Giáo dục

Quan niệm “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” có còn đúng?

GS.BS Vương Tiến Hòa, giảng viên trường đại học Thành Đô cho rằng: “Quan niệm “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” hiện nay đã không còn đúng nữa, bây giờ không ít người phụ nữa làm việc bên ngoài, đối ngoại còn giỏi hơn đàn ông. Vì vậy, hãy mạnh dạn xóa bỏ định kiến mang tư tưởng phong kiến đó đi”.

Ngày 3/4, tại tọa đàm “Bình đẳng giới trong việc lựa chọn ngành nghề”, các chuyên gia nhận định, hiện nay, các định kiến về giới trong lĩnh vực nghề nghiệp vẫn còn đang tồn tại.

Trong đó, nhiều chính sách trong lĩnh vực lao động - việc làm chưa được lồng ghép giới đầy đủ và hiệu quả. Bên cạnh đó, lương bình quân hàng tháng của lao động nữ khoảng 4,58 triệu đồng, thấp hơn so với lao động nam là 5,19 triệu đồng.

GS.BS Vương Tiến Hòa, giảng viên trường đại học Thành Đô cho rằng: “Quan niệm “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” hiện nay đã không còn đúng nữa, bây giờ không ít người phụ nữa làm việc bên ngoài, đối ngoại còn giỏi hơn đàn ông. Vì vậy, hãy mạnh dạn xóa bỏ định kiến mang tư tưởng phong kiến đó đi”.

Bà Trần Thị Phương Nhung, chuyên gia tư vấn về giới và giáo dục của UNESCO tại Việt Nam cho biết: “Luật Bình đẳng giới đã có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2007, gồm có 06 chương và 44 điều. Tính đến thời điểm hiện tại đã có 4 nghị định, 3 thông tư hướng dẫn thi hành cho công tác bình đẳng giới.

Tọa đàm “Bình đẳng giới trong việc lựa chọn ngành nghề”.

Tuy nhiên, sau gần 10 năm thi hành Luật Bình đẳng giới, mặc dù Nhà nước đã có nhiều nỗ lực trong công tác bình đẳng giới nhưng vẫn còn khoảng cách giữa những quy định pháp luật và việc thực hiện trên thực tế, do đó dẫn đến những hạn chế nhất định trong việc thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.

Nội dung Luật Bình đẳng giới đề cập vấn đề bình đẳng 8 lĩnh vực, tính đến nay, sau khoảng 12 năm, đã có những chuyển biến rất tích cực ở tất cả các cơ quan bộ, ngành, các tổ chức chính trị xã hội… Tỷ lệ nam và nữ cũng tiến đến trạng thái cân bằng.

Truyền thông cũng đã chú ý hơn đến việc bảo vệ quyền lợi cho nữ giới trong việc tiến tới bình đẳng giới. Giải pháp đưa ra bù lấp những khoảng trống như đại biểu quốc hội nữ, tỷ lệ nam nữ trong ngành giáo dục ở các cấp học,… cũng phải được tiến hành”.

“Tôi cho rằng đây là những dấu hiệu rất tích cực, tuy nhiên, để thay đổi hoàn toàn được định kiến về giới, đầu tiên, phải thay đổi nhận thức của tất cả mọi người trong xã hội, từ nhận thức dẫn đến thay đổi thái độ và hành vi. Để thay đổi nhận thức tư duy theo “lối cũ” từ phong kiến, cần một quá trình rát dài, cần có sự phối hợp của nhiều nguồn lực, hỗ trợ lẫn nhau trong thời gian tới”, bà đánh giá.

Bà Trần Thị Phương Nhung, chuyên gia tư vấn về giới và giáo dục của UNESCO tại Việt Nam.

ThS. Phan Thị Phương Thảo, giảng viên trường đại học Thành Đô cho biết: “Theo tôi thấy, các bạn nữ thường có thiên hướng về các môn xã hội nhiều hơn các môn tự nhiên, vì vậy, do thế mạnh của từng phái đưa các bạn học sinh đến xu hướng lựa chọn ngành nghề phù hợp với năng lực và sở trường của bản thân. Tuy nhiên, nếu các bạn nữ thực sự giỏi trong các lĩnh vực công nghệ kỹ thuật thì phải theo.

Những định kiến về giới tính cũng là một rào cản rất lớn trong việc lựa chọn nghề nghiệp, là một khó khăn đối với những bạn thực sự có năng lực trong những lĩnh vực vốn được cho là “chỉ dành cho con trai”. Nhiều bố mẹ mong muốn con gái chọn một ngành nghề nhẹ nhàng, nữ tính, phù hợp thời gian chăm sóc gia đình.

Tuy nhiên, đội ngũ tư vấn tuyển sinh phải tư vấn cho phụ huynh biết, các trường đại học đào tạo theo nhu cầu xã hội, bản thân học sinh đó phải có đam mê, lựa chọn ngành theo sở trường, thì mới phát huy được hết năng lực, nếu không, sẽ không thể tạo ra sự đột phá, sáng tạo và gắn bó lâu dài”.

Trong buổi tọa đàm, nhiều sinh viên quan tâm đến vấn đề bình đẳng giới đã đặt những câu hỏi thú vị để các chuyên gia giải đáp và cùng tranh luận.