lệ TP.Đồng Hới, các ngư dân đang khẩn trương đưa tàu, thuyền neo đậu nơi an toàn. Với những loại tàu thuyền có công suất nhỏ, ngư dân thuê xe cần cẩu để cẩu lên bờ. Được biết, mỗi thuyền phải mất chi phí cẩu khoảng 250.000 đồng.

Một ngư dân trú tại xã Bảo Ninh, TP.Đồng Hới cho biết: “Đã thành thông lệ, mỗi khi mưa bão đến, người dân chúng tôi không ai bảo ai, chủ động tìm cách đưa tàu thuyền vào tránh trú an toàn, rồi sau đó mới gia cố nhà cửa, chặt cây”.

Cẩu tàu nhỏ lên bờ.

Theo ghi nhận, tại các tuyến đường thuộc TP.Đồng Hới, hầu hết đều có mặt của nhân viên Trung tâm công viên cây xanh Đồng Hới, thực hiện việc cắt tỉa những cành cây lớn, có nguy cơ gãy đổ cao... Tại các điểm có cổng chào trang trí cũng được chằng bằng dây cáp. Bên cạnh đó, các nhà hàng, quán xá cũng được người dân khẩn trương gia cố cẩn thận.

Theo báo cáo từ Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Quảng Bình, đến 5h ngày 29/8, tỉnh này còn 677 tàu với 4.325 lao động vẫn hoạt động trên biển.

Người dân chặt cây, đề phòng gió lớn làm gãy đổ.

Cùng ngày, UBND tỉnh Quảng Bình có công điện gửi các cấp, ngành, trong đó yêu cầu Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh, Giám đốc sở NN&PTNT, Chủ tịch UBND các địa phương ven biển tìm mọi biện pháp thông báo, kiên quyết kêu gọi toàn bộ tàu thuyền đang hoạt động trong vùng nguy hiểm vào bờ hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn. Kiểm soát chặt chẽ không để tàu ra khơi đánh bắt hải sản, cấm tàu thuyền hoạt động trên biển, các cửa sông từ 12h00 ngày 29/8 cho đến khi bão tan.

UBND tỉnh Quảng Bình cũng yêu cầu các lực lượng tổ chức hướng dẫn, sắp xếp neo đậu tàu thuyền, không để tàu thuyền hư hỏng do va chạm khi neo đậu; di chuyển và có biện pháp đảm bảo an toàn cho các lồng bè nuôi trồng thủy hải sản; tuyệt đối không để người ở lại trên tàu thuyền, lồng bè.

Ngư dân đang chằng chéo, buộc dây neo thuyền vào bờ đảm bảo an toàn.

Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã có trách nhiệm phân công cụ thể cán bộ trực tiếp chỉ đạo các xã, các thôn, bản; đặc biệt là những vùng thường xuyên bị chia cắt, những vùng thường bị ngập sâu hoặc có nguy cơ sạt lở, lũ quét; Chỉ đạo dự trữ lương thực, thực phẩm thuốc men và nhu yếu phẩm cần thiết khác cho nhân dân các vùng có nguy cơ bị chia cắt, vùng ngập sâu, vùng sâu, vùng xa có đồng bào dân tộc sinh sống và các vùng dân cư khác, đề phòng bị chia cắt lâu dài. Tập trung lực lượng, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ”. Rà soát phương án, chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng sơ tán khẩn cấp người dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm khi có tình huống xấu.