Đối thoại

Phục hồi kinh tế hậu đại dịch: Không phải gượng dậy trên con đường cũ

Dòng vốn ngân hàng đóng vai trò huyết mạch của nền kinh tế, hỗ trợ DN phục hồi, vượt qua khó khăn nhưng bản thân các DN cũng cần sàng lọc mạnh mẽ, nâng cao năng lực.

Dịch Covid-19 bùng phát đã tác động tiêu cực tới nhiều mặt kinh tế - xã hội tại Việt Nam. Để thích ứng, ngành ngân hàng đã có nhiều giải pháp nhằm đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì hỗ trợ tăng trưởng, các ngân hàng thương mại cũng đưa ra nhiều cơ chế kinh doanh linh hoạt để hỗ trợ doanh nghiệp.

Trong bối cảnh đại dịch chưa chấm dứt, Việt Nam thực hiện chiến lược "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" nhằm hạn chế tác động xấu tới sức khỏe người dân và phục hồi sản xuất kinh doanh, lấy lại đà tăng trưởng. Ngành ngân hàng với vai trò huyết mạch nền kinh tế sẽ phải có thêm những giải pháp điều hành chính sách tiền tệ phù hợp cùng các biện pháp để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Ngày 30/11, tọa đàm "Dẫn mạch phục hồi tăng trưởng kinh tế" do Báo Đầu tư với sự phối hợp của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức với sự tham gia của nhiều chuyên gia nhằm đưa ra những giải pháp mà NHNN, các tổ chức tín dụng thực hiện để hỗ trợ doanh nghiệp và cộng đồng.

Khó tăng thêm áp lực cho ngân hàng 

Trình bày tại tọa đàm, bà Bùi Thuý Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tóm tắt 7 chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước đã thực thi thời gian qua để hỗ trợ nền kinh tế, đưa ra một số vấn đề lớn và định hướng giải quyết thời gian tới của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Theo bà Hằng, thời gian qua, NHNN điều hành chính sách tiền tệ theo định hướng hỗ trợ đà phục hồi kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ, đảm bảo vận hành thông suốt và ổn định thị trường tiền tệ.

Trong 11 tháng đầu năm, thị trường tiền tệ dồi dào, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng giảm lãi suất, đáp ứng nhu cầu nguồn vốn vay của nền kinh tế. Mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục giảm so với 2020.

NHNN cũng đã điều hành các giải pháp tín dụng phù hợp, tập trung các lĩnh vực cung ứng vốn, sản xuất kinh doanh, cung ứng vốn đầy đủ và kịp thời cho nền kinh tế; triển khai các chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp người dân gặp khó khăn; triển khai các chương trình cho vay hỗ trợ với một số đối tượng gặp khó khăn nhất do đại dịch.

Bà Bùi Thuý Hằng cũng thông tin, riêng trong năm 2020, NHNN đã 3 lần điều chỉnh mức lãi suất điều hành, sang năm 2021 NHNN đã tiếp tục giữ mức ổn định lãi suất thấp. Mặt bằng lãi suất của NHNN giảm so với năm 2020 khoảng 0,5-0,7%. Bà đánh giá đây là mức giảm khá lớn so với các nước trong khu vực. 

"Với bối cảnh lạm phát năm 2021, việc tiếp tục hạ lãi suất huy động thời gian tới thực sự không khả thi, có thể gây xáo trộn lớn cho nguồn vốn, ảnh hưởng đến thanh khoản toàn hệ thống", bà Hằng nói. 

Bà Hằng cho biết thời gian tới, NHNN sẽ chỉ đạo giảm lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng. Lãi suất thị trường hiện khá thấp, việc điều hành lãi suất thời gian tới phải đảm bảo hài hòa để duy trì an toàn hệ thống.

Bà Bùi Thuý Hằng cho rằng việc tiếp tục hạ lãi suất huy động thời gian tới thực sự không khả thi.

Tham luận tại toạ đàm, TS Nguyễn Minh Cường - Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho biết Việt Nam đang đối mặt với khủng hoảng kinh tế. Trước khi cuộc khủng hoảng này, kinh tế toàn cầu đã trải qua cuộc đại khủng hoảng năm 2008-2010.

Theo ông Cường, khi các nước chuẩn bị chuyển sang chính sách tài khóa thì cuộc khủng hoảng này xảy ra. "Việc ứng phó với các cuộc khủng hoảng trong 10 năm qua đã đẩy một lượng thanh khoản rất lớn ra thị trường, tạo ra những tác động dài hạn", ông nói. 

Ông Nguyễn Minh Cường tại tọa đàm "Dẫn mạch phục hồi tăng trưởng kinh tế".

Ông Nguyễn Minh Cường cho biết về chính sách tài khóa, năm 2020, các nước Châu Á đã tung ra các gói hỗ trợ mạnh nhưng Việt Nam còn rụt rè so với các nước khác. 

