Đời sống

Qatar kỳ vọng World Cup giúp giải quyết vấn nạn béo phì

Sự giàu có và cái nóng gay gắt thường trực ở Qatar là lý do khách quan chính khiến người dân nước này lười tập thể dục với 70% người trưởng thành bị thừa cân.

Chiều muộn trên một sân tập bóng đá ở thủ đô Doha (Qatar), cậu bé Alain (7 tuổi) đang tập luyện cùng hơn 20 đứa trẻ khác. Mục tiêu trước mắt của cả nhóm là cố gắng giảm cân, sau đó là theo đuổi giấc mơ trở thành cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp.

Alain đang tham gia vào một chiến dịch rộng rãi nhằm khuyến khích sức khỏe và thể lực ở vùng Vịnh, nơi có mức độ béo phì đáng báo động. "Cháu ở đây để giảm cân và trở thành một cầu thủ bóng đá... bởi vì môn thể thao này khiến cháu hạnh phúc ", Alain vừa cười vừa lau bớt mồ hôi trên trán.

Cậu bé Alain không phải là người duy nhất muốn cải thiện thể lực ở vùng Vịnh giàu tài nguyên, nơi mà sự giàu có và sức nóng ngăn cản việc tập thể dục.

Theo thống kê, tại Qatar 70% người trưởng thành trong tình trạng thừa cân. Đáng lo ngại là vấn đề này không chỉ xảy ra ở Qatar mà còn ở các nước xung quanh với 66% người Oman thừa cân hoặc béo phì và một nghiên cứu năm 2020 cho thấy tỉ lệ béo phì ở trẻ em ở Kuwait là 35-40%. Tại UAE, tỉ lệ béo phì ở trẻ em đã tăng từ 12% lên 17,4% chỉ sau 2 năm tính đến năm 2020, Bộ y tế nước này cho biết.

Chế độ ăn uống không lành mạnh cộng với lối sống ít vận động, thêm thực tế là việc tập thể dục ngoài trời có thể trở nên nguy hiểm trong những ngày nhiệt độ lên quá cao.

Ali Koteich, Giám đốc Học viện Thể thao Cedars, nơi Alain tập luyện, cho biết hoạt động thể chất rất quan trọng đối với trẻ em ở Doha, nơi các lựa chọn chủ yếu chỉ giới hạn ở việc "đi đến trung tâm mua sắm hoặc công viên".

Theo Bộ Y tế Qatar, 24% số ca tử vong ở người lớn tại tiểu vương quốc này là do bệnh tim và 7% là do bệnh tiểu đường.

Trong một báo cáo về tình trạng lười vận động thể chất được công bố vào tháng trước, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết gần nửa tỷ người sẽ mắc các bệnh liên quan vào năm 2030 và kêu gọi các chính phủ "hành động khẩn cấp".

Yousef al-Maslamani, bác sĩ và người phát ngôn về sức khỏe của World Cup 2022 nhấn mạnh: “Béo phì có liên quan đến nhiều bệnh mãn tính bao gồm tiểu đường và căng thẳng. Đó là lý do tại sao điều quan trọng là phải cho thấy thể thao và sức khỏe có mối liên hệ như thế nào".

Giờ đây, khi hàng trăm cầu thủ bóng đá quốc tế siêu khỏe mạnh hiện đang ở Qatar để tham dự World Cup 2022, chính phủ nước này đang hy vọng đây là nguồn cảm hứng cho những người dân địa phương.

Các quốc gia vùng Vịnh đã bắt đầu thúc đẩy lối sống lành mạnh, bao gồm cả một cuộc chạy bộ vui nhộn do WHO tổ chức tại Doha vào hôm 19/11. Dubai, thủ đô thương mại của UAE cách đó 1 giờ bay, cũng đang thực hiện chiến dịch 30x30, khuyến khích người dân tập thể dục 30 phút mỗi ngày trong 1 tháng.

Và tại World Cup 2022, trẻ em được khuyến khích gửi các video về các bước nhảy mà các cầu thủ có thể sử dụng làm màn ăn mừng bàn thắng, trong một nỗ lực được FIFA hậu thuẫn.

“Chúng tôi hiểu được tác động tiêu cực đến sức khỏe của trẻ em mà việc thiếu vận động có thể gây ra", Chủ tịch FIFA Gianni Infantino nhấn mạnh.

Tuy vậy, việc tổ chức các sự kiện thể thao lớn có thể cải thiện sức khỏe của một quốc gia hay không vẫn còn gây tranh cãi. Năm 2019, Viện Nghiên cứu Chăm sóc và Sức khỏe Quốc gia của Anh cho biết Thế vận hội London 2012 chỉ có tác động "nhỏ và nhất thời" đối với hoạt động thể chất của người dân địa phương.

Minh Hoa (t/h theo Thanh Niên, Zing)