Tiêu điểm thế giới

Quan hệ “cơm chẳng lành canh chẳng ngọt” của Nga-Israel sau vụ bắn nhầm máy bay khiến Syria căng thẳng

Cuộc khủng hoảng quan hệ Nga-Israel sau khi máy bay do thám Nga bị phòng không Syria bắn hạ hồi tháng 9 đã thiếu chiến lược cải thiện và hậu quả là làm căng thẳng ở khu vực Syria tăng cao hơn.

Theo Algemeiner, Nga đang tìm cách tăng áp lực lên Israel với mục tiêu đẩy lùi các cuộc không kích của nước này ở Syria vì e ngại các cuộc tấn công của Israel sẽ phá vỡ sự ổn định của chính quyền Tổng thống Assad. Moscow đang triển khai chiến dịch phòng không 3 năm nhằm hỗ trợ chính quyền ông Assad và các đồng minh người Shiite của nước này.

Điều này cho phép người Nga phát huy được sức mạnh của mình ở trung tâm của Trung Đông, củng cố an toàn cho một cảng hải quân, một căn cứ quân sự và một vùng ảnh hưởng, gây khó khăn cho vai trò trong khu vực của Mỹ.

Nhưng cuộc xung đột Israel-Iran ở Syria có thể làm tổn hại các ích lợi của Nga. Và lợi ích của Nga và Israel bởi vậy có thể va chạm.

Thủ tướng Israel và Tổng thống Nga Putin

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố rõ ràng rằng Israel sẽ không cho phép Iran thiết lập các căn cứ ở Syria và điều này đi ngược lại mong muốn của Nga. Nhiều dấu hiệu khác trong những tuần gần đây cũng cho thấy rằng Israel và Moscow không thể tháo ngòi khủng hoảng sau khi Nga cáo buộc Israel phải chịu trách nhiệm vì vụ máy bay Nga bị bắn hạ hôm 17/9 ở Syria.

Kể từ khi máy bay do thám bị bắn hạ, Nga đã khước từ mọi nỗ lực của Israel nhằm cải thiện mối quan hệ như việc cử đoàn đại biểu quân sự cấp cao tới Moscow hôm 20/9 để thông báo về sự việc.

Israel bày tỏ sự tiếc thương với những quân nhân Nga thiệt mạng trong vụ máy bay do thám rơi và giải thích rằng máy bay Israel đã tấn công vào các cơ sở sản xuất tên lửa của người Iran.

Các vũ khí của Iran được cất giữ tại một cơ sở của lực lượng vũ trang Syria ở Latakia ngoài bờ biển Syria, cách căn cứ Khmeimim của Nga 25km.

Nga cáo buộc rằng Israel đã cố tình núp dưới máy bay Nga để tránh làn đạn của phòng không Syria và điều này khiến máy bay Nga gặp nạn.

Hôm 8/10, truyền thông đưa tin Thủ tướng Netanyahu đã buộc phải hủy cuộc gặp đã được lên kế hoạch với Tổng thống Nga Putin ở Paris. Tuy nhiên, hai nhà lãnh đạo vẫn có cuộc gặp ngắn bên lề sự kiện kỷ niệm ngày kết thúc chiến tranh thế giới thứ nhất trong nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng.

Một số phương tiện truyền thông khác khẳng định trong nhiều tuần nay nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Avigdor Lieberman đã không thể tái thiết lập kênh ngoại giao với người đồng cấp Nga Sergey Shoigu. Trong khi trước đó, ông Lieberman và Sergey Shoigu đã có kênh đối thoại rất tốt.

Nga đã đưa chính sách mới của nước này ở Syria vào thực tiễn bằng việc chuyển hệ thống phòng thủ tân tiến S-300 cho chính quyền ông Assad. Và người Syria được cho là đang được huấn luyện cách sử dụng hệ thống vũ khí này. S-300 có thể do thám và ngăn cản máy bay ở sâu trong lãnh thổ Israel.

Trong nhiều tuần nay, Moscow vẫn hết sức chỉ trích các cuộc không kích của Israel vào mục tiêu Iran ở Syria. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov khẳng định hôm 5/11 rằng các cuộc tấn công không giúp cải thiện tình hình an ninh của Israel và điều đó không xứng với sự hợp tác quân sự giữa Israel và Nga bấy lâu.

Những động thái này cho thấy chính sách mới của Nga sẽ là tăng cường áp lực để buộc Israel phải từ bỏ các cuộc tấn công.

Tuy nhiên, truyền thông quốc tế vẫn đăng tải thông tin cho thấy Israel vẫn không kích vào các mục tiêu Iran ở Syria và điều đó có nghĩa rằng chính sách mới của Nga đến nay vẫn chưa thành công.

Chưa rõ liệu Nga có sẵn sàng hay có thể đặt áp lực lên Iran để ngăn cản nước này xây dựng các cơ sở quân sự ở Syria để tấn công Israel hay không. Nhưng khi Iran ngừng xây dựng ở Syria, Israel vẫn không hạn chế các cuộc không kích.

Bởi lẽ đó nên tình hình Syria vẫn còn nhiều phức tạp. Lực lượng không quân Israel có thể “qua mặt” S-300. Với những phương tiện chiến tranh hiện đại như F-35, Israel có thể vượt qua nhiều vũ khí tối tân của Nga, Syria.

Tuy nhiên, động thái ngừng liên lạc giữa lãnh đạo Israel và Nga cho thấy một phần quan trọng trong cơ chế hợp tác song phương để ngăn những va quệt trên bầu trời Syria đã bị tổn hại.

Trước đây, hệ thống phòng không của Nga ở Syria như S-300 hay S-400 ở Syria để bảo vệ căn cứ Nga. Nhưng nay, Moscow đã chuyển hệ thống này cho chính quyền ông Assad với mục tiêu cho phép Damascus ngăn cản máy bay Israel.

Cuộc khủng hoảng trong quan hệ Israel-Nga sẽ vẫn tiếp tục và điều này có thể gây căng thẳng cho khu vực Syria.