Sự kiện

Phương án sau giãn cách cho TP.Hồ Chí Minh

Ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng viện Nghiên cứu phát triển TP.Hồ Chí Minh đã có những giải đáp trong chương trình "Dân hỏi-Thành phố trả lời" tối ngày 4/9.

Mở đầu chương trình, ông Phạm Bình An nhận định, đại dịch trải qua gần 2 năm, ở giai đoạn đầu Việt Nam làm khá tốt, tuy nhiên với giai đoạn sau, biến thể Delta lây lan nhanh. Chính điều này gây nên dịch bùng phát.

“Đối với dịch bệnh, chúng ta tuyệt đối không được chủ quan. Khi trong cộng đồng có những ca nhiễm nhỏ, cần có ngay những biện pháp khắc phục, tránh tình trạng để dịch bùng phát”, ông An nói bài học kinh nghiệm từ đợt dịch tại TP.Hồ Chí Minh.

Phó Viện trưởng viện Nghiên cứu phát triển TP.Hồ Chí Minh cũng nói về lý do số ca tử vong tại thành phố ở mức cao: “Có thể thấy, tỉ lệ tử vong của Việt Nam rất cao so với mức trung bình của thế giới. Khi ca nhiễm cao gây nên quá tải cho hệ thống y tế và việc phân tầng chưa hợp lý, không kịp hỗ trợ những ca biến chứng nhanh”.

Bài học về vấn đề giãn cách cũng được khách mời nhấn mạnh: “Vấn đề sinh mạng và sinh kế cũng là vấn đề cần quan tâm, khi giãn cách quá lâu chuỗi cung ứng hàng hóa bị đứt gãy ảnh hưởng đến giải quyết các sản phẩm nông nghiệp của người dân. Tuy nhiên, không thể không giãn cách vì đây là vấn đề sinh mạng".

Về an sinh xã hội, trong khi dịch đang bùng phát, người dân cần nhanh chóng tiếp cận các gói hỗ trợ để đảm bảo phần nào cuộc sống hàng ngày. Ông Phạm Bình An chia sẻ: “Nếu hành chính hóa các thủ tục nhận hỗ trợ, gói an sinh sẽ khiến người dân không tiếp cận được gói hỗ trợ, từ đây gây bức xúc cho người dân”.

Các vị khách mời của chương trình

Phó viện trưởng Phạm Bình An cũng đưa ra những quan điểm xây dựng kế hoạch khi được hỏi TP.Hồ Chí Minh cần làm gì sau thời gian giãn cách, tình hình dịch ổn định?

“Hiện nay truy vết, dập dịch để trở về với phương án không có Covid-19 trong cộng đồng là không thể. Chúng ta phải chuẩn bị phương án sống chung với Covid-19 nhưng không phải sống chung với đại dịch. Để chuẩn bị cho giai đoạn sau này, cần có nhưng phương án cụ thể, lâu dài để sống chung với nó.

Đầu tiên, phải xây dựng về hệ thống y tế phòng dịch, cần phải có một hệ thống điều trị phù hợp đảm bảo chữa trị kịp thời, kiểm soát các ca nhiễm khi xuất hiện các ca trong cộng đồng, truy vết kịp thời và khoanh vùng nhanh.

Vấn đề ý thức phòng dịch của người dân cũng hết sức quan trọng, phương thức vận hành hiệu quả hiện nay theo chuyên gia đó là “phải tạo khoảng cách an toàn trong cộng đồng, sử dụng khẩu trang, tuân thủ 5K”. Những hoạt động công cộng như đi xe buýt, rạp chiếu phim cần có khoảng cách giữa mọi người", ông An cho hay.

Ông Phạm Bình An nhấn mạnh thêm: “Hệ thống kinh tế phải thay đổi, cần có mô hình sản xuất an toàn phòng chống được dịch”.

Từ đây, người dân vẫn đảm bảo được hoạt động sản xuất, cung ứng lương thực, thực phẩm dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Thực tế cho thấy, đại dịch kéo dài đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế, khiến người dân không thể giải quyết được đầu ra của sản phẩm.

Ngoài ra, trong chương trình người dân vẫn còn nhiều những bức xúc về vấn đề chậm giải ngân gói hỗ trợ. Túi an sinh, lương thực phân phát cho người dân còn thiếu, chưa đồng đều giữa từng khu vực.

Giải đáp vấn đề này Phó chủ tịch UBND quận 8 Nguyễn Thị Thu Hoa chia sẻ: “Hiện nay ở quận 8 số dân cần hỗ trợ rất là nhiều, nếu thời gian giãn cách kéo dài số lượng này càng tăng lên gây áp lực lên chính quyền địa phương.

Ngoài các gói hỗ trợ theo quy định, chính quyền quận đã có huy động các mạnh thường quân để hỗ trợ thêm cho người dân. Các phường đã xây dựng các kế hoạch để chăm lo cho bà con theo tuần (thông qua các gói an sinh) để người dân có đủ các lương thực. Tuy nhiên, trong quá trình làm, có thể còn bỏ sót. Quận đã có chỉ đạo các phường luôn thống kê cập nhật số liệu người dân đã nhận được hỗ trợ để giải quyết nhanh nhất từng trường hợp”.

Lãnh đạo quận cũng mong muốn sự thông cảm cho sự quá tải của hệ thống và sẽ khắc phục nhanh nhất những nhu cầu của người dân.

Hồng Bích