Dân sinh

Phượt thủ tiết lộ điều bắt buộc phải nhớ khi “xách ba lô lên và đi” dịp nghỉ lễ 30/4

Kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 kéo dài 5 ngày là dịp để mọi người lên kế hoạch đi chơi xa. Bên cạnh việc đi ô tô không ít người lựa chọn đi xe máy. Vì thế, trước khi đi cần phải lưu ý một số điều sau.

Dịp nghỉ lễ 30/4 -1/5 là thời gian để nhà nhà, người người có dịp nghỉ ngơi, thư giãn. Nhiều người đam mê các cung đường phượt cũng háo hức chuẩn bị “xách ba lô lên và đi”. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn xuyên suốt cung đường phượt, phóng viên báo điện tử Người Đưa Tin cũng đã lắng nghe chia sẻ kinh nghiệm của những người mê phượt.

Nhiếp ảnh gia Lê Đức – người gắn bó với các cung đường phượt bằng chiếc xe “hầm hố” của mình, anh cũng là người dịp Tết 2019 một mình thực hiện chuyến đi xuyên Tết đến với bà con các dân tộc ở vùng cao khiến ai cũng nể phục.

Nhiếp ảnh gia Lê Đức cho biết trước mỗi chuyến đi cần chuẩn bị kỹ xe, đồ đạc. 

Chia sẻ với PV về việc chuẩn bị cho chuyến hành trình dài ngày, nhiếp ảnh gia Lê Đức cho biết: “Thường đi phượt mọi người sẽ sử dụng phương tiện chủ yếu là xe máy, nên trước khi đi thì chủ xe cần bảo dưỡng xe, thay dầu. Thêm nữa, điều mọi người ít quan tâm là máy của xe phải tốt, nếu không tốt sẽ bị hỏng xích cam, kiểm tra hơi xe. Bình thường đi đường phố thì không sao, nhưng đi phượt dài ngày, đường khó như vùng Tây Bắc, nếu hơi của xe máy không khoẻ, tụt hơi thì sẽ bị tụt dốc gây tai nạn, nên đây là điều vô cùng nguy hiểm”.

Bên cạnh đó, nhiếp ảnh gia Lê Đức cũng chia sẻ, trước chuyến đi, chủ nhân của chiếc xe nên kiểm tra kỹ lốp xe, mang theo những dụng cụ như móc lốp, vá lốp phòng thủng săm trên đường. Với những xe chuyên dụng để tháo lốp không đơn giản, và buộc chủ xe phải đi học.

“Những thứ cơ bản như gương chiếu hậu, giấy tờ xe… là điều bắt buộc phải có. Còn đi đường khó thì cần dùng lốp có tính bám đường cao để chống lầy, nếu đi đường trường thì để ý hơi của lốp xe. Lưu ý đừng để hơi quá căng”, anh Lê Đức cho biết.

Cũng theo chia sẻ của nhiếp ảnh gia Lê Đức, tuỳ theo mục đích đi phượt của mọi người, có thể mang theo đồ đạc nhiều hay ít, đồ ăn, bếp ga mini, lều bạt…

Mỗi chuyến đi dài sẽ để lại trong lòng mọi người những trải nghiệm thú vị.

“Tuy nhiên, tôi khuyên mọi người cần chuẩn bị sẵn thuốc đau bụng, thuốc chống côn trùng, chống dị ứng nước để tránh bị dị ứng”, anh Lê Đức cho biết thêm.

Tương tự, chàng phượt thủ Cao Tuấn Ninh (19 tuổi, người đã đặt chân đến 51 tỉnh thành trên dải đất hình chữ S) chia sẻ kinh nghiệm đi phượt bằng xe máy.

Tuấn Ninh nói: “Về địa điểm trước khi đi, mọi người nên tiền trạm trước chỗ ăn, chỗ nghỉ, đặc biệt là tình hình thời tiết hoặc có thể tham khảo thông qua những người đã có kinh nghiệm.

Nếu đi lần đầu, mọi người có thể lên các hội nhóm để hỏi xem đến đó ăn gì, ở đâu để vẽ trước hành trình một cách tốt nhất, tránh bị động.

Cần kiểm tra kỹ đèn, phanh, dầu nhớt xe cho chuyến đi dài ngày.

Nên chuẩn bị kỹ đồ dùng cá nhân, nếu di chuyển bằng xe máy thì phải kiểm tra an toàn của xe như đèn, phanh, dầu nhớt, lốp xe… Chuẩn bị đồ y tế cá nhân, để có thể tự sơ cứu khi bị ngã”.

Cao Tuấn Ninh chia sẻ kinh nghiệm đi phượt dài ngày.

Cao Tuấn Ninh chia sẻ thêm: “Nếu ngủ lều, mọi người phải lưu ý lựa chọn chỗ bằng phẳng, tránh chỗ có nhiều cây rậm rạp, hoặc cắm sát các bờ suối vì đôi khi nước lũ sẽ đến bất cứ lúc nào, tránh cắm trại gần bờ biển vì thuỷ triều sẽ lên. Ngoài ra, đi phượt bằng xe máy, nên có chút kỹ năng sửa xe cơ bản, di chuyển xa phải có giáp tay, chân, khăn đa năng”.