Đối thoại

Phục hồi đứt gãy chuỗi cung ứng ngành chế biến chế tạo, cần làm gì?

Điều cần thiết là thay đổi quan điểm chống dịch và kế hoạch chống dịch phải đồng bộ nhất quán mới có thể mở cửa trở lại.

Trên đây là một trong những kiến nghị từ các chuyên gia từ Trường ĐH Kinh tế quốc dân trong chương trình Tọa đàm Tham vấn chuyên gia về kinh tế - xã hội diễn ra vào sáng ngày 27/9, nhằm khắc phục việc đứt gãy chuỗi cung ứng các ngành kinh tế, trong đó có chế biến chế tạo, đã bị tác động mạnh mẽ do đại dịch COVID-19.

Chuỗi cung ứng ngành bị tác động mạnh mẽ nhất ở khu vực đầu mối

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tính đến thời điểm 31/12/2020, cả nước có 122.338 doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo đang hoạt động, chiếm 87,9% số doanh nghiệp ngành công nghiệp và chiếm 15,1% tổng số doanh nghiệp trong cả nước. 

Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm 2021, số doanh nghiệp chế biến, chế tạo tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 4.225 doanh nghiệp, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2020; doanh nghiệp chế biến, chế tạo hoàn tất thủ tục giải thể là 1.138 doanh nghiệp, tăng 29,8%.

Do tác động của COVID-19, có thể thấy việc duy trì hoạt động sản xuất và kinh doanh của các doanh nghiệp là vô cùng khó khăn, vì vậy, chuỗi cung ứng ngành chế tạo chế biến được nhận định đã bị gián đoạn một phần.

Trong đó, tác động này là mạnh mẽ nhất vào tháng 8 với các đầu mối lớn là ở khu vực thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai.

Theo chuyên gia từ ĐH Kinh tế Quốc dân, các chỉ số Tổng cục Thống kê cho thấy công đoạn hạ nguồn của chuỗi cung ứng (xuất khẩu và bán lẻ) đang bị thu hẹp; công đoạn thượng nguồn (nhập khẩu, trong đó có nhập khẩu nguyên liệu, linh kiện) có xu hướng mở rộng.

Sở dĩ xảy ra sự đối lập này là do các nhà sản xuất (nhập khẩu) vẫn phải tiếp tục thực hiện các hợp đồng ký kết trước đó. Trong hoàn cảnh các hoạt động sản xuất bị ngưng trệ (chỉ số sản xuất thấp, chỉ số sử dụng lao động thấp, đặc biệt là rất thấp ở khu vực thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương). 

Hơn nữa, hoạt động vận tải bị đình trệ (một phần có thể do chi phí vận tải cao, hoạt động vận tải hoạt động dưới công suất do dịch) thể hiện ở chỉ số vận tải trong nước và quốc tế đều giảm mạnh. 

Bức tranh trên phản ánh một số điểm tắc nghẽn chính trong các chuỗi cung ứng, và có thể để lại một số hậu quả cần giải quyết trong năm 2022.

Cần quyết liệt hơn trong việc thực hiện những giải pháp phục hồi

Tại Toạ đàm, các chuyên gia cũng đưa ra một số nguyên nhân chung dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng ngành, từ đó tập trung đưa ra những ý kiến đóng góp trên cơ sở theo dõi và nghiên cứu những biến chuyển của thị trường, xã hội.

Bên cạnh nguyên nhân giãn cách xã hội dài ngày, các chuyên gia còn cho rằng quan điểm "lấy phòng hơn chống" trong phòng dịch gây ra thực trạng bị động, không giải quyết kịp thời những khó khăn.

Từ đó, điều đầu tiên chúng ta cần làm là thay đổi quan điểm chống dịch và kế hoạch chống dịch phải đồng bộ nhất quán mới có thể mở cửa trở lại. 

Dẫn chứng theo kinh nghiệm của các nước phương Tây và Mỹ, các chuyên gia cho rằng việc họ chấp nhận đẩy nhanh miễn dịch cộng đồng ngay từ đầu, hay tiêm vắc-xin để sinh kháng thể để đạt được tỉ lệ miễn dịch cộng đồng, dẫn đến việc họ chỉ cần chuyển đổi hệ thống y tế sang chữa bệnh cho số bị nhiễm. Do đó, nền kinh tế vẫn được đặt lên hàng đầu, chọn giải pháp ít tốn kém, ảnh hưởng đến kinh tế nhất có thể.

Tiếp theo, cũng tồn tại nguyên nhân một số chuỗi hàng điện tử, ô tô… thiếu linh kiện và chip trên toàn cầu dẫn đến việc thiếu nguồn cung trên toàn cầu. Mặc dù nhiều doanh nghiệp sẵn sàng chi thêm chi phí phòng chống dịch nhưng cũng không cải thiện được tình hình.

Vậy nên, các chuyên gia cũng hy vọng Chính phủ và chính quyền các địa phương, thành phố một mặt phải có chính sách kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp (thuế, lãi suất, mặt bằng, các khoản phí và lệ phí...) để khôi phục lại chuỗi cung ứng trong bối cảnh “sống chung với dịch”.

Bên cạnh đó, một số giải pháp khác cũng được đưa ra để bàn bạc như loại bỏ các thủ tục hành chính làm đứt gãy chuỗi cung ứng từ Trung ương tới địa phương, không xử lý vội vàng không tuân theo quy luật kinh tế thị trường gây mất niềm tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đặc biệt, cần khôi phục lại nguồn nhân công là lợi thế cạnh tranh hiện hữu và thực hiện mọi chính sách an sinh xã hội đảm bảo nơi ăn chốn ở an toàn mùa dịch.