Đối thoại

Quả vải Bắc Giang sắp không còn phải vào tận Tp.HCM để chiếu xạ

Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, chúng ta đã đàm phán thành công với phía Mỹ, sắp tới quả vải Bắc Giang sẽ được chiếu xạ ở miền Bắc thay vì phải phải đưa vào Tp.HCM.

Chất vấn Bộ trưởng KH&CN Huỳnh Thành Đạt tại phiên sáng 7/6, đại biểu Nguyễn Văn Thi (đoàn Bắc Giang) nêu yêu cầu chiếu xạ là yêu cầu bắt buộc khi xuất khẩu nông sản vào thị trường một số nước, trong đó có Mỹ.

“Trong những năm qua, quả vải của tỉnh Bắc Giang luôn phải đưa vào Tp.HCM để chiếu xạ làm cho chi phí thời gian và giá thành đội lên. Đề nghị Bộ trưởng cho biết Bộ KH&CN có giải pháp gì cho việc chiếu xạ quả vải cũng như nhiều loại quả khác ở khu vực phía Bắc để đáp ứng yêu cầu kỹ thuật khi xuất khẩu vào thị trường một số nước trong thời gian tới?”, ông Thi hỏi.

ĐBQH Nguyễn Văn Thi chất vấn.

Trả lời, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, quả vải là sản phẩm chủ lực của tỉnh Bắc Giang.

Nhắc lại chuyến tháp tùng Thủ tướng đi Mỹ, Bộ trưởng cho biết phía Mỹ yêu cầu phải chiếu xạ và các yêu cầu khác rất ngặt nghèo, thậm chí phải có chuyên gia sang để giám sát việc chiếu xạ. Trang thiết bị, điều kiện cũng phải đảm bảo yêu cầu.

Bộ trưởng thông tin vừa qua đã phối hợp rất chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương triển khai đàm phán với Mỹ và đến nay đã thành công, và tới đây sẽ chiếu xạ quả vải tại khu vực phía Bắc.

Dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ chính thức chiếu xạ theo quy trình và xuất khẩu sang Mỹ, giúp phát triển tốt cho quả vải ở tỉnh Bắc Giang, các địa bàn lân cận cũng như các quả khác.

Trả lời chất vấn đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (đoàn Long An) về giải pháp ứng dụng công nghệ cao rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp, ông Đạt nêu rõ đây là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nên thời gian qua, Bộ đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh triển khai để có giải pháp ứng dụng và có hiệu quả cho phát triển nông nghiệp.

Rất nhiều doanh nghiệp đã tham gia các chương trình này, ứng dụng nhiều công nghệ cao trong việc phục vụ phát triển nông nghiệp như: Tập đoàn Lộc Trời sản xuất gạo, Tập đoàn TH true Milk sản xuất sữa, DABACO về chăn nuôi…

Ngoài ra, hiện có 290 doanh nghiệp đang ứng dụng công nghệ, 690 vùng sản xuất với 70% đạt tiêu chí vùng ứng dụng công nghệ cao và gần 2.000 hợp tác xã đã chuyển đổi công nghệ.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt trả lời các câu hỏi chất vấn của các ĐBQH.

"Kim ngạch nông, lâm, thủy sản đạt 52 tỷ USD, đây là thành tựu chung của ngành nông nghiệp có phần đóng góp của khoa học công nghệ", Bộ trưởng Đạt nói, cho rằng đây là con số "rất phấn khởi".

Tuy nhiên, ông Đạt cho hay ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp còn nhiều rào cản do cần nhiều nguồn vốn. Bởi, đây là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro nhưng còn thiếu công cụ phòng ngừa như bảo hiểm nông nghiệp và quỹ đầu tư mạo hiểm.

Do đó, thời gian tới, Bộ đề nghị tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, các địa phương cần có trách nhiệm bảo đảm phát triển đúng mục tiêu hỗ trợ khoa học, công nghệ. Đồng thời, Bộ sẵn sàng triển khai nhiệm vụ chương trình cấp quốc gia phát triển công nghệ cao.

Cùng tham gia “chia lửa”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, hiện có nhầm lẫn giữa nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với khu công nghiệp, dẫn đến quy hoạch các khu để kêu gọi đầu tư nhà máy, nhà lưới, tự động hóa.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan "chia lửa" cùng Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt.

“Cần hiểu đúng bản chất về khu nông nghiệp công nghệ cao là nơi nghiên cứu thực nghiệm và lan tỏa những thành tựu mới nhất về nông nghiệp. Đây không phải nơi chỉ sản xuất, sản xuất chỉ là phụ. Từ kết quả nghiên cứu thực nghiệm và đưa ra vùng nông nghiệp, chuyển giao cho bà con nông dân theo từng mức độ”, Bộ trưởng nói.

Theo ông Hoan, đến nay có một khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thành công nhất, đúng bản chất nhất là khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh nghiên cứu thực nghiệm lan tỏa và đào tạo tiếp nhận thành tựu. Lõi của khu nông nghiệp cao phải từ viện, trường và các doanh nghiệp sẵn sàng đón nhận kết quả và chuyển giao.

Về giải pháp trong thời gian tới, ông Hoan đề nghị các viện, trường, trung tâm thông qua các bộ phận để chuyển giao kết quả nghiên cứu đến với người nông dân. Bộ sẵn sàng tạo kích hoạt, mở ra thị trường chuyển giao sản phẩm nghiên cứu.