Thế giới

Phụ nữ Afghanistan và nỗi sợ bị biến mất khỏi đời sống xã hội

“Thật khó để một người đã mất tất cả bày tỏ cảm xúc của mình, nhưng tôi rất buồn và sốc”, Sytara, sinh viên y khoa năm thứ hai của trường Đại học Kabul, chia sẻ.

Phụ nữ đang biểu tình ở Afghanistan sau khi Taliban cấm họ tới học tại các trường đại học và làm việc tại các tổ chức phi chính phủ, nhưng rất ít nam giới tham gia phong trào của họ.

Taliban vừa ban hành luật mới cấm phụ nữ tham gia thêm 2 hoạt động được coi là một phần của cuộc sống hàng ngày ở phần còn lại của thế giới. Kể từ tuần trước, phụ nữ ở Afghanistan đã chính thức bị cấm theo học các trường đại học và các tổ chức giáo dục đại học khác, và hôm 24/12, Taliban đã ra lệnh cho các tổ chức phi chính phủ quốc gia và quốc tế ngừng tuyển dụng phụ nữ ở Afghanistan.

Trong cả hai trường hợp, các quan chức chính phủ Taliban cho biết lý do của lệnh cấm là phụ nữ không tuân thủ các quy tắc về trang phục của người Hồi giáo, bao gồm che mặt và mặc đồ tối màu.

Các động thái này đã bị chỉ trích rộng rãi bởi các tổ chức quốc tế và các nước lớn, bao gồm Liên Hợp Quốc (LHQ), Mỹ và Canada; và bởi các quốc gia trong thế giới Hồi giáo như Qatar, Ả Rập Xê-út và Thổ Nhĩ Kỳ. Cộng đồng quốc tế đã kêu gọi Taliban đảo ngược các lệnh cấm.

Các lệnh cấm cũng đã kích hoạt các cuộc biểu tình lẻ tẻ trên toàn quốc gia Nam Á khi phụ nữ Afghanistan lên tiếng đòi các quyền cơ bản của họ.

Ngày 20/12/2022, Taliban tuyên bố phụ nữ ở Afghanistan sẽ bị cấm bước chân vào các trường đại học. Ảnh: DW

“Thật khó để một người đã mất tất cả bày tỏ cảm xúc của mình, nhưng tôi rất buồn và sốc”, Sytara, sinh viên y khoa năm thứ hai của trường Đại học Kabul, nói với ABC News (Australia). “Tôi không biết họ sẽ áp đặt thêm bao nhiêu hạn chế đối với chúng tôi, khi họ đã áp đặt tất cả các hạn chế có thể. Tôi sợ một ngày nào đó Taliban có thể tuyên bố rằng do thiếu oxy ở Afghanistan, chỉ đàn ông mới được thở, còn phụ nữ thì không”.

Thất vọng

Khi Taliban trở lại nắm quyền lần nữa, nhằm duy trì quan hệ với cộng đồng quốc tế, họ đã hứa cho phép phụ nữ thực hiện các quyền của họ theo luật Sharia, bao gồm cả việc đi làm và đi học.

Nhưng kể từ đó, phụ nữ và trẻ em gái Afghanistan dần dần bị hạn chế tham gia vào cuộc sống công cộng. Họ bị cấm đến trường trung học, công viên, phòng tập thể dục và hầu hết các công việc bên ngoài ngôi nhà của họ, và họ phải che mặt khi ra ngoài.

Hôm 20/12, vào giữa học kỳ, Bộ trưởng Giáo dục Đại học của Taliban tuyên bố rằng phụ nữ cũng sẽ bị cấm bước chân vào các trường đại học.

Lệnh cấm có hiệu lực ngay lập tức, đến nỗi một số sinh viên y khoa đang ngồi thi thì được yêu cầu rời khỏi khuôn viên trường.

Cô Selsela, một nhà hoạt động vì quyền của phụ nữ ở Afghanistan, người đã tham gia các cuộc biểu tình ở thủ đô Kabul, chia sẻ rằng khi có tin về sắc lệnh cấm học đại học, phụ nữ ở Afghanistan đã thất vọng và cảm thấy vô vọng.

“Chúng tôi hiểu rằng, sau chuyện này, chúng tôi không có bất kỳ khả năng nào về một tương lai tươi sáng ở đất nước. Điều này thể hiện sự loại bỏ phụ nữ trong xã hội Afghanistan. Không có chỗ cho phụ nữ ở Afghanistan”, cô nói với hãng thông tấn độc lập The Media Line (Mỹ).

