Sức khỏe

“Phủ sóng” hồ sơ sức khỏe điện tử và nỗi lo về bảo mật thông tin

Sau một thời gian thí điểm, bộ Y tế đã chính thức yêu cầu các bệnh viện trên cả nước áp dụng hồ sơ sức khỏe điện tử. Từ đó, các cơ sở y tế công lập và tư nhân đều bắt đầu nỗi lo về đầu tư công nghệ, bảo mật thông tin.

Theo đại diện bộ Y tế, nhằm phấn đấu đến năm 2025 có trên 90% dân số được quản lý sức khỏe toàn diện bằng công nghệ, cục Công nghệ thông tin sẽ chịu trách nhiệm triển khai hồ sơ bệnh án điện tử từ tháng 7 sắp tới.

Từ cuối năm 2017, bộ Y tế đã phê duyệt đề án triển khai ứng dụng công nghệ thông tin tại các trạm y tế xã, phường. Từ đó, khi toàn dân được áp dụng hồ sơ sức khỏe điện tử thì mỗi bệnh nhân được cấp một mã số quản lý, lưu trữ hồ sơ bệnh án điện tử tại một cơ sở khám, chữa bệnh. Qua đó, quá trình khám chữa bệnh sẽ nhanh chóng, chính xác, đầy đủ và thuận lợi cho việc chẩn đoán và điều trị của bác sĩ.

Áp dụng công nghệ giúp việc khám chữa bệnh trở nên nhanh chóng hơn.

Tuy nhiên, những trở ngại ban đầu cũng dễ khiến hoạt động thường ngày tại các cơ sở y tế bị xáo trộn. Đại diện bệnh viện quận Thủ Đức cho biết, để làm được quy trình mới, bệnh viện đã phải đầu tư khá lớn về cả cơ sở hạ tầng thông tin, nhân sự kỹ sư đến tập huấn cho bác sĩ.

"Dĩ nhiên, thời gian đầu sẽ có nhiều vướng mắc như mỗi bệnh phải có biểu mẫu riêng, phù hợp vời từng chuyên khoa, từng đối tượng bệnh nhân (nam/nữ, độ tuổi, dị ứng thuốc,...). Khi áp dụng, các bác sĩ, y tá đều phải được tập huấn. Có một vài bác sĩ lớn tuổi không thích cái mới nên khá vất vả để thuyết phục", vị này cho hay.

Nói về chi phí đầu tư, nhiều bệnh viện cũng cho hay, chỉ riêng hệ thống lưu phim chụp xét nghiệm đã tiêu tốn khoảng 3 - 4 tỷ đồng. Cộng thêm việc mua sắm trang thiết bị, cải thiện cơ sở hạ tầng, hệ thống mạng,.. đã khiến tổng số tiền đầu tư lên đến khoảng 10 tỷ đồng. Bên cạnh đó, bệnh viện cần tuyển dụng các nhân sự là kỹ sư công nghệ thông tin.

Chỉ riêng hệ thống lưu phim chụp đã tốn kém hàng tỷ đồng.

Ngoài ra, câu hỏi về bảo mật thông tin bệnh nhân, an ninh mạng của cơ sở y tế cũng là vấn đề được nhiều người quan tâm. Bà Cao Nhật Phương, Goiám đốc điều hành phòng khám Đa khoa quốc tế Saigon Healthcare chia sẻ: “Chắn chắn, việc bảo mật thông tin của bệnh nhân luôn được đặt lên hàng đầu”.

“Trong hệ thống của chúng tôi, phòng khám cam kết sẽ không để lộ thông tin của bệnh nhân dưới bất kỳ hình thức nào. Điều này đã được quản lý chặt chẽ đối với các nhân viên. Còn trong những trường hợp đặc biệt, chúng tôi sẽ có quy trình riêng để hỗ trợ, hợp tác”, bà Cao Nhật Phương cho hay.

Đại diện tập đoàn BKAV đánh giá, hệ thống công nghệ thông tin trong các cơ sở y tế khi đầu tư cần lưu ý có khoản mục cho đảm bảo an toàn thông tin, khoảng 10 - 15% tổng dự án đầu tư. Giải pháp, biện pháp cũng cần đi kèm theo quy trình ứng phó, xử lý khi phát hiện ra nguy cơ mất an toàn thông tin. Đội ngũ y bác sĩ cần thường xuyên được hướng dẫn, đào tạo về nhận thức an ninh mạng.

PGS.TS Trần Quý Tường, cục trưởng cục Công nghệ thông tin (bộ Y tế) khẳng định: “Để thích ứng với xu hướng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chúng ta cần có ngành đào tạo công nghệ thông tin chuyên về y tế. Từ đó, các vấn đề dữ liệu khám chữa bệnh cần được bảo mật như thế nào, quyền riêng tư và sự bảo mật có bị rò rỉ, tiêu chí về thiết bị kết nối và chia sẻ ra sao,... mới có giải pháp tối ưu”.