Tiêu dùng & Dư luận

PV Oil: Lượng khách đổ xăng tại Tp.HCM tăng gấp 3 lần ngày thường

Trong hai ngày 8 - 9/10, lượng khách hàng đổ xô qua cây xăng của PV Oil tăng đột biến do nhiều cây xăng tại Tp.HCM đóng cửa.

Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil, HoSE: OIL) vừa cung cấp thêm thông tin về tình hình cung ứng xăng dầu của doanh nghiệp.

Theo đó, nhà phân phối này cho biết giai đoạn cuối tháng 9, đầu tháng 10 vừa qua, các chuyến tàu nhận hàng tại cả 2 nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn đều bị trễ so với kế hoạch do ảnh hưởng thời tiết của bão Noru.

Trong 9 ngày đầu tháng 10, PV Oil đã cung cấp cho các đơn vị trong hệ thống trên toàn quốc vượt 7% so với kế hoạch, riêng mặt hàng xăng vượt 16%.

Cá biệt tại thị trường Tp.HCM, nơi xảy ra biến động mạnh buộc PV Oil phải cung cấp cho các đầu mối vượt mức 28% so với kế hoạch và riêng mặt hàng xăng vượt 35%.

Hiện doanh nghiệp này cho biết đã chỉ đạo các đơn vị thành viên bán lẻ xăng dầu trên địa bàn Tp.HCM tăng cường hoạt động tối đa bán hàng thông qua 21 cây xăng để phục vụ nhu cầu gia tăng đột biến của khách hàng.

Lượng khách đổ về tại cây xăng số 228 Võ Văn Ngân, Thủ Đức, Tp.HCM (Ảnh: PV Oil).

Đặc biệt, trong hai ngày 8 và 9/10, lượng khách hàng đổ xô qua các cây xăng của PV Oil tăng đột biến do nhiều cây xăng tại Tp.HCM đóng cửa. Lượng khách tăng gấp 3 lần so với ngày thường gây áp lực lớn trong công tác điều hành hàng hóa của hệ thống.

“Mặc dù PV Oil liên tục đưa hàng về các cây xăng nhưng đôi lúc cũng không kịp đáp ứng nhu cầu tăng đột biến nên xảy ra hiện tượng một số cây xăng hết mặt hàng xăng trong khoảng thời gian ngắn khi chờ xe bồn đến nhập hàng. Tuy nhiên, tuyệt đối không có việc cây xăng PV Oil đóng cửa”, doanh nghiệp này khẳng định.

Nhà phân phối xăng dầu này cũng nhấn mạnh việc thiếu xăng ở một vài cây xăng chỉ là sự việc mang tính nhất thời và cục bộ. Sau khi được cấp hàng, các cây xăng này đã ngay lập tức tiếp tục bán hàng bình thường.

Về nguồn cung sản xuất trong nước, Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) hiện là đơn vị quản lý, vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất - nơi cung cấp khoảng 30% sản phẩm xăng, dầu cho thị trường trong nước đã tăng công suất vận hành trung bình lên 105%, sản xuất được khoảng 5,18 triệu tấn xăng dầu. Điều này giúp BSR đạt 106% kế hoạch 9 tháng và 80% kế hoạch của năm.

Liên quan đến tình hình xăng dầu, Bộ Công Thương cho biết lượng tồn kho của một số doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn vẫn đang được duy trì và bảo đảm cung ứng đủ nguồn hàng trong hệ thống.

Đơn cử, Petrolimex tồn kho đến ngày 8/10 là khoảng 489.000 m3 (gồm 208.000 m3 xăng và 280.000 m3 dầu); PV Oil còn khoảng 230.000 m3; Công ty Xăng dầu Quân đội còn khoảng 19.000 m3; Saigon Petro còn khoảng 11.000 m3; Petimex Đồng Tháp còn khoảng 45.000 m3; Thanh Lễ còn khoảng 60.000 m3...

“Qua trao đổi, các doanh nghiệp cam kết vẫn đang tiếp tục nỗ lực nhập hàng để bảo đảm cung ứng xăng dầu cho các cửa hàng thuộc hệ thống phân phối của mình”, Bộ Công Thương nêu rõ.

Bộ cũng khẳng định nguồn cung xăng dầu của các doanh nghiệp vẫn liên tục được bổ sung từ nguồn nhập khẩu và mua trong nước.

Tại kỳ điều chỉnh xăng dầu chiều nay (11/10), liên Bộ Tài chính - Công Thương quyết định tăng thêm 560 đồng trên mỗi lít xăng E5 RON 92, trong khi giá xăng RON 95 tăng 560 đồng/lít. Sau khi tăng, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 21.290 đồng/lít và xăng RON 95 là 22.000 đồng/lít.

Tương tự, giá dầu kỳ điều hành này được điều chỉnh tăng mạnh. Cụ thể, dầu diesel tăng 1.980 đồng/lít lên 24.180 đồng/lít. Hiện, giá dầu vẫn cao hơn giá xăng trong nước.

Như vậy, giá xăng trong nước đã quay đầu tăng trở lại sau 4 lần giảm liên tiếp. Tính đến nay, mặt hàng này đã trải qua 27 lần điều chỉnh giá, trong đó có 14 lần tăng và 12 lần giảm, một lần giữ nguyên. Hiện, giá xăng E5 RON 92 và RON 95 đang ở quanh mức 21.000-22.000 đồng/lít, mức thấp nhất từ đầu năm đến nay và tương đương thời điểm giữa tháng 10/2021.

Ở kỳ điều chỉnh này, liên Bộ Công Thương - Tài chính cũng tăng premium trong nước (chi phí để tính giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước trong công thức tính giá cơ sở) với xăng RON 92 (xăng nền pha chế E5 RON 92), RON 95 tăng 350 đồng, lên 1.320-1.340 đồng/lít; dầu diesel lên 30 đồng/lít; dầu hỏa và mazut 0 đồng.

Chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về cảng với xăng RON 92 (xăng nền để phối trộn E5 RON 92) tăng 40 đồng lên 290 đồng/lít; RON 95 tăng 70 đồng lên 280 đồng; dầu diesel được tăng lên 240 đồng; dầu hỏa, dầu mazut 0 đồng.