Gia đình

Quá yêu chồng, người vợ hoá dại vì ghen suốt ngày đòi đập đầu tự sát

Trong nhịp sống hiện đại, những người phụ nữ “chân yếu tay mềm” ngày càng cá tính, bản lĩnh và khẳng định được địa vị, sự nghiệp trong xã hội. Thế nhưng, trước những áp lực của cuộc sống, cũng có không ít phụ nữ trở thành “nạn nhân” bị tác động, dễ ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý.

Một trong những yếu tố gây nên nhiều biểu hiện tâm lý bất thường ở phái nữ chính là gia đình.

Gia đình vốn là cái nôi nuôi dưỡng tâm hồn, là chốn bình yên để trở về sau bộn bề lo toan ngoài xã hội, nhưng cũng nhiều câu chuyện về gia đình mang lại nỗi lo lắng, hoang mang.

Một bé gái 8 tuổi ở Hải Dương, hàng ngày chứng kiến cảnh bố mẹ to tiếng, bạo lực trong gia đình, đã tự thu mình lại, thậm chí tự làm đau mình, để đến mức phải nhập viện tâm thần điều trị.

Một cô gái 28 tuổi vì bị gia đình, họ hàng nhắc nhở chuyện chồng con nhiều quá mà “nổi điên” đòi quyên sinh. Tuy nhiên, cũng có những bệnh nhân đột nhiên xuất hiện chứng rối loạn hoang tưởng, không rõ nguyên nhân, luôn cảm thấy mất an toàn ngay trong gia đình mình.

Ghen chỉ vì yêu?

Tiếp nhận mỗi năm mấy trăm ca nữ giới gặp vấn đề về tâm lý tới điều trị, hiện tại, khoa điều trị bệnh nhân cấp và bán cấp nữ (khoa A), bệnh viện Tâm thần Hà Nội cũng đang chăm sóc hàng trăm nữ bệnh nhân với độ tuổi từ 8 đến 65.

Bác sĩ Phùng Ngọc Thương, người trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân khoa A mỗi ngày đã chia sẻ một câu chuyện về một bệnh nhân mắc chứng rối loạn hoang tưởng dai dẳng, nhập viện điều trị từ cuối năm 2017.

Bệnh viện tâm thần Hà Nội mỗi năm tiếp nhận hàng trăm ca có biểu hiện bệnh lý khác nhau.

Đó là chị N.T.T. (29 tuổi), đã lập gia đình được vài năm và có một đứa con 5 tuổi kháu khỉnh. Không biết do đâu, chị T. luôn có cảm giác chồng mình đang ngoại tình, và thường xuyên phản ứng thái quá, nổi những cơn ghen vô cớ. Chồng chị là công an, nên cũng hay phải đi tiếp khách hoặc làm nhiệm vụ, ít có thời gian ở nhà cùng chị.

Đối với nhiều trường hợp, người ta có thể nói “ghen chỉ vì yêu”, nhưng với câu chuyện của chị T., có khi “Hoạn Thư” cũng phải chào thua.

Theo lời kể, chị T. tò mò vượt quá mức bình thường, luôn muốn quản lý mọi hoạt động của chồng. Mỗi ngày, chị T. đều kiểm tra điện thoại, xem tin nhắn facebook, zalo của chồng. Mỗi lần anh chồng đi công tác, chị T. sốt ruột “đứng ngồi không yên”, tìm cách xem lịch sử web, thấy xuất hiện những danh sách nhà nghỉ, chị càng mất bình tĩnh hơn.

Chưa kể, lịch sử web của anh chồng còn cho thấy anh từng tìm hiểu “cách làm giấy khai sinh cho con”. Xâu chuỗi các sự kiện khiến chị T. càng tin rằng anh đang có bồ, anh có con riêng.

Chị bắt đầu dằn vặt chồng giữa đêm, đập phá đồ đạc và có lúc nghĩ tới tự làm đau bản thân.