Phụ nữ Afghanistan hô khẩu hiệu phản đối việc Taliban đóng cửa các trường đại học dành cho phụ nữ ở Kabul, ngày 22/12/2022. Ảnh: Le Monde

Các quan chức chính phủ Taliban cho biết lý do của lệnh cấm là phụ nữ không tuân thủ các quy tắc về trang phục của người Hồi giáo, bao gồm che mặt và mặc đồ tối màu. Ảnh: Getty Images

Selsela và em gái của cô, cùng với những phụ nữ và trẻ em gái khác, đã biểu tình ở thủ đô Kabul hôm 22/12 để phản đối lệnh cấm giáo dục. Nhưng cô nhấn mạnh rằng cô không thấy bất kỳ người đàn ông nào ủng hộ họ. “Có rất nhiều phụ nữ, nhưng thật không may, không có người đàn ông hỗ trợ chúng tôi”, cô nói.

Cho đến nay, chỉ một số ít nam giới tham gia biểu tình tập trung ở các trường đại học. Theo các báo cáo, nam sinh viên tại các trường đại học trên khắp Afghanistan đã tham gia cuộc biểu tình phản đối lệnh cấm giáo dục bằng cách tẩy chay các kỳ thi.

Selsela nhớ lại rằng một số người bán hàng trong các cửa hàng nằm trên con đường diễn ra cuộc biểu tình đã ca ngợi những người phụ nữ biểu tình, đồng thời xin lỗi vì đã không tham gia.

“Đó là một khoảnh khắc kinh hoàng và là một trong những khoảnh khắc mà tôi sẽ không bao giờ quên trong đời. Chúng tôi thực sự cảm thấy mình cô đơn vì không nam giới nào ủng hộ chúng tôi”, cô nói.

Thay vào đó, những người phụ nữ biểu tình bị các thành viên của Taliban bao vây, Selsela cho biết.

“Điều đầu tiên họ làm là khuyên phụ nữ không nên lên tiếng. Họ mang theo súng”, cô nói và cho biết thêm rằng cũng có các nữ cảnh sát tham gia với Taliban trong việc kiểm soát cuộc biểu tình.

Phản kháng

Ông Ajmal Shams, phó chủ tịch Đảng Dân chủ Xã hội Afghanistan, và là cựu Thứ trưởng trong chính phủ cũ của Cộng hòa Hồi giáo Afghanistan, nói với The Media Line rằng nhiều phụ nữ Afghanistan sợ tham gia các cuộc biểu tình vì sợ bị đối xử khắc nghiệt.

“Một số phụ nữ đã mất hứng thú vì cuộc biểu tình của họ sẽ không mang lại kết quả gì vì Taliban không tin vào các cuộc biểu tình dân chủ”, ông Shams cho biết thêm.

Cô Zala Zazai, người từng là một sĩ quan cảnh sát ở Afghanistan và phải chạy trốn sang châu Âu sau khi Taliban tiếp quản đất nước hồi tháng 8/2021, cho biết rằng kể từ khi Taliban quay trở lại nắm quyền, đã có nhiều cuộc biểu tình của phụ nữ, nhưng tất cả đều bị dập tắt.

Zazai đánh giá rằng các cuộc biểu tình hồi tuần trước đã diễn ra trên khắp đất nước là khá tự phát.

Các lệnh cấm của Taliban đã kích hoạt các cuộc biểu tình lẻ tẻ trên toàn quốc gia Nam Á khi phụ nữ Afghanistan lên tiếng đòi các quyền cơ bản của họ. Ảnh: Getty Images

“Tất cả các cuộc biểu tình và phản kháng của phụ nữ đều là tự phát và phụ nữ từ các vùng khác nhau của Afghanistan đã tham gia”, cô nói, đồng thời tuyên bố rằng Taliban đang chống lại không chỉ một người phụ nữ nào mà là tất cả mọi người.

Theo Zazai, hơn 50 giáo sư đại học đã từ chức để ủng hộ quyền được học hành của phụ nữ.

Selsela kêu gọi đàn ông Afghanistan tham gia cuộc đấu tranh của phụ nữ. Cô nói: “Đã đến lúc đàn ông nên đứng về phía phụ nữ, con gái và chị em gái của họ, vì giờ đây chúng ta đang trải qua những ngày tồi tệ nhất ở Afghanistan; đó là thời kỳ đen tối nhất ở Afghanistan. Người ta đang thấy Afghanistan trở thành nhà tù cho phụ nữ và trẻ em gái”.

Ông Shams lưu ý rằng lý do đằng sau các hành động của Taliban “rõ ràng là hệ tư tưởng và cách giải thích tôn giáo của riêng họ, điều không thấy ở bất kỳ nơi nào khác trong thế giới Hồi giáo”.

Không có học giả tôn giáo nào khác ở bất kỳ quốc gia nào khác ủng hộ sự biện minh của họ đối với việc đóng cửa các trường học, cao đẳng và đại học dành cho trẻ em gái và phụ nữ, ông bổ sung.

Minh Đức (Theo Jerusalem Post, ABC News Australia)