Thế giới

Quan chức EU kêu gọi sớm thông qua gói biện pháp khẩn cấp về năng lượng

Liên minh châu Âu (EU) cần sớm thông qua gói biện pháp khẩn cấp về năng lượng vào cuối tháng 11 nhằm giảm thiểu các tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng.

Đây là lời kêu gọi được các quan chức năng lượng EU đưa ra trong cuộc họp của Hội đồng Năng lượng châu Âu diễn ra tại Luxembourg ngày 25/10.

Gói biện pháp khẩn cấp được Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất tuần qua bao gồm mua chung khí đốt, thiết lập tiêu chuẩn giá khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) dựa trên giao dịch và các quy định thống nhất giữa các nước thành viên trong trường hợp thiếu hụt nguồn cung năng lượng.

Tại cuộc họp, ông Jozef Sikela, Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại Cộng hòa Séc, đồng thời là Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bộ trưởng châu Âu, nhấn mạnh cuộc họp cho thấy nỗ lực của các quốc gia EU nhằm đảm bảo gói biện pháp khẩn cấp về năng lượng đang đi đúng hướng. Do đó, ông Sikela kêu gọi tiến hành một cuộc họp nữa của Hội đồng Bộ trưởng vào ngày 24/11 tới để thông qua gói biện pháp trên.

Về phần mình, Ủy viên châu Âu phụ trách năng lượng, bà Kadri Simson, đánh giá gói biện pháp khẩn cấp trên bao gồm nhiều yếu tố quan trọng cần thảo luận để sẵn sàng được thông qua tại cuộc họp bất thường tiếp theo của Hội đồng Bộ trưởng.

Một trong những nội dung hàng đầu trong chương trình nghị sự của các bộ trưởng năng lượng EU là biện pháp mua chung khí đốt nhằm giảm bớt tình trạng thiếu phối hợp trong mua khí đốt, tạo cơ hội tiếp cận khí đốt công bằng hơn cũng như giúp giảm giá nguồn nhiên liệu này.

Liên quan đề xuất thiết lập một tiêu chuẩn mới về giá LNG, bà Simson cho biết, các bên đã đồng thuận rộng rãi về đề xuất này, vốn sẽ giúp tăng tính minh bạch và tăng khả năng dự báo giá sớm. Các bộ trưởng cũng ủng hộ đề xuất về quy định chung giữa các nước thành viên. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều quan điểm khác biệt về đề xuất áp trần giá khí đốt và cơ chề điều chỉnh giá trên sàn giao dịch TTF của Hà Lan.

Trong một diễn biến liên quan, hiện tại, các cơ sở dự trữ khí đốt của châu Âu đã lấp đầy được khoảng 92%, cao hơn kế hoạch đề ra trước khi bước vào mùa đông. Tuy nhiên, tình trạng này có thể chỉ duy trì được trong thời gian ngắn khi các nguồn cung LNG có thể giúp châu Âu thay thế Nga không nhiều.

Theo các nhà phân tích, nỗi lo thiếu nguồn cung và giá năng lượng tăng cao đã ảnh hưởng đến tất cả khía cạnh của đời sống kinh tế-xã hội. Đặc biệt, giá năng lượng tăng cao là nguyên nhân lớn nhất đẩy lạm phát tại các nước châu Âu lên mức cao nhất 4 thập kỷ qua. Lạm phát khiến chi phí sinh hoạt gia tăng, sức mua giảm sút nên hệ lụy trực tiếp là chất lượng cuộc sống của người dân châu Âu bị suy giảm.

“Mọi người đang thiếu thức ăn, phải bỏ đi các hoạt động giải trí. Các gia đình phải lựa chọn giữa đổ xăng hoặc bật hệ thống sưởi”, Manon Aubry, một thành viên cánh tả người Pháp của Nghị viện châu Âu cho biết.

Tuy nhiên, đối mặt với một tương lai khó khăn, EU lại chia rẽ hơn lúc nào hết. Tại hội nghị thượng đỉnh không chính thức của EU ngày 7/10 ở Cộng hòa Séc, lãnh đạo 27 quốc gia thành viên trong khối đã không thể thống nhất quan điểm về phương án áp giá trần đối với khí đốt, vốn được coi là một trong những giải pháp cho cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay.

Một số quốc gia như: Bỉ, Italy, Ba Lan và Hy Lạp mong muốn áp giá trần khí đốt trên toàn châu Âu. Tuy nhiên, họ đang vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Đức và Hà Lan. Một quan chức cấp cao Đức đã thẳng thừng bác bỏ đề xuất khi cho rằng những can thiệp thị trường có tính chất nhân tạo có thể gây ra những hậu quả tiêu cực chứ không giúp khuyến khích các chính phủ và người tiêu dùng tiết kiệm năng lượng.

BusinessEurope, nhóm vận động hành lang đại diện cho các doanh nghiệp ở EU mới đây cảnh báo tình hình hiện tại có thể khiến hàng nghìn doanh nghiệp phải đóng cửa do không thể thanh toán được các hóa đơn năng lượng.

Minh Hoa (t/h theo TTXVN, Quân đội Nhân dân)