Sự kiện

"Quá sớm để khẳng định Covid giống như bệnh cúm mùa"

Khi WHO tuyên bố Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu không có nghĩa Covid-19 không còn là mối đe dọa.

Chiều 8/5, tại trụ sở của Tổ chức y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, WHO phối hợp với Bộ Y tế tổ chức cung cấp thông tin với báo chí liên quan đến công tác phòng chống dịch Covid-19 sau tuyên bố của WHO về việc Covid-19 không còn là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại toàn cầucũng như các khuyến cáo cần thiết cho Việt Nam trong công tác phòng chống dịch thời gian tới.

Lý giải thêm về lý do WHO tuyên bố Covid-19 không còn là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại toàn câu (PHEIC), TS. Angela Pratt - Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho biết, hiện nay tình trạng thích ứng với Covid-19 đã tốt hơn, mức độ nghiêm trọng lây truyền của dịch bệnh đã giảm, tương tự số ca nhập viện, ca nặng cũng giảm.

Covid-19 đã không còn là sự kiện khẩn cấp. Tuy nhiên, đại diện WHO một lần nữa khẳng định WHO tuyên bố Covid-19 không còn là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại toàn cầu nhưng không có nghĩa là Covid-19 không còn là mối đe dọa hay Covid-19 ít nguy hiểm hơn. Đây là điều Tổng Giám đốc WHO cũng nhấn mạnh trong buổi họp báo mới đây.  

Trả lời câu hỏi có nên coi Covid-19 như bệnh cúm mùa? Trưởng đại diện WHO cho biết, có điểm tương đồng giữa Covid-19 và cúm mùa. Tuy vậy Covid-19 không theo mùa, trong khi cúm mùa thường vào mùa đông. Covid-19 đã xuất hiện ở các nước, nhiều khu vực khác nhau. Do đó, Covid-19 vẫn là căn bệnh vô cùng mới.

TS. Angela Pratt - Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam thông tin với báo chí chiều 8/5.

"Chúng ta mới chỉ có 4 năm làm quen với Covid-19. Các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục nghiên cứu về Covid-19. Có thể nói rằng quá sớm để khẳng định Covid-19 giống như bệnh cúm mùa.

Tôi xin khẳng định lại một lần nữa: WHO tuyên bố chấm dứt tình trạng y tế công cộng khẩn cấp toàn cầu nhưng không có nghĩa là chúng ta chấm dứt đại dịch Covid-19", TS. Angela Pratt nói.

Đại diện WHO khuyến nghị, dù miễn dịch trong cộng đồng do mắc phải và tiêm vắc-xin cao nhưng vẫn phải cảnh giác và có biện pháp thích hợp.

Đồng thời, chuẩn bị cho những sự kiện có thể xảy ra trong tương lai, tránh việc chúng ta có thể bị quá tải. Với Việt Nam, chúng tôi khuyến nghị hệ thống phòng ngừa luôn ứng phó khi tình hình có thay đổi.

WHO cũng khuyến cáo cần đưa việc tiêm phòng vắc-xin Covid-19 vào Chương trình tiêm chủng mở rộng và tiếp tục tiêm chủng các mũi tăng cường cho người dân, đặc biệt là nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh nặng.

Cùng với đó, cần tiếp tục tăng cường tích hợp các hoạt động giám sát theo dõi các bệnh lý hô hấp, báo cáo về WHO. Việt Nam nên tập trung giám sát có trọng điểm, hết sức chặt chẽ với bất cứ sự xuất hiện của các biến thể mới.

Dựa trên hệ thống dữ liệu, chú ý số liệu về việc giảm số người tử vong hay giảm số ca nhập viện chăm sóc đặc biệt cho thấy tác động tổng thể. Đồng thời, giám sát chặt chẽ thay đổi nào trong mức độ lây truyền, mức độ nặng của ca bệnh…

Cần luôn chuẩn bị sẵn sàng vắc-xin, các phương tiện chẩn đoán, điều trị, đảm bảo các chuỗi cung ứng về lâu dài và luôn sẵn có...

Tiếp tục rà soát và cập nhật kế hoạch đáp ứng quốc gia, sẵn sàng, linh hoạt. Nếu cần thiết có thể tái thiết lập các biện pháp y tế công cộng và xã hội dựa trên tình hình dịch và đánh giá nguy cơ.