Thậm chí, chị liên tục đòi nhảy vào tường tự sát, giả ma giả quỷ, đốt nhang, thắp hương quanh nhà, múa may... tình hình càng lúc càng nghiêm trọng, anh chồng đưa vợ nhập viện tâm thần Hà Nội để điều trị.

Những ngày đầu tiên, chị T. cũng như đa số bệnh nhân khác trong viện, thường thu mình, ít trò chuyện, mở lòng.

Suốt gần 2 tuần đầu tiên điều trị trong bệnh viện, mỗi lần anh chồng vào thăm, chị T. vẫn có ý làm nũng, giận dỗi. Tuy nhiên, những tuần sau đó, về mặt tư tưởng có thể vẫn còn ghen, nhưng chị đã bình tĩnh hơn, kiềm chế được những cơn tức giận, không còn đập phá như trước nữa. Phác đồ điều trị đã mang lại những chuyển biến tích cực hơn về tâm lý.

Sau hơn 2 tháng điều trị tại bệnh viện, chị T. trở về nhà, được chỉ định vẫn tiếp tục dùng thuốc để giữ sự bình tĩnh cho bản thân.

Tuy nhiên, lúc này, vợ chồng tiến đến ly thân, một mình chị phải nuôi con, phải chủ động về kinh tế. Sau khi tách khỏi tác nhân mất tập trung, chị T. không còn khả năng bán hàng kiếm sống như trước nữa, cuộc sống lại bị mất thăng bằng và tái nhập viện vào đầu năm 2018.

“Nuông chiều” tâm hồn để ổn định tâm lý

Bác sĩ Thương cho biết, hơn 60% bệnh nhân tâm thần rối loạn về nhân cách, luôn nghĩ đang có người hại mình. Đối với những người luôn nghĩ chồng mình ngoại tình và tổn thương mình, là trên một nền nhân cách ích kỷ. Nhiều khi chồng của họ không có bồ, anh chồng cũng rất bình thường, không đẹp trai, cao to cũng chẳng giàu có, thành đạt. Rất có thể những bệnh nhân này đã từng gặp phải sang chấn tâm lý trước đó.

Bác sĩ Thương cho biết thêm về những trạng thái bệnh lý khác nhau về thần kinh.

ThS. Bs Đỗ Văn Thắng, Trưởng khoa điều trị bệnh nhân cấp và bán cấp nữ, bệnh viện Tâm thần Hà Nội cho biết: “Mỗi bệnh nhân trong viện đều mang một hoàn cảnh, một nguyên nhân đặc biệt. Đối với những trường hợp rối loạn hoang tưởng, luôn luôn nghi chồng có bồ, nhất là những ông chồng có địa vị trong xã hội, mặc dù là chồng không có”.

“Những bệnh nhân sẽ nhập viện điều trị trong khoảng 2 tháng rồi được xuất viện nhưng đa số phải dùng thuốc lâu dài, có khi dùng thuốc cả đời. Chỉ cần bỏ thuốc là có nguy cơ tái phát, phải nhập viện để điều trị” - bác sĩ Thắng cho biết thêm.

Gia đình là nơi vỗ về cảm xúc, tạo một lớp bảo vệ an toàn cho mỗi cá nhân, nhưng cũng có thể trở thành ngòi nổ, khiến thần kinh căng thẳng, khó kiểm soát và rối loạn tâm lý.

ThS tâm lý lâm sàng Đoàn Thị Hương (trung tâm tư vấn tâm lý Share) nhận định, mỗi cá nhân cần nâng cao nhận thức của xã hội về tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe tinh thần và thúc đẩy sự lành mạnh về tâm trí. Đặc biệt, đối với phái nữ, nên biết cách “nuông chiều” tâm hồn, sống cuộc sống thoải mái tư tưởng để giữ được sự thông suốt, tỉnh táo.

An Nhiên