Môi trường

Khánh Hòa đặt mục tiêu phục hồi ít nhất 20% diện tích hệ sinh thái tự nhiên bị suy thoái

Tỉnh Khánh Hòa đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ nâng cao tỉ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 46,5%; phục hồi được ít nhất 20% diện tích hệ sinh thái tự nhiên bị suy thoái.

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành kế hoạch hành động thực hiện chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, tỉnh Khánh Hòa đặt mục tiêu gia tăng diện tích các hệ sinh thái tự nhiên được bảo vệ, phục hồi và bảo đảm tính toàn vẹn, kết nối; đa dạng sinh học được bảo tồn, sử dụng bền vững nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng nền kinh tế xanh, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo kế hoạch, đến năm 2030, Khánh Hòa phấn đấu hoàn thành các mục tiêu cụ thể như mở rộng và nâng cao hiệu quả quản lý các di sản thiên nhiên; quản lý, bảo tồn tính đa dạng sinh học cao tại các khu bảo tồn thiên nhiên; trên 70% khu bảo tồn thiên nhiên, di sản thiên nhiên được đánh giá hiệu quả quản lý. Đồng thời, nâng cao tỉ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 46,5%; phục hồi được ít nhất 20% diện tích hệ sinh thái tự nhiên bị suy thoái.

Bên cạnh đó, bảo tồn hiệu quả các loài hoang dã, đặc biệt là các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, loài di cư; không có thêm loài hoang dã đã được ghi nhận xuất hiện bị tuyệt chủng; các nguồn gen hoang dã và giống cây trồng, vật nuôi được lưu giữ và bảo tồn.

Đến năm 2050, các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, các loài nguy cấp, nguồn gen quý, hiếm được phục hồi, bảo tồn thực sự hiệu quả. Đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái được lượng giá đầy đủ, sử dụng bền vững và mang lại lợi ích thiết yếu cho mọi người, góp phần bảo đảm an ninh sinh thái, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững.

Thực hiện chương trình phục hồi rừng ngập mặn là một nhiệm vụ cần thiết trong bảo tồn, phục hồi đa dạng sinh học.

Để đạt được các mục tiêu trên, tỉnh Khánh Hòa đề ra các nhiệm vụ trọng tâm gồm tăng cường bảo tồn, phục hồi đa dạng sinh học; bảo tồn và phục hồi các loài hoang dã nguy cấp, đặc biệt là các loài động vật nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, loài di cư.

Ngoài ra, cần tăng cường công tác bảo tồn nguồn gen, quản lý tiếp cận nguồn gen, chia sẻ lợi ích và bảo vệ tri thức truyền thống về nguồn gen. Đánh giá, phát huy lợi ích của đa dạng sinh học phục vụ phát triển bền vững, phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đồng thời, kiểm soát các hoạt động gây tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học.

Tỉnh này đưa ra nhiều giải pháp thực hiện bao gồm: Thực hiện lồng ghép các yêu cầu về bảo tồn đa dạng sinh học trong quy hoạch tỉnh; kiện toàn và tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý nhà nước các cấp về đa dạng sinh học theo quy định của pháp luật.

Nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ quản lý đa dạng sinh học của cán bộ quản lý môi trường, quản lý khu bảo tồn thiên nhiên, khu di sản thiên nhiên. Tăng cường năng lực phối hợp trong thực thi pháp luật về bảo vệ đa dạng sinh học đối với lực lượng cảnh sát môi trường, kiểm lâm, kiểm ngư, quản lý thị trường, hải quan, biên phòng… Thiết lập đường dây nóng xử lý các vụ việc vi phạm về bảo vệ đa dạng sinh học, động vật, thực vật hoang dã.

Tăng cường giáo dục nâng cao ý thức bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ loài hoang dã; lồng ghép nội dung đa dạng sinh học vào nội dung bảo vệ môi trường trong chương trình giáo dục các cấp. Nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, thực hiện trách nhiệm xã hội về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học của các tổ chức, cá nhân.

Nghiên cứu cơ chế và khuyến khích các tổ chức, cá nhân ký cam kết tự nguyện về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học với cơ quan quản lý tại địa phương.

Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học. Ứng dụng khoa học và công nghệ trong phát triển các mô hình gây nuôi, tái thả các loài hoang dã vào tự nhiên và trong quản lý, điều tra, quan trắc theo dõi, kiểm tra, giám sát đa dạng sinh học…

Bảo tồn và phục hồi các loài hoang dã nguy cấp, đặc biệt là các loài động vật nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, loài di cư là một nhiệm vụ được tỉnh Khánh Hòa đề ra.

Đặc biệt, từ nay đến năm 2030, tỉnh Khánh Hòa sẽ ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ, dự án gồm: Xây dựng hồ sơ thiết lập Khu dự trữ sinh quyển Hòn Bà - sông Cái; thống kê, đánh giá các vùng đất ngập nước đặc thù của tỉnh; đề án bảo vệ hệ sinh thái biển Rạn Trào (xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh); đề án khảo sát, xây dựng phương án phục hồi, bảo vệ rạn san hô đã bị suy thoái ở khu vực biển Hòn Mun và phục hồi thử nghiệm ở một số điểm lựa chọn ở vịnh Nha Trang; thành lập Khu dự trữ thiên nhiên Sơn Thái - Giang Ly (huyện Khánh Vĩnh)…

Châu Tường