Văn hoá

Quà Tết: Gánh nặng tự nguyện

Chẳng biết từ bao giờ mỹ tục quà tết bị biến tướng, trở thành đặc lợi của một số người có quyền và là gánh nặng được nhiều người tự nguyện đặt lên vai. Đến khi nào chúng ta mới chấm dứt được tình trạng quà tết nhuốm màu “bôi trơn”, chia “hoa hồng”, mưu cầu lợi ích của một bộ phận!

Quà tết vốn là mỹ tục của người Việt bao đời này. Hành động ấy thể hiện tâm ý của người tặng đối với những người thân thiết, quý trọng và yêu mến. Một món quà ý nghĩa sẽ giúp chủ nhân thể hiện trọn vẹn mối ân tình, sự quan tâm và trân trọng. Đó chính là lý do quà biếu trở thành mỹ tục và được lưu truyền bao đời nay.

Thế nhưng, chẳng biết từ bao giờ quà tết lại bị biến tướng, nhuốm màu lợi ích. Giờ đây, tết trở thành dịp “danh chính ngôn thuận” để người ta tặng quà, biếu quà nhằm trao đổi lợi ích, trả công, tất toán "nợ nần" dưới cái mác quà tết.

Nếu món quà không phải là chiếc áo dài, cái bánh chưng, cơi trầu,… mà là chai rượu tiền triệu, phong bì ngàn đô, đào thế trăm triệu,… thì không còn là thứ miễn phí. Nó tạo nên sự ràng buộc giữa người tặng và người nhận, sau khi nhận sẽ là đáp trả về tiền bạc và đặc quyền. Đúng là “của biếu là của lo, của cho là của nợ”!.

Khi quà tết từ mỹ tục bị một số người biến tướng thành những cuộc mua bán, những thỏa thuận chia chác ngầm, Chính phủ đã có những hành động thiết thực nhằm ngăn ngừa.

Mới đây, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, văn hoá chúc Tết theo đúng phong tục truyền thống của người Việt Nam vốn rất tốt đẹp. Tuy nhiên, vấn đề này đã bị “biến tướng, lợi dụng”. Chính vì văn hóa quà tặng bị biến tướng nên nhiều năm nay lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã cấm chúc Tết theo hướng lợi dụng để làm việc này, việc khác.

Ấy thế nhưng, mệnh lệnh hành chính ấy chưa thực sự phát huy tác dụng. Bởi, có nhiều cách để người ta thể hiện “tình cảm” với sếp. Không tặng quà cho sếp họ chuyển sang tặng cho vợ/ chồng, bố mẹ, con cái, thậm chí là cậu lái xe của sếp. Vì lẽ đó mà mỗi khi tết đến người ta lại xôn xao tìm quà quý, đặt hộp xì gà, giỏ quà từ bên tây,… Thị trường quà Tết nhờ đó mà vẫn trăm giá đua chen.

Mệnh lệnh hành chính không thể phát huy tác dụng, lời hiệu triệu không mang lại kết quả, chẳng lẽ chúng ta lại bó tay trước vấn nạn này! Quả thật, đây là bài toán không hề dễ để giải quyết. Nếu không có liều thuốc phù hợp để khắc chế bản chất của mục đích trục lợi thông qua quà tết thì sự biến tướng kia sẽ không thể dừng lại.  

Tiền bạc, danh vọng không phải là thước đo chính xác nhất để đánh giá một con người… nhưng hầu hết, người ta lại sử dụng thước đo này. Thế nên, để khắc sự chế biến tướng của quà tết, ta cần vận dụng nhiều biện pháp từ quản lý hành chính, truyền thông đến giáo dục. Chỉ có sự vận hành tổng lực trên nhiều phương diện, chúng ta mới có thể giúp quà tết quay trở lại đúng với cụm từ được gắn với nó – mỹ tục.

Người viết xin khép lại bằng câu chuyện về con Chim gai, loài chim sẵn sàng chấp nhận cái chết để dâng hiến cho đời điều đẹp đẽ nhất nó được ban. Truyền thuyết kể rằng con chim ấy chỉ hót duy nhất một lần trong đời và thánh thót hơn bất kể sinh vật nào trên mặt đất. Từ thời khắc rời tổ, nó đã đi tìm một cây gai và không nghỉ ngơi cho tới khi tìm thấy. Rồi, nó đâm ngực vào cái gai dài nhất và sắc nhất. Nhưng, trong khi chết dần, nó vượt lên nỗi đau của bản thân để hót thánh thót hơn cả Sơn ca và Họa mi. Con Chim gai trả giá cho điệu ca đó bằng sinh mạng và cả thế gian yên lặng để lắng nghe.