Về công tác điều hành lãi suất ngân hàng thời gian tới, ông Cường cũng đồng tình với ý kiến của Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước. Theo ông Cường, Việt Nam sử dụng tương đối nhiều dư địa của chính sách và đến ngưỡng phải cân nhắc về sự an toàn. "Ngân hàng là lĩnh vực nhạy cảm, nếu tiếp tục gây áp lực thì sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế", ông nói. 

Về phía Ngân hàng, bà Nguyễn Ánh Vân - Phó Tổng Giám đốc LienVietPostBank cho biết ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp, giảm lãi suất cho khách hàng, giảm các loại phí. "Bản thân doanh nghiệp đối mặt với nợ xấu, ngân hàng phải ngồi lại với từng doanh nghiệp để rà soát, xem ngân hàng phải hỗ trợ đến đâu. Nếu doanh nghiệp phát sinh nợ xấu thì cũng ảnh hưởng trực tiếp đến ngân hàng", bà nói.

Theo Phó TGĐ LienVietPostBank, đến năm 2022, nợ xấu của ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng do hỗ trợ doanh nghiệp nên cần chính sách đồng bộ từ Chính phủ, NHNN để có thể đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn phục hồi sản xuất kinh doanh.

Thực hiện tăng trưởng tín dụng phù hợp với tiềm năng, quy mô

Tại tọa đàm, các chuyên gia đề xuất nhiều giải pháp mà NHNN, các tổ chức tín dụng có thể thực hiện để hỗ trợ doanh nghiệp và cộng đồng.

Phát biểu tại tọa đàm, ông Phan Đức Hiếu - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội khoá XV cho biết cần đưa ra nhiều giải pháp, tuy nhiên cũng cần tập trung vào vấn đề: Nếu đưa ra các biện pháp thì áp dụng cho đối tượng nào, và đối tượng đó có chính xác không?

Theo ông Phan Đức Hiếu, cần làm mới lại các khu vực doanh nghiệp.

"Cần tạo ra sự sàng lọc mạnh mẽ, làm mới lại các khu vực doanh nghiệp với phương châm là không gượng dậy trên con đường cũ mà phục hồi mạnh mẽ trên con đường mới. Đặc biệt, cần tiếp tục xóa bỏ các rào cản gia nhập thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh" - ông Hiếu nhận định.

Theo ông Nguyễn Minh Cường, Việt Nam có thể cân nhắc chấp nhận tăng nợ công và thiết lập kỷ luật tài khóa trong trung và dài hạn. Bên cạnh đó, cần phân loại và xác định các mục tiêu phù hợp với từng giai đoạn. Ông cho biết các chính sách tài khóa của Việt Nam mức hỗ trợ chiếm phần nhỏ GDP - mức thấp so với các nước trong khu vực. Ông nhấn mạnh nếu không thực hiện nhanh, hiệu quả thì về số lượng nhiều cũng không có ý nghĩa.

TS Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia lại cho rằng không nên kéo các ngân hàng thương mại vào cuộc. "Các doanh nghiệp vay đúng chuẩn mực hiện có, doanh nghiệp nào có nhu cầu tài trợ thì kiến nghị đến Bộ Tài chính chứ không cấn trừ ngay vào lãi suất của hệ thống ngân hàng", ông Nghĩa nói. 

Ông Nghĩa cũng khuyến nghị nên tránh việc đưa ra gói kích thích tài trợ lãi suất như năm 2009 - làm tốc độ tăng trưởng tăng lên cao, kéo theo lạm phát.  

Phó Tổng Giám đốc LienVietPostBank Nguyễn Ánh Vân đề xuất Chính phủ có các giải pháp, gói kích thích kinh tế kịp thời, công tác phòng chống dịch phải đi đôi với phát triển kinh tế. Về hỗ trợ tài chính, Chính phủ phải tiếp tục có kế hoạch miễn, giảm, giãn thuế phí. Đặc biệt, tránh tạo ra cản trở, đứt gãy trong hoạt động của doanh nghiệp, tiến hành cải cách hành chính, giảm bớt chi phí cho doanh nghiệp.

Phó Tổng Giám đốc LienVietPostBank Nguyễn Ánh Vân đề xuất Chính phủ phải có các giải pháp, gói kích thích kinh tế kịp thời.

Với NHNN, bà Nguyễn Ánh Vân đề xuất xem xét tháo gỡ khó khăn cho các lĩnh vực ngành nghề bị ảnh hưởng trực tiếp, nặng nề bởi dịch bệnh thông qua ưu đãi lãi suất. Về áp lực lạm phát và mặt bằng lãi suất, trên thế giới dự báo tăng tạo áp lực lên mặt bằng lãi suất Việt Nam. Theo bà, cần kịch bản chính sách vĩ mô, giúp người dân tiếp cận nguồn vốn giá rẻ, hỗ trợ lãi suất.

Đặc biệt, bà đề xuất NHNN cho phép các ngân hàng thương mại được thực hiện tăng trưởng tín dụng phù hợp với tiềm năng, quy mô của từng ngân hàng để chia sẻ tới người dân, doanh nghiệp gặp ảnh hưởng, ưu tiên một số lĩnh vực nông thôn, công nghiệp sạch.