Thế giới

Phương Tây cân nhắc làm một việc để gây sức ép lên OPEC

Thủ tướng Italy Mario Draghi mới đây đã đề xuất thiết lập một "câu lạc bộ mua dầu" để gây sức ép đối với OPEC trong bối cảnh giá dầu, khí đốt leo thang.

Ngày 10/5, trong cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Italy Mario Draghi cho biết, ông đã thảo luận về việc thiết lập một "câu lạc bộ (CLB) mua dầu” để gây sức ép đối với các nước thuộc Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC).

Thủ tướng Draghi cho hay, ông và Tổng thống Biden đều không hài lòng với cấu trúc thị trường năng lượng toàn cầu và thảo luận “khái niệm chung” về giới hạn giá dầu, khí đốt.

Theo đó, Thủ tướng Draghi cho rằng, các nước cần thiết lập một "câu lạc bộ mua dầu" để gây sức ép đối với các nước OPEC. "Ý tưởng là thành lập một nhóm các nước mua dầu để thuyết phục các nước trong OPEC tăng sản lượng là cách hay hơn cả", ông Draghi nói với các phóng viên ở Washington hồi tuần trước.

Dù vậy Thủ tướng Draghi thừa nhận ý tưởng này sẽ không nhận được sự đồng thuận 100% từ Liên minh châu Âu (EU).

Đây là một chiến lược đã được các quốc gia xem xét trước đó nhưng không có kết quả. Cách đây vài năm, nó đã được các nhà nhập khẩu hàng đầu như Trung Quốc và Ấn Độ, thúc đẩy.

Do Ả-rập Xê-út dẫn đầu, OPEC và các đối tác của tổ chức này cho đến nay đã bác bỏ lời kêu gọi của Mỹ và các đồng minh về việc tăng sản lượng dầu để bù đắp lệnh cấm vận của họ đối với Nga. Riyadh và các nước trong nhóm của mình khẳng định rằng vẫn chưa có sự thiếu hụt nào bất chấp xuất khẩu của Nga đã sụt giảm mạnh.

Trước khi bùng nổ xung đột tại Ukraine, 40% khí tự nhiên của Italy nhập khẩu từ Nga. Với EU nói chung, con số này xấp xỉ 45%. Hiện, giới lãnh đạo Italy đang tìm các nguồn cung thay thế và vừa ký một thỏa thuận năng lượng với Algeria hồi đầu tháng.

“Đa dạng hóa nguồn cung trong thời gian ít ỏi là việc làm khả thi”, Thủ tướng Draghi cho biết trong một cuộc phỏng vấn với nhật báo Italy Corriere della Sera ngày 8/5.

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo thừa nhận “hầu hết các nhà nhập khẩu khí đốt đã mở tài khoản giao dịch bằng đồng ruble với Gazprom,” chấp nhận các điều khoản giao hàng mới mà Moscow triển khai để ứng phó trước các lệnh cấm vận của Mỹ và EU. Trước đó, nỗ lực của EU nhằm cấm hoàn toàn việc nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga đã vấp phải sự phản đối của Hungary, Séc và Slovakia.

Cho dù ý tưởng "câu lạc bộ mua dầu" có thành công hay không, Thủ tướng Draghi đánh giá cao sức mạnh của sự can thiệp bằng lời nói vào các thị trường vốn đang dao động. Ông từng đưa cam kết vào năm 2015 rằng "có thể làm bất kỳ điều gì cần thiết" để bảo vệ đồng tiền chung euro. Nhưng với giá dầu lên rất cao, có vẻ như thông báo mới nhất của ông không hoàn toàn có tác động tương tự.

Minh Hoa (t/h theo Dân Trí, Báo Tin tức)