Thế giới

Phương Tây sẽ lắng nghe cẩn thận Thông điệp Liên bang của ông Putin

Mọi con mắt sẽ đổ dồn vào bài phát biểu vào ngày 21/2 tới của ông Putin và những gì có thể xảy ra trên chiến trường sau đó.

Tổng thống Nga Vladimir Putin dự kiến có một bài phát biểu quan trọng trước lưỡng viện Quốc hội Nga vào ngày 21/2.

Trong bài phát biểu Thông điệp Liên bang của mình trước Duma Quốc gia (Hạ viện) và Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga, ông Putin sẽ chú ý đến các chủ đề liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Rossiya 1.

“Cuộc sống của chúng ta giờ đây xoay quanh chủ đề của chiến dịch quân sự đặc biệt. Chiến dịch quân sự ảnh hưởng đến toàn bộ cuộc sống của chúng ta theo cách này hay cách khác, cũng như cuộc sống trên lục địa. Vì vậy, chúng ta nên lường trước rằng Tổng thống sẽ đặc biệt chú ý đến nó”, ông Peskov nói.

Đã gần một năm trôi qua kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát thành hành động quân sự, mang khói lửa quay trở lại châu Âu. Trong suốt năm qua vấn đề vũ khí hạt nhân cũng được nhắc đến nhiều hơn, cùng với đó là mối lo về xung đột hạt nhân vẫn treo lơ lửng.

Những người ra quyết định ở các thủ đô phương Tây sẽ lắng nghe cẩn thận bài phát biểu của Tổng thống Putin vào ngày 21/2 tới để cố gắng nắm bắt ý định của nhà lãnh đạo Nga và điều chỉnh tính toán hạt nhân của họ cho phù hợp.

Nga ước tính có hơn 1.450 đầu đạn hạt nhân chiến lược sẵn sàng sử dụng, nhiều hơn Mỹ khoảng 100 đầu đạn. Ảnh: DW

Nhưng các mối đe dọa và căng thẳng là một chuyện; huy động tài sản hạt nhân là chuyện hoàn toàn khác. Mỹ vẫn tiếp tục cảnh báo về những hậu quả nguy hiểm của việc sử dụng bất kỳ vũ khí hạt nhân chiến thuật nào, vì Washington lo ngại rằng Moscow sẽ thực sự sử dụng chúng nếu cục diện cuộc chiến ở Ukraine thay đổi.

Các thành viên chủ chốt của NATO đang cố gắng thuyết phục Trung Quốc lên tiếng phản đối để kiềm chế Nga sử dụng vũ khí hạt nhân nếu nhỡ tình huống xấu nhất xảy ra. Trong chuyến thăm Bắc Kinh cuối năm ngoái, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cùng nhau tuyên bố phản đối việc sử dụng vũ khí hạt nhân trong xung đột ở Ukraine. Sau Hội nghị An ninh Munich (MSC) cuối tuần qua, ông Vương Nghị, nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, sẽ tới Moscow để chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh, có thể vào tháng 4, giữa Nguyên thủ 2 nước.

Leo thang quân sự trong những tuần tới có thể sẽ tăng cường, khi các cường quốc NATO tìm cách thay đổi chiều hướng xung đột theo hướng có lợi cho Ukraine. Nga cũng có khả năng tiến hành các cuộc tấn công lớn để lật ngược thế bế tắc hiện tại theo hướng có lợi cho mình. Và khi cả 2 bên lên kế hoạch cho các cuộc tấn công của mình, bài phát biểu của ông Putin có thể cho phần còn lại của thế giới biết về những bước có thể quyết định diễn biến của cuộc chiến.

Do đó, mọi con mắt sẽ đổ dồn vào bài phát biểu vào ngày 21/2 tới của ông Putin và những gì có thể xảy ra trên chiến trường sau đó.

Minh Đức (Theo The National News, TASS)