Tiêu dùng & Dư luận

Quán trà bị trộm tiền ở Đà Lạt không lắp camera gây chú ý với mô hình kinh doanh đề cao sự tự giác

''Quán của Thời Thanh Xuân'' nằm trên đường Triệu Việt Vương, Đà Lạt là một dự án doanh nghiệp xã hội mang tính nhân văn, giúp cho những bạn trẻ khiếm thính, khiếm thị. Tuy nhiên mới đây quán đã bị mất trộm.

Ngày 5/10, fanpage Quán của Thời Thanh Xuân đăng tải bài viết tâm sự về việc bị kẻ gian lấy trộm tiền. Bài đăng nhanh chóng nhận được hơn 2.000 lượt bày tỏ cảm xúc và gần 200 bình luận.

Trên fanpage Quán của Thanh Xuân sau khi bị trộm có viết:

"Buồn ghê ha!

Ai đó đã đến Quán, cậy thùng, lấy tiền, thêm dăm ba món đồ, cả hũ muối tôm nữa.

Buồn ghê ha!

Chả ai đang sống trong sung túc, đầy đủ mà làm việc này. Chắc cuộc sống của người đang gặp khó khăn, có vấn đề. Mong là số tiền người lấy đi có thể giúp người giải quyết được rắc rối nào đó. Còn nếu không phải là như vậy, thì việc người không kiểm soát được lòng tham của người sẽ khiến người day dứt trong khoảng thời gian không ngắn. Quán sẽ thấy thương người lắm.

Buồn ghê ha! Quán được dựng nên, được nuôi dưỡng bằng lòng tử tế của tất cả những Thanh Xuân đến đây. Và Quán chỉ muốn sống bằng lòng tử tế ấy, nhân đôi lên, và lan rộng thêm. Để nơi có chúng ta - là nơi đáng sống.

Quán không muốn báo công an.

Quán không muốn lắp camera ơi hỡi người ơi!

Buồn quá!''

Quán này nhấn mạnh sẽ tiếp tục không lắp camera sau sự cố vừa qua. Theo Zing, chị Hiếu, đại diện quán khẳng định việc mất trộm tiền đã xảy ra 7, 8 lần. Tuy nhiên, phía quán muốn mọi người nhìn nhận bài chia sẻ theo một góc nhìn khác.

"Anh chủ vẫn hay bảo là bình thường, cho qua đi. Nếu mọi người nhìn sự việc ở góc độ bình thường, đó đơn giản chỉ là mất tiền chứ không phải điều gì quá to tát. Quán chỉ muốn chia sẻ, không viết lên để khóc lóc", chị Hiếu nói.

Quán trà Đà Lạt cho biết không thống kê được số tiền mất đợt này vì kẻ gian đã xé luôn sổ. Những lần trước, số tiền mất lên đến cả triệu đồng.

Đại diện quán cho biết nhiều vị khách đến uống trà nhưng có thể bỏ 200.000-300.000 đồng vào thùng rồi ghi lại sổ. Số khác trả đúng giá cũng ghi vào sổ để nhân viên dễ kiểm kho, tính toán.

"Lần này, người ta xé luôn nên quán cũng không rõ thất thoát bao nhiêu. Quán cũng không biết ai lấy. Sự việc có lẽ xảy ra vào ban đêm vì quán không có nhân viên phục vụ nhưng vẫn mở cửa.

Đó là cách làm mà chúng tôi vẫn duy trì từ lâu", đại diện Quán của Thời Thanh Xuân chia sẻ.

Quán trà này ban đầu lập ra không phải để kinh doanh. Quán thuộc chuỗi dự án đặc biệt làm cho những bạn câm, điếc với sự giúp đỡ của hàng trăm tình nguyện viên. "Đây là nơi để những người đó trở về, gặp gỡ, ngồi uống trà với nhau. Chúng tôi chỉ để thùng tiền ở đó, ai bỏ bao nhiêu thì bỏ. Quán ban đầu đúng kiểu trà pha nước sôi, không như bây giờ. Từ lúc quán phát triển, đi vào kinh doanh, nhiều sự việc đáng tiếc xảy ra". chị Hiền kể lại.

Sau nhiều sự cố, nội bộ quán đã họp để xem xét việc lắp camera. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng vẫn là không lắp. "Đây là dự án xây dựng từ văn hóa và văn hóa không thể bỏ được", đại diện quán khẳng định.

Ở phần bình luận, nhiều người dùng bày tỏ sự thông cảm đến quán trà Đà Lạt nhưng cũng nhấn mạnh "không thể để kẻ gian lợi dụng niềm tin".

Về vấn đề này, đại diện quán cho biết họ chấp nhận rủi ro để lan truyền những giá trị tốt đẹp hơn.

"Cách giải quyết của mọi người là ngăn chặn sự việc xảy ra. Tuy nhiên, việc này không xảy ra sẽ lại có chuyện khác. Quán chấp nhận hình thức kinh doanh này. So với những gì quán nhận được, số tiền mất mát không đáng là bao. Chúng tôi muốn lan truyền sự tử tế, niềm tin để tất cả có thể sống trọn thanh xuân này cùng nhau. Nếu muốn kinh doanh, chúng tôi đã có những biện pháp khác", đại diện quán chia sẻ với phóng viên.

Quán của Thanh Xuân nổi tiếng trên mạng xã hội với bức ảnh đề tấm biển dễ thương: ''Hôm nay cả Nhà cùng nhau về quê. Nếu bạn ghé quán cứ vào ngồi chơi nha! Nếu bạn muốn mua gì cứ tự lấy nhé. Giá tiền đều có hết rồi. Có 1 thùng gỗ trước căn bếp nhỏ bạn để tiền vào đấy nha''. khiến khách tới đây luôn cảm thấy thật ấp áp, gần gũi như tại chính ngôi nhà của mình vậy.

Có lúc cả chủ quán lẫn các bạn phục vụ đều ra ngoài, nhưng quán vẫn mở cửa, ai tới cứ việc vào bếp pha trà, ngồi chơi và bỏ tiền vào hộp trước khi ra về.

T.D (t/h)