Thế giới

Phương Tây đang can dự trực tiếp hơn vào xung đột Nga-Ukraine

Mỹ đã đặt mục tiêu làm suy yếu Quân đội Nga. Điều đó đang được thực hiện bởi Quân đội Ukraine với vũ khí phương Tây.

Trong khi Quân đội Nga đang tiến gần hơn đến việc kiểm soát hoàn toàn thành phố Sievierodonetsk ở Donbass, miền Đông Ukraine, một niềm hy vọng được nhen nhóm lên đối với Kyiv khi Washington cam kết chuyển giao các hệ thống tên lửa tiên tiến hơn để hỗ trợ họ phòng thủ trước đội quân của Moscow.

Ông Serhiy Haidai, Thống đốc Luhansk của phía Ukraine, thừa nhận hôm 1/6, các lực lượng Nga, bao gồm cả các chiến binh Chechnya, đã kiểm soát khoảng 80% diện tích Severodonetsk.

Gần như 100% cơ sở hạ tầng quan trọng của thành phố đã bị phá hủy, 90% nguồn cung nhà ở bị hư hại, 60% trong số đó nghiêm trọng, tức là không thể khôi phục được, ông cho biết trong một bài đăng trên Telegram.

Quân đội Nga đã nỗ lực bao vây thành phố, giống như họ đã làm với thành phố cảng Mariupol ở miền Đông Nam, nhưng ông Haidai cho biết đối phương cho đến nay vẫn không thể khép vòng vây đối với Severodonetsk – thành phố nằm ở tả ngạn sông Siverskiy Donets.

Tuy nhiên, các cuộc pháo kích gần như liên tục đã khiến việc sơ tán dân thường và viện trợ nhân đạo không thể thực hiện được, nhất là khi bồn chứa axit nitric tại một nhà máy hóa chất bị tấn công và từ đó rò rỉ ra khói độc.

Ông Haidai cho biết thêm rằng 6 binh sĩ Nga đã bị bắt khi giao tranh vẫn tiếp diễn trên các đường phố ở Severodonetsk.

Bản đồ đánh giá diễn biến trên thực địa xung đột Nga-Ukraine, đến ngày 1/6/2022. Nguồn: Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW). Đồ họa: Al Jazeera

Nếu Severodonetsk thất thủ, thành phố Lysychansk nằm ở hữu ngạn sông Siverskiy Donets sẽ là thành trì cuối cùng của quân Ukraine ở tỉnh Lugansk, một trong 2 tỉnh hình thành nên Donbass ở miền Đông Ukraine.

Thống đốc Haidai xác nhận rằng Lysychansk vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Ukraine. Đây là một vị trí có lợi về mặt quân sự. Việc thành phố nằm trên một ngọn đồi mang lại nhiều cơ hội cho quân Ukraine xây dựng một tuyến phòng thủ vững chắc ở đây.

Mỹ công bố gói viện trợ an ninh 700 triệu USD cho Ukraine

Theo sau cam kết của Mỹ về gửi hệ thống tên lửa cơ động cao (HIMARS) M142 cho Ukraine, hôm 1/6, Tổng thống Joe Biden công bố gói viện trợ an ninh bổ sung 700 triệu USD cho Ukraine nhằm giúp quốc gia Đông Âu tự vệ trước sự gây hấn của láng giềng Nga.

"Hôm nay, tôi công bố một gói hỗ trợ an ninh mới để cung cấp viện trợ kịp thời và quan trọng cho Quân đội Ukraine", ông Biden cho biết trong một tuyên bố.

"Nhờ khoản tài trợ bổ sung cho Ukraine, được thông qua với sự ủng hộ áp đảo của lưỡng đảng trong Quốc hội Mỹ, Mỹ sẽ có thể tiếp tục cung cấp cho Ukraine thêm những loại vũ khí mà họ đang sử dụng hiệu quả để đẩy lùi các cuộc tấn công của Nga", Tổng thống Mỹ cho biết thêm.

Moscow cảnh báo về nguy cơ đối đầu giữa Mỹ và Nga

Nga đã liên tục cảnh báo phương Tây về những động thái có thể khiến xung đột leo thang ra ngoài biên giới Ukraine. Đối với tuyên bố của Mỹ về gửi "các hệ thống tên lửa tiên tiến" tới Ukraine, Moscow một lần nữa bày tỏ quan ngại.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov nói với hãng truyền thông nhà nước RIA Novosti rằng, Moscow coi viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine là "cực kỳ tiêu cực".

Ông Ryabkov tuyên bố, các lô hàng vũ khí làm tăng nguy cơ đối đầu giữa Mỹ và Nga: "Bất kỳ lô hàng vũ khí nào tiếp tục được chuyển giao đều làm tăng rủi ro của một diễn biến như vậy".

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Pesko nói với các nhà báo rằng Mỹ "đang cố tình đổ dầu vào lửa" với quyết định này.

Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố họ đã phá hủy hàng chục hệ thống vũ khí mà phương Tây gửi tới Ukraine.

Hệ thống phòng không IRIS-T được coi là hệ thống tên lửa không-đối-không tầm ngắn dẫn đường bằng tia hồng ngoại hiện đại nhất trên toàn thế giới, được thiết kế và sản xuất bởi một tập đoàn quốc tế từ 6 quốc gia châu Âu (Đức, Hy Lạp, Ý, Na Uy, Tây Ban Nha và Thụy Điển).

