Giáo dục

Quán quân “Đường lên đỉnh Olympia”: Dù ở đâu vẫn hướng về quê hương

Là nữ thí sinh duy nhất lên ngôi sau 8 năm lọt vào trận chung kết “Đường lên đỉnh Olympia”, Nguyễn Thị Thu Hằng cho hay dù ở đâu vẫn luôn hướng về quê hương.

Ngày 20/9 vừa qua, nữ sinh Nguyễn Thị Thu Hằng, học sinh lớp 12B1, trường THPT Kim Sơn A, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình đã xuất sắc giành ngôi quán quân trong chương trình “Đường lên đỉnh Olympia” và đạt học bổng du học trị giá 40.000 USD.

Hằng cũng là thí sinh nữ duy nhất sau 9 năm lọt vào trận chung kết năm của “Đường lên đỉnh Olympia” và giành ngôi vô địch. Xung quanh câu chuyện đăng quang, PV Người Đưa Tin Pháp Luật đã có cuộc trao đổi với nữ sinh này.

Chào Nguyễn Thị Thu Hằng, sau khi học xong bậc học trung học phổ thông, được biết em sẽ đi du học, em chọn học ngành gì?

Nguyễn Thị Thu Hằng: Hiện tại em còn đang cân nhắc giữa các ngành học công nghệ máy tính, truyền thông đa phương tiện, nghiên cứu sinh học. Em nghiêng về ngành học truyền thông đa phương tiện.

Nguyễn Thị Thu Hằng tại buổi nhận bằng khen của Bộ trưởng bộ GD&ĐT.

Cuộc sống của em thay đổi như thế nào sau khi đăng quang chương trình “Đường lên đỉnh Olympia”?

Nguyễn Thị Thu Hằng: Sau đăng quang, cuộc sống của em có khá nhiều sự xáo trộn. Trước tiên là niềm vui của bản thân em cũng như gia đình. Sau đó, em được biết có nhiều ý kiến trái chiều về quá trình đăng quang của em, em không nghĩ mình sẽ gặp phải những việc như thế. Lẽ đương nhiên, sau này em sẽ cẩn trọng hơn trong lời nói của mình trước truyền thông cũng như dư luận xã hội. Đây là bài học kinh nghiêm cho bản thân em. Em tôn trọng sự đa dạng và suy nghĩ của tất cả mọi người. Nếu là sự góp ý chân thành và điều đó tốt cho em thì em sẽ thay đổi. Còn nếu không thì em sẽ cố gắng để giữ bản chất con người mình.

Trước khi tham gia chương trình “Đường lên đỉnh Olympia” em có dự định đi du học hay không? Nếu không tham gia chương trình này, em có cơ hội đi du học hay không?

Nguyễn Thị Thu Hằng: Du học là một ước mơ lớn của em, đó là cơ hội để em có thể tiếp cận các nền giáo dục khác nhau. Tức là gặp gỡ nhiều người, nhiều tầng lớp trí thức của các quốc gia thì mình sẽ mở mang được tầm mắt của mình. Ngay từ đầu, em đã đặt quyết tâm phải vô địch để giành được suất học bổng du học. Em cũng đã tính đến việc nếu không đạt quán quân để có suất học bổng du học, em sẽ học một trường đại học ở Việt Nam và sẽ tiếp tục phấn đấu để được đi du học.

Em đã phải hi sinh những gì để tham gia vào cuộc thi này?

Nguyễn Thị Thu Hằng: Em đã đầu tư rất nhiều thời gian. Từ năm lớp 6, lớp 7 khi em đọc được thông tin gì hay là em lại ghi chép vào sổ. Đến bây giờ tập sổ của em đã dày tới hơn chục cuốn. Về thời gian, không phải lúc nào mình cũng dành hết tâm sức được, đó là một quá trình dài, khi nhìn lại mới thấy là tri thức là biển cả vô tận. Em cũng rất tiếc khi không tham dự được vòng 1 kỳ thi học sinh giỏi quốc gia để cống hiến thành tích cho nhà trường vì trùng với lịch thi chung kết năm của em.

Nguyễn Thị Thu Hằng: "Dù đi đâu em vẫn luôn hướng về quê hương".

Em nghĩ thế nào khi nhiều ý kiến cho rằng “Đường lên đỉnh Olympia” là một cuộc thi thiên về trí nhớ, hàm lượng tri thức là hạn chế?

Nguyễn Thị Thu Hằng: Cá nhân em nghĩ, làm việc gì cũng phải có trí nhớ. Ngay cả việc học của mình. Nếu không có trí nhớ thì làm sao có thể tiếp thu được kiến thức mà thầy cô đã truyền dạy để có những công thức cơ bản. Nếu mọi người xem kỹ chương trình “Đường lên đỉnh Olympia”, sẽ thấy rằng không chỉ đơn thuần là ghi nhớ. Ghi nhớ chỉ là bước đầu thôi. Em lấy ví dụ phần thi vượt chướng ngại vật, mình phải liên kết các từ khóa để đưa ra một sự kiện, một từ khóa nào đó. Phần tăng tốc, phải có cái nhìn bao quát để đưa ra được đáp án của chương trình. Đó không đơn thuần chỉ là kiến thức xã hội, mà cả kiến thức tự nhiên, toán học.  

Sau khi du học xong em có nghĩ đến việc trở về quê hương để cống hiến?

Nguyễn Thị Thu Hằng: Trước tiên là em sẽ hoàn thành chương trình du học. Du học xong, em sẽ tiếp tục học ở các cấp độ cao hơn. Em nghĩ rằng, dù mình có sinh sống và làm việc ở đâu thì em vẫn luôn hướng về quê hương. Việc lựa chọn ngành học quyết định về tương lai của em.

Cảm ơn em về cuộc trao đổi! Chúc em thành công trong học tập và cuộc sống!

Nguyễn Thị Thu Hằng hiện là học sinh lớp 12B1 trường THPT Kim Sơn A, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Sáng 20/9, vượt qua 3 thí sinh Vũ Quốc Anh (học sinh trường THPT Ngô Gia Tự, tỉnh Đắk Lắk), Lưu Đào Dũng Trí (học sinh trường THPT chuyên đại học Sư phạm, đại học Sư phạm Hà Nội) và Văn Ngọc Tuấn Kiệt (học sinh trường THPT thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị) trong trận chung kết, Nguyễn Thị Thu Hằng đã giành ngôi vị Quán quân Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 20 đầy kịch tính.

Giải Nhì thuộc về Vũ Quốc Anh, Lưu Đào Dũng Trí và Văn Ngọc Tuấn Kiệt cùng được trao giải Ba.

Ngày 10/10, thi hành theo quyết định tặng bằng khen của Bộ trưởng bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, bằng khen đã được ông Bùi Văn Linh, Vụ trưởng vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh sinh viên trao cho Nguyễn Thị Thu Hằng. Các thí sinh đạt giải nhì và giải 3 trong chương trình này cũng nhận được bằng khen của bộ trưởng bộ GD&ĐT.