Sự thực về "thần y" và "máy chẩn bách bệnh" (kỳ 2)

Nhìn bề ngoài, “máy chẩn bách bệnh” giống chiếc máy chơi game, nhưng được đồn thổi rất đắt, bởi đoán được hết các bệnh.

>> Sự thực về "thần y" và "máy chẩn bách bệnh"

Ngay sau khi thu thập được một số thông tin cần thiết về quy trình khám chữa bệnh, PV bước vào bên trong phòng khám của “thần y” để bốc số và ngồi chờ khi đến lượt.

Do lượng người bệnh đến đây chữa bệnh rất đông, mãi hơn 3 giờ đồng sau, PV mới được người gọi vào để “thần y” khám bệnh, kê toa và bán thuốc.

“Thần y” cùng “đệ tử” ngồi trước các máy tính xách tay có nối dây với chiếc hộp bằng nhôm mà người dân gọi là "máy chẩn bách bệnh" hay “máy thần kỳ” (Ảnh: Thanh Lâm).

Mỗi lượt khám bệnh chỉ có 4 bệnh nhân. Khi vào khám, mỗi người bệnh ngồi lên ghế chiếc nhựa màu đỏ. Đối diện người bệnh là 4 máy laptop hiệu Toshiba và Acer cũ, rẻ tiền được đặt sẵn trên chiếc bàn dài.

Tất cả mặt màn hình của 4 máy tính này đều hướng về “thần y”, người bệnh không thể nhìn thấy được gì ở màn hình và càng không biết máy có mở khởi động hay không.

Theo quan sát của PV, đây chỉ là 4 máy tính xách tay thông thường. Thế nhưng người dân lại đồn thổi đây là chiếc “máy thần kỳ” với giá bạc tỷ và có thể đoán được tất cả các bệnh chỉ trong ít phút.

Trước khi khám, “thần y” đưa mắt quan sát lần lượt từng bệnh nhân và hỏi dò xét PV vì sao biết được phòng khám này và ai đã chỉ đến đây(?!). Sau khi hỏi xác minh xong, “thần y” cảm thấy an tâm và bắt đầu hướng dẫn từng người lấy vật giống mic dùng để hát karaoke có nối dây điện (giống như dây điện thoại bàn) đang nối vào chiếc hộp bằng nhôm kín (làm kiểu thủ công) và cắm sẵn vào máy tính laptop rồi đặt vào vùng ngực.

Chỉ sau chừng 10 phút, “thần y” nhìn vào màn hình máy rồi phán bệnh cho từng người một. Ba người phụ nữ trạc 40 tuổi ngồi cạnh PV, đều mắc bệnh gần giống nhau: Đau lưng, đau ở vùng bụng, loãng xương, bệnh gan.

Cận cảnh máy tính xách tay có nối dây với chiếc hộp bằng nhôm (Ảnh: Thanh Lâm).

Còn PV dù là người đang rất khỏe mạnh, nhưng “thần y” lại phán PV đang mắc khá nhiều bệnh như: Gan nhiễm mỡ, thoái hóa cột sống, tê chân,… Sau đó, “thần y” kê toa, hướng dẫn PV và các bệnh nhân lên trên gác mua thuốc mang về uống.

Đế "rút lui", PV lấy cớ là không mang đủ tiền nên phải về nhà lấy tiền rồi sẽ quay lại mua thuốc. Trong lúc loay hoay chuẩn bị ra về thì ông K. (65 tuổi), một bệnh nhân ở Bạc Liêu nói nhỏ với PV: “Đây là lương y giỏi của Việt Nam, được lãnh đạo cấp cao tặng kỷ niệm chương nên an tâm điều trị”.

Vừa dứt lời, ông K. đưa tay chỉ PV xem bức ảnh phóng to mà “thần y” chụp cùng vị lãnh đạo cấp cao được đặt ngay lối ra vào. Tuy nhiên, khi nhìn vào bức ảnh này, có thể hoài nghi về độ chân thực của bức ảnh.

Ông K. còn cho biết, ông được người quen ở quê giới thiệu nên đã tìm đến phòng khám của “thần y” để trị căn bệnh đau nhức, tổn hại thần kinh, loãng xương,… “Tùy theo bệnh mà mua thuốc, tốn tiến nhiều mức khác nhau, những người bệnh nặng thì tiền mua thuốc cao hơn”, ông K. nói.

Dứt lời, ông K. mở túi xách lấy ra mớ thuốc không nhãn mác, không hạn dùng mà ông vừa mua tại phòng khám của “thần y” với giá 2,4 triệu đồng để dùng suốt 1 tháng cho PV xem.

Qua quan sát, PV nhận thấy các loại thuốc được bán tại phòng khám Y học cổ truyền Thanh Quang đều là thuốc không rõ nguồn gốc. Các loại thuốc này là dạng bột hoặc viên tròn, được đóng gói sơ sài, bốc mùi hôi khó chịu.

Các loại thuốc tại cơ sở của “thần y” bán cho người bệnh là dạng bột hoặc viên tròn, được đóng gói sơ sài, bốc mùi hôi khó chịu, không rõ nguồn gốc xuất xứ. (Ảnh: Thanh Lâm).

PV đã lấy một số mẫu thuốc không nhãn mác, không hạn dùng và không rõ nguồn gốc mang đến ngành y tế để kiểm chứng, cũng như thông tin về phương pháp đoán bệnh bằng “máy thần kỳ” của “thần y”.

Bác sĩ Nguyễn Thị Bạch Yến, Phó Giám đốc bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long cho biết, tất cả các loại thuốc phải được cục Quản lý dược cấp phép đăng ký lưu hành. Còn loại thuốc mà PV cung cấp, hiện chưa xác định là loại thuốc gì, cũng như nơi sản xuất.

Theo bác sĩ Yến, đối với việc chẩn đoán các bệnh về gan, bao tử, loãng xương thì phải siêu âm, xét nghiệm, chụp Xquang… từ đó mới xác định chính xác bệnh và có phương pháp điều trị phù hợp.

Riêng việc “thần y” chỉ bắt bệnh bằng cách lấy dây điện có nối vật giống như mic hát karaoke được cắm vào máy tính laptop để chẩn đoán bệnh là không có cơ sở. Đồng thời, nơi đây bán cho người bệnh loại thuốc không rõ nguồn gốc để uống là nguy hại đến sức khỏe.

(Còn nữa)