Môi trường

Phú Thọ: Nhiều bãi tập kết cát không phép ngang nhiên hoạt động, chính quyền có làm ngơ?

Theo lãnh đạo xã Phú Lâm, tất cả bãi tập kết cát trên địa bàn xã đều chưa được cấp phép, các điểm mỏ đều không được đăng ký khi cấp phép phương tiện khai thác.

Video: "Phú Thọ: Tình trạng khai thác cát sai quy định gây nhức nhối dư luận"

Liên quan đến việc một số hộ dân trên địa bàn xã Phú Lâm, huyện Đoan Hùng (Phú Thọ) phản ánh tình trạng khai thác, vận chuyển cát gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân xung quanh, chúng tôi phát hiện công ty CP Đầu tư và Phát triển Phúc Thịnh và công ty TNHH Khai thác Khoáng sản Hưng Thịnh có những dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng.

Theo thông tin lãnh đạo UBND xã Phú Lâm cung cấp, giấy phép khai thác khoáng sản (Cấp gia hạn khai thác) số 103/ GP-UBND  của UBND tỉnh Phú Thọ cấp cho Công ty TNHH khai thác khoáng sản Hưng Thịnh ngày 30/12/2019, cho phép Công ty được tiếp tục khai thác và được trả lại một phần diện tích khái thác khoáng sản cát sỏi trên sông Chảy Thuộc địa bàn xã: Nghinh Xuyên, Hùng Quan và Phương Trung.

Theo đó, diện tích được cấp phép là 68,89 ha, diện tích được gia hạn tiếp tục được khai thác là 32,63 ha; diện tích trả lại là 36,26 ha. Loại khoáng sản được phép khai thác là cát, sổi , vật liệu xây dựng thông thường, công suất khai thác là 45.000 m3/năm.

Còn về Công ty CP Đầu tư và Phát triển Phúc Thịnh, giấy phép khai thác khoáng sản (Cấp gia hạn khai thác) số 104/ GP-UBND  của UBND tỉnh Phú Thọ cấp vị trí khai thác tại xã Vân Dư, Hùng Quan, Phương Trung, Phong Phú với diện tích tiếp tục được khai thác là 19,51 ha, công suất khai thác là 45.000 m3/năm...

Tại buổi làm việc với UBND xã Phú Lâm về các vấn đề lên quan đến hoạt động khai thác, vận chuyển cát trên địa bàn, ông Trịnh Văn Tuân – Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Hiện tại, trên địa bàn xã có tất cả 15 bãi tập kết và 15 tàu hút cát thuộc công ty TNHH Khai thác Khoáng sản Hưng Thịnh. Công ty CP Đầu tư và Phát triển Phúc Thịnh có 1 tàu cuốc, không có bến bãi tập kết trên địa bàn xã”.

Tuy nhiên, như bài trước Người Đưa Tin Pháp Luật ghi nhận: “Ghi nhận sáng ngày 17/5 và 25/5, trên sông Chảy (đoạn chảy qua địa bàn xã Phú Lâm) bao gồm có 6 con tầu cuốc hoạt động hết công suất (tại điểm trường THCS Phong Phú), hàng loạt tàu hút đua nhau vươn vòi hút cát…” hoàn toàn khác với thông tin vị lãnh đạo cung cấp.

Hình ảnh những chiếc tầu cuốc hoạt động hết công suất trên sông Chảy (Đoạn quá UBND xã Phú Lâm). 

Hơn nữa, khi phóng viên hỏi về các thủ tục hành chính của hai đơn vị được cấp phép khai thác trên địa bàn xã Phú Lâm, ông Tuân cho biết: “Cơ bản các bến bãi tập kết ở ven sông Chảy chưa bến nào được cấp phép. UBND tỉnh đã đi kiểm tra, tất cả đều nằm trong quy hoạch, nhưng chưa hoàn tất thủ tục”.

Thật khó tin khi các bến bãi không phép nhưng vẫn ngang nhiên hoạt mà chưa bị xử lý dứt điểm. Hoạt động này lãnh đạo địa phương đều nắm rõ, song vẫn để diễn ra tình trạng “việc ai người nấy làm”.

Ngoài ra, khi phóng viên hỏi về việc 2 đơn vị đăng ký phương tiện khai thác cát, vị lãnh đạo xã Phú Lâm cho hay, trong hồ sơ cấp phép khai thác, không có tên, loại phương tiện, thiết bị được sử dụng để khai thác, vận chuyển cát, sỏi và yêu cầu về đăng ký theo quy định của pháp luật giao thông đường thủy nội địa và pháp luật liên quan.

Từ đó có thể thấy việc cấp phép nơi đây đang có kẽ hở. Đây chính là lý do các đơn vị ngang nhiên đưa hàng chục thiết bị vào khai thác, khiến đơn vị quản lý khó kiểm soát.

Trước những bức xúc của người dân về tình trạng khai  thác cát tại xã Phú Lâm, những dấu hiệu vi phạm trong quá trình khai thác, phóng viên Người Đưa Tin Pháp Luật cũng đã liên hệ với UBND huyện Đoan Hùng để nắm được thông tin về vụ việc.

Theo đại diện UBND huyện Đoan Hùng, ngay sau khi tiếp nhận thông tin, đơn vị sẽ cho người kiểm tra ngay và sẽ thông tin lại với tạp chí Người Đưa Tin Pháp Luật.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin!

Theo nghị định Quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông Số: 23/2020/NĐ-CP.

Tại chương II - Điều 9. Nội dung Giấy phép khai thác cát, sỏi lòng sông

Ngoài nội dung quy định tại khoản 1 Điều 54 Luật Khoáng sản, Giấy phép khai thác cát, sỏi lòng sông còn quy định các nội dung sau đây:

1. Thời gian được phép hoạt động khai thác trong ngày, từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều, không được khai thác ban đêm; quy định về thời gian khai thác trong năm.

2. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân được phép khai thác:

a) Xác định ranh giới khu vực khai thác; cắm mốc các điểm khép góc khu vực khai thác cát, sỏi lòng sông;

b) Tên, loại phương tiện, thiết bị được sử dụng để khai thác, vận chuyển cát, sỏi và yêu cầu về đăng ký theo quy định của pháp luật giao thông đường thủy nội địa, pháp luật liên quan; việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và lưu trữ dữ liệu, thông tin về vị trí, hành trình di chuyển của phương tiện, thiết bị sử dụng để khai thác, vận chuyển cát, sỏi;

c) Yêu cầu trong việc ký hợp đồng vận chuyển với các chủ phương tiện đủ điều kiện vận chuyển theo quy định của pháp luật trong trường hợp tổ chức, cá nhân khai thác không trực tiếp vận chuyển cát, sỏi sau khai thác;

d) Yêu cầu việc lắp đặt bảng thông báo tại bờ sông thuộc phạm vi khu vực khai thác để công khai thông tin Giấy phép khai thác, dự án khai thác cát, sỏi lòng sông với các nội dung: tọa độ, diện tích và sơ đồ phạm vi khu vực khai thác; thời gian khai thác; tên, phương tiện, thiết bị sử dụng để khai thác cát, sỏi.

Đ.T