Trong một diễn biến khác tại miền Tây Ukraine, Thống đốc Lviv Maksym Kozytskyi cho biết, một cuộc tấn công bằng tên lửa hôm 1/6 vào một tuyến đường sắt gần đường hầm Beskyd ở vùng núi Carpathian đã khiến 2 người bị thương.

Ông Anton Geraschenko, Cố vấn của Bộ trưởng Nội vụ Ukraine, cho rằng các cuộc tấn công nhằm làm gián đoạn giao thông đường sắt và ngăn chặn tiếp tế nhiên liệu và vũ khí cho Ukraine từ các đồng minh.

Chuyên gia nói về vai trò của Phương Tây trong xung đột Nga-Ukraine

Việc Mỹ và Đức quyết định cung cấp cho các lực lượng Ukraine các hệ thống phòng không và tên lửa tiên tiến là "tin tốt cho Ukraine và tin rất xấu cho các đội pháo binh và chỉ huy pháo binh của Nga", Frank Ledwidge, một nhà phân tích quân sự từ Đại học Portsmouth (Anh), nói với DW.

Tuy nhiên, theo ông Ledwidge, sẽ mất nhiều tháng trước khi hệ thống pháo binh tên lửa cơ động cao (HIMARS) của Mỹ có thể được sử dụng hiệu quả ở Ukraine.

Ukraine có thể sẽ sử dụng chúng cùng với hệ thống phòng không IRIS-T và các hệ thống radar mà Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã hứa chuyển giao.

Moscow đã bày tỏ quan ngại về động thái này, đồng thời cảnh báo rằng việc cho phép Ukraine tấn công các mục tiêu bên trong Nga sẽ nâng vai trò của phương Tây trong cuộc chiến lên mức can dự trực tiếp hơn.

Tuy nhiên, ông Ledwige cho rằng ít nhất ở khía cạnh nào đó, phương Tây đã can dự vào đây một thời gian rồi.

"Các mục tiêu của phương Tây đã được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đặt ra cách đây vài tuần, đó là làm suy yếu Quân đội Nga để cho Moscow không thể là mối đe dọa đối với các nước láng giềng. Và điều đó đang được thực hiện bởi Quân đội Ukraine với vũ khí phương Tây”, ông Ledwidge cho biết, và nhận định rằng thực chất phương Tây đang tham gia vào cuộc xung đột.

Ukraine đảm bảo với Mỹ về việc sử dụng vũ khí tiên tiến

Washington dự đoán cuộc chiến của Nga ở Ukraine sẽ tiếp tục trong "nhiều tháng" tới bất chấp những trở ngại trên chiến trường, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết.

"Chiến cuộc có thể kết thúc ngay ngày mai nếu Nga chọn chấm dứt hành động gây hấn của họ. Nhưng chúng tôi không thấy bất kỳ dấu hiệu nào rằng điều đó sẽ xảy ra ngay bây giờ", Ngoại trưởng Blinken nói.

Ông Blinken đưa ra bình luận trên trong một cuộc họp báo chung với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm 1/6, trong bối cảnh Mỹ tuyên bố sẽ cung cấp cho Ukraine hệ thống tên lửa cơ động cao (HIMARS) M142, có thể mang và bắn ra tới 6 tên lửa tầm trung hoặc có thể mang 1 tên lửa tầm xa.

"Người Ukraine đã đảm bảo với chúng tôi rằng họ sẽ không sử dụng các hệ thống này để nhắm vào các mục tiêu trên lãnh thổ Nga", Ngoại trưởng Mỹ cho biết, đồng thời bổ sung: “Có một mối quan hệ tin cậy chặt chẽ giữa Ukraine và Mỹ, cũng như với các đồng minh và đối tác của chúng tôi”.

Binh sĩ Nga kiểm soát tình huống đang trên một chiếc trực thăng Mi-8 của lực lượng Không quân Nga trong một nhiệm vụ tại một địa điểm không được tiết lộ ở Ukraine.Ảnh do Cơ quan dịch vụ báo chí BQP Nga cung cấp ngày 28/5/2022.

Các lực lượng hạt nhân của Nga tổ chức diễn tập

Các lực lượng hạt nhân của Nga đang tổ chức các cuộc tập trận ở khu vực Ivanovo, nằm ở phía Đông Bắc thủ đô Moscow, Hãng thông tấn Interfax dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nga cho biết hôm 1/6.

Bộ này cho biết, khoảng 1.000 quân nhân đang thực hiện các cuộc diễn tập sử dụng hơn 1.000 phương tiện.

Trước đó, hồi đầu tháng 5, Bộ Quốc phòng Nga thông báo rằng các lực lượng của họ đã diễn tập mô phỏng điện tử với hệ thống tên lửa đạn đạo di động Iskander có khả năng mang đầu đạn hạt nhân ở Kaliningrad, vùng lãnh thổ tách rời của Nga, nằm giữa các nước thành viên NATO là Ba Lan và Litva, dọc theo Bờ biển Baltic.

Cuộc tập trận mô phỏng này có sự tham gia của hơn 100 quân nhân. Các đơn vị chiến đấu cũng thực hành “tác chiến trong điều kiện ô nhiễm phóng xạ và hóa chất”.

Minh Đức (Theo DW, UPI, TRT World, CNN)