Thế giới

Quân đội Nga cách Kiev 30 km

Bất chấp các cuộc pháo kích dữ dội của Nga, các thành phố Kharkiv, Chernihiv và Mariupol vẫn nằm trong tay người Ukraine, Bộ Quốc phòng Anh cho biết.

Hãng tin AP dẫn nguồn Bộ Quốc phòng Anh cho biết, một dòng xe quân sự của Nga, đang trên đường tới Kiev, chỉ đạt được "chút xíu tiến triển" trong 3 ngày qua và vẫn cách trung tâm thành phố hơn 19 dặm (30 km).

Dòng xe đã bị trì hoãn bởi sự kháng cự từ phía Ukraine, sự cố cơ học và tắc nghẽn, Bộ này cho biết trong cuộc họp báo thông tin tình báo hàng ngày của mình.

Bất chấp các cuộc pháo kích dữ dội của Nga, các thành phố Kharkiv, Chernihiv và Mariupol vẫn nằm trong tay người Ukraine, Bộ Quốc phòng Anh cho biết. Một số lực lượng Nga đã tiến vào thành phố Kherson, nhưng tình hình quân sự vẫn chưa rõ ràng.

Hình ảnh vệ tinh, do công ty Maxar của Mỹ chụp, cho thấy một phần của đoàn xe quân sự Nga dài 64 km đang nhích về phía Tây Bắc của Kiev, Ukraine. Ảnh: Times of Israel

Phái đoàn Ukraine đi trực thăng đến dự đàm phán

Phái đoàn Ukraine sẽ gặp các quan chức Nga vào cuối ngày hôm nay cho vòng đàm phán thứ hai, Al Jazeera dẫn lời Cố vấn Tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak cho biết.

Ông Podolyak xác nhận trong một tuyên bố trực tuyến rằng phái đoàn Ukraine đang trên đường đến địa điểm đàm phán bằng máy bay trực thăng.

Ông Davyd Arakhamia, thành viên phái đoàn đàm phán Ukraine ,cho biết trên Facebook rằng vòng đàm phán sẽ bắt đầu vào khoảng 14:00 (giờ GMT). Ông cho biết thêm, Kiev có kế hoạch thảo luận về việc thiết lập các hành lang nhân đạo trước khi chuyển sang các vấn đề khác.

Phát biểu của ông Arakhamia được đưa ra sau khi hãng thông tấn nhà nước Belarus, Belta, dẫn lời trưởng đoàn đàm phán Nga Vladimir Medinsky cho biết, vòng đàm phán thứ hai sẽ bắt đầu trong những giờ tới.

Vòng đàm phán đầu tiên, được tổ chức tại biên giới Ukraine-Belarus hôm 28/2, đã kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào ngoại trừ việc tiếp tục đàm phán, Al Jazeera cho biết.

Nga “chăm lo cho lợi ích an ninh của chính mình”

Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov kiên quyết rằng Moscow đang "chăm lo cho lợi ích an ninh của chính mình" trong bối chiến dịch quân sự ở Ukraine, phóng viên Dorsa Jabbari của Al Jazeera, đưa tin từ Moscow, cho biết.

Nữ phóng viên của Al Jazeera cho biết, Ngoại trưởng Lavrov đã tuyên bố rõ rằng Nga “vẫn rất cởi mở với ý tưởng đối thoại với NATO cũng như Mỹ”, bất chấp quan hệ giữa Moscow và phương Tây đang xuống mức thấp mới trước các hành động của Moscow.

Theo hãng tin AP, Ngoại trưởng Nga cho biết, Moscow sẵn sàng cho các cuộc đàm phán hòa bình, nhưng sẽ nỗ lực phá hủy cơ sở hạ tầng quân sự của Ukraine, điều mà Điện Kremlin tuyên bố là đang đe dọa nước Nga.

Ông Lavrov cho biết, phái đoàn Nga tham dự cuộc đàm phán đã chuyển các yêu cầu của mình tới phái đoàn Ukraine trong cuộc đàm phán hồi đầu tuần này (28/2) và hiện đang chờ phản ứng của Kiev trong vòng đàm phán tiếp theo diễn ra vào cuối ngày 3/3.

Ngoại trưởng Lavrov cho biết, Nga sẽ kiên quyết tuân theo các điều khoản rằng Ukraine sẽ không bao giờ trở thành mối đe dọa quân sự đối với Nga.

Ngoại trưởng Lavrov cũng lên tiếng lấy làm tiếc về thương vong dân sự trong hành động của Nga ở Ukraine, bắt đầu vào tuần trước, và khẳng định rằng quân đội Nga chỉ sử dụng vũ khí chính xác chống lại các mục tiêu quân sự, AP cho biết.

Theo chân Ukraine, 2 quốc gia nữa xin gia nhập EU

AP dẫn lời một quan chức cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) cho biết, dự kiến Moldova và Georgia cũng sẽ theo chân Ukraine xin gia nhập khối, sau khi Tổng thống Volodymyr Zelensky ký đơn chính thức xin cho Ukraine trở thành thành viên thứ 28 của EU.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen (thứ hai bên phải) chụp ảnh với Thủ tướng Moldova Natalia Gavrilita (trái), Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal (thứ hai bên trái), và Thủ tướng Georgia, Irakli Garibashvili (bên phải), trước cuộc họp tại Ủy ban châu Âu ở Brussels, Bỉ, ngày 30/11/2021. Ảnh: AP/Times of Israel

Hai quốc gia Đông Âu Moldova và Georgia đã là một phần của các chương trình mở rộng EU, nhưng việc họ xin trở thành thành viên sẽ là một bước phát triển lớn trong quan hệ của 2 nước với khối 27 quốc gia này.

Bất kỳ đơn xin gia nhập và xem xét tư cách thành viên nào cũng là một quá trình kéo dài nhiều năm và liên quan đến những điều chỉnh chính trị cơ bản, từ thương mại đến các biện pháp pháp quyền và các cam kết chống tham nhũng.

Vị quan chức EU trên yêu cầu giấu tên vì tính nhạy cảm của những diễn biến địa chính trị gần đây sau khi Nga tấn công quân sự vào Ukraine, AP cho biết.

Minh Đức