Quan điểm nghỉ việc gây tranh cãi: “Làm đi, đừng sợ”

Thay vì trách móc, đổ lỗi cho lãnh đạo theo kiểu: “Vì ông mà tôi bỏ việc. Ông phải xem lại mình”, hãy tự đánh giá bản thân xem mình có bảo thủ, ỷ lại quy trình làm việc, đi làm chỉ để chấm công hay không. Nếu câu trả lời là “có”, cái bạn cần thay đổi là tác phong làm việc chứ không phải chỗ làm.

Gắn bó với công ty gần 5 năm, nhiều người bạn không giấu nổi vẻ ngạc nhiên; vì trong khi tụi nó đã “nhảy” tới chỗ làm thứ 6, thứ 7 thì tôi vẫn trung thành với nơi mà tôi đăng ký thực tập từ hồi là sinh viên năm cuối. Bạn thân hỏi: “Mày không chán à”, bạn bình thường tò mò: “Chắc lương cao lắm hả?”. Tôi chỉ biết cười trừ.

Vào Facebook, thi thoảng vẫn thấy đồng nghiệp cũ nói về lãnh đạo công ty với thái độ cay cú, hằn học. Không quá bất ngờ khi bài chia sẻ "Nghỉ đi, đừng sợ!" của một cây viết trẻ được nhiều người hưởng ứng và chia sẻ rầm rộ gần đây. Bởi trước đó hàng loạt bài viết nói xấu “nồi cơm cũ”, khoe tăng lương gấp đôi gấp ba khi nhảy việc cũng nhận được lượng tương tác “khủng”.

Dĩ nhiên, chuyện nghỉ việc vì mỗi ngày đi làm đều cảm thấy chán nản, căng thẳng, "khó ở" như cây viết trẻ kia là điều tất yếu, bởi nếu không còn năng lượng để sáng tạo, để học hỏi thì kể cả bạn không đòi nghỉ thì sếp cũng sẽ chủ động đuổi sớm thôi.

Ảnh minh họa: Internet.

 

Song việc đưa ra thành công của mình rồi “kêu gọi” người khác rời bỏ nơi làm việc của họ chẳng những lan truyền cảm xúc tiêu cực theo cấp số nhân mà còn gián tiếp tạo động lực cho những kẻ lười biếng và ích kỷ, khiến họ tiếp tục tin tưởng vào sự chây ì của bản thân.

Tin tôi đi, khi bạn đang sống chung với một nhóm người mang đầy suy nghĩ tiêu cực thì chẳng mấy chốc bạn sẽ nhìn thấy cuộc đời qua lăng kính tối đen. Thay vì tìm lý do viết đơn để “tiêu” hết ngày phép trên... giường ngủ cho đỡ phí thì hãy nghĩ khi mình nghỉ, người khác phải gánh thêm một phần việc. Thay vì trách móc, đổ lỗi cho lãnh đạo theo kiểu: “Vì ông mà tôi bỏ việc. Ông phải xem lại mình”, hãy tự đánh giá bản thân xem mình có bảo thủ, ỷ lại quy trình làm việc, đi làm chỉ để chấm công như những gì sếp nói hay không.

Nếu câu trả lời là “có”, cái bạn cần thay đổi là tác phong làm việc chứ không phải chỗ làm. Vì nếu còn giữ nguyên những biểu hiện xấu đó, bạn sẽ chẳng thể thăng tiến ở bất cứ đâu. Nên nhớ rằng tỉ lệ nhân sự rời bỏ công ty là một chỉ tiêu đánh giá người quản lý. Chẳng ai muốn làm thất thoát nguồn lực trừ phi nguồn lực đó có vấn đề, kéo lùi sự phát triển của tập thể.  

So với mặt bằng chung, thu nhập của tôi chỉ nhỉnh hơn lao động phổ thông ở các khu công nghiệp lớn. Dù vậy, 5 năm qua tôi đã “lấy” được rất nhiều điều, ít nhất là tự nuôi sống bản thân và lo toan một phần cho gia đình nhỏ. Càng làm việc lâu, tôi lại càng “thấu cảm” với những khó khăn của công ty và áp lực của người lãnh đạo. Nghe nhân viên mới phàn nàn, tôi liền động viên: Cứ làm đi, đừng sợ! Sau này các em sẽ hiểu, công việc luôn cần những người dành tình cảm cho nó và các vị trí quan trọng cần sự mẫn cán và trung thành chứ không bao giờ hoan nghênh những ứng viên có “kinh nghiệm” nhảy việc.

Ký tên

Một người yêu nghề