Kinh tế vĩ mô

Phục hồi chuỗi cung ứng Đông Nam Á: Việt Nam được ghi nhận là điểm sáng

Sau nhiều tháng phải ngừng sản xuất vì dịch Covid-19, Việt Nam đang nhanh chóng thích ứng trạng thái “bình thường mới” với việc nhiều doanh nghiệp hoạt động trở lại.

 

Các nước Đông Nam Á đang chạy đua để khôi phục hoàn toàn chuỗi cung ứng sau nhiều tháng nhà máy ngừng hoạt động và cắt giảm sản xuất do dịch Covid-19, trong đó Việt Nam cũng nhanh chóng làm quen với trạng thái "bình thường mới" với việc nhiều doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Đây là nhận định của bài viết vừa được đăng tải trên báo Nikkei của Nhật Bản.

Theo tác giả bài viết, một loạt công ty da giày và điện tử đã nhanh chóng trở lại làm việc. Khoảng 200 nhà máy tại Việt Nam ký hợp đồng sản xuất quần áo thể thao cho Nike đã hoạt động trở lại.

Bài viết dẫn lời Giám đốc điều hành một khu công nghiệp ở Tp.Hồ Chí Minh cho biết các nhà máy do Tập đoàn Samsung của Hàn Quốc và Intel của Mỹ điều hành sẽ "hỗ trợ để các cơ sở của cả hai công ty hoạt động trở lại trong tháng 11 này". Các công ty sản xuất linh kiện điện tử thiết yếu cho ngành công nghiệp ô tô cũng đang hoạt động mạnh mẽ trở lại, giúp giải tỏa phần nào quan ngại của các nhà sản xuất trên toàn cầu.

Sản xuất linh kiện điện tử tại công ty TNHH 4P (Văn Giang, Hưng Yên) có vốn đầu tư trong nước. Ảnh: TTXVN. 

Công ty Furukawa Electric của Nhật Bản dự kiến hoạt động trở lại hết công suất tại các nhà máy ở Việt Nam. Ba nhà máy của công ty tại đây sản xuất dây dẫn điện cho ô tô, riêng cơ sở tại Tp.Hồ Chí Minh đã có khoảng 8.000 công nhân. Chủ tịch của Furukawa Electric, Keiichi Kobayashi cho biết các nhà máy đang dần đáp ứng trở lại các yêu cầu từ khách hàng. Do các biện pháp chống dịch, ở một số thời điểm, sản xuất tại các cơ sở ở Việt Nam đã giảm đáng kể, song kể từ tháng 10 - thời điểm các địa phương mở cửa trở lại, công suất tại cả ba nhà máy đang từng bước phục hồi.

Tác động từ dịch Covid-19 gây tổn hại đặc biệt đến ngành công nghiệp ô tô của Đông Nam Á. Việt Nam tập trung nhiều nhà máy sản xuất dây dẫn điện, trong khi Malaysia là trung tâm sản xuất linh kiện bán dẫn cho ô tô.

Năm 2019, Việt Nam cung cấp khoảng 40% dây dẫn điện cho ô tô nhập khẩu vào Nhật Bản. Các nhà cung cấp Yazaki và Sumitomo Electric Industries cũng đang khôi phục sản xuất tại các nhà máy tại Việt Nam. Xu hướng này được kỳ vọng sẽ hỗ trợ phục hồi lĩnh vực sản xuất ô tô của Nhật Bản.

Doanh nghiệp châu Âu lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam 

Dấu hiệu tích cực và tâm lý lạc quan đã được thể hiện trong Chỉ số Môi trường Kinh doanh EuroCham Quý 3 ("Business Climate Index - BCI"), một thước đo thường xuyên về nhận thức của lãnh đạo các doanh nghiệp của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam ("EuroCham").

Kết quả BCI mới nhất chứng kiến mức tăng nhẹ nhưng đáng khích lệ, với 18,3 điểm phần trăm, tăng 3 điểm từ mức điểm thấp kỷ lục là 15 điểm phần trăm được ghi nhận trong thời kỳ khó khăn nhất của đợt dịch lần thứ tư hồi tháng 9.

Mặc dù Chỉ số vẫn ở mức thấp, BCI đã ghi nhận những cải thiện về triển vọng kinh tế của Việt Nam. Hiện có gần một nửa số lãnh đạo các doanh nghiệp và nhà đầu tư (49%) dự đoán triển vọng kinh tế sẽ ổn định và cải thiện trong quý tới, so với 19% được ghi nhận trong Quý 2.

Tuy nhiên, lãnh đạo các doanh nghiệp vẫn thận trọng về việc tuyển dụng nhân sự, đầu tư và dự báo lợi nhuận của doanh nghiệp. Các công ty đang áp dụng cách tiếp cận "chờ đợi và xem xét" để bố trí nhân sự, với khoảng 1/5 số người tham gia khảo sát cho biết họ có dự định tuyển dụng thêm nhân công trong vòng 3 tháng tới. Tương tự, tỷ lệ các doanh nghiệp có kế hoạch duy trì hoặc tăng vốn đầu tư trong Quý 4 (69%) chỉ cao hơn 2 điểm so với quý trước, với dự báo doanh thu cũng tăng.

Trong khi đó, khoảng một nửa số công ty tham gia khảo sát vẫn đang hoạt động ở tần suất thấp so với thời điểm trước đại dịch, trong khi việc hạn chế đi lại kéo dài và tình trạng thiếu nhân sự tiếp tục ảnh hưởng đến 2/3 số công ty. Điều này cho thấy vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết nếu Việt Nam muốn phát huy hết tiềm năng của mình trong thương mại và đầu tư sau đại dịch.

Theo ông Alain Cany, Chủ tịch EuroCham, mặc dù BCI vẫn ở mức thấp, nhưng điều quan trọng nhất là Chỉ số hiện đang có xu hướng dịch chuyển theo hướng tích cực. Với việc đại dịch hiện đã được kiểm soát ở Việt Nam, sự lạc quan của lãnh đạo các doanh nghiệp châu Âu sẽ tiếp tục tăng khi các công ty trở lại hoạt động bình thường và niềm tin của người tiêu dùng tăng lên.

Bên cạnh đó, Giám đốc điều hành YouGov Việt Nam, ông Thue Quist Thomasen cho rằng: “Đằng sau kết quả BCI là một xu hướng mới đầy thú vị. Trong khi niềm tin vào triển vọng đối với môi trường kinh doanh của Việt Nam đã có một sự gia tăng nhỏ nhưng đáng khích lệ, các công ty lại lưỡng lự hơn một chút khi nói đến hoạt động của công ty mình. Điều này cho thấy rằng các lãnh đạo doanh nghiệp đang chờ xem các điều kiện và quy định trong điều kiện "bình thường mới" diễn ra như thế nào trước khi đưa ra các cam kết quan trọng về các dự án đầu tư hoặc kế hoạch tuyển dụng. Dữ liệu mới nhất sẽ cung cấp cho chúng tôi cơ sở để lạc quan nhưng cũng thận trọng trong những tháng tới”. 

Hương Anh (tổng hợp)