Đời sống

Phóng to 100 lần bức tranh cổ dài 5m, ngỡ ngàng phát hiện "chi tiết xấu hổ"

Các chuyên gia đã nghiên cứu bức tranh cổ và bất ngờ phát hiện một chi tiết “có vẻ không đứng đắn” và khó hiểu.

Các tác phẩm nghệ thuật cổ đại là báu vật văn hóa của mỗi quốc gia. Từ các tác phẩm này cuộc sống, tư tưởng của ông bà tổ tiên phần nào được tái hiện một cách sinh động. "Thanh Minh thượng hà đồ" là một bức tranh như thế.

"Thanh Minh thượng hà đồ" ra đời vào thời Bắc Tống (Trung Quốc) và là kiệt tác duy nhất còn sót lại của họa sĩ Trương Trạch Đoan. Bức tranh này là di vật cấp quốc gia và hiện được lưu giữ trong Bảo tàng Cố cung Bắc Kinh.

Bức tranh "Thanh minh thượng hà đồ" với 3 phần chính trong bản vẽ lại vào thế kỷ 18. Ảnh: Baidu

"Thanh Minh thượng hà đồ" rộng 24,8cm, dài 528,7cm, thuộc dạng tranh cuộn dài và sử dụng phương pháp bố cục phối cảnh nhiều góc độ để ghi lại một cách sinh động khung cảnh đô thị tấp nập của Biện Kinh (nay là Khai Phong), thủ phủ của phương Bắc triều đại nhà Tống. Họa sĩ Trương Trạch Đoan muốn thông qua nét bút để khắc họa phần nào sự phồn hoa cường thịnh ở thời Bắc Tống, thời kỳ dân chúng được hưởng cuộc sống ấm no bình yên.

"Thanh minh thượng hà đồ" đặc tả số lượng lớn người với nhiều sắc thái và hoạt động khác nhau, cùng với gia súc, ngựa và các vật nuôi khác, ngoài ra còn có xe cộ, tàu thuyền, nhà cửa, cầu cống… Mỗi thứ đều có đặc điểm riêng, thể hiện nét đặc trưng của kiến trúc thời Tống, có giá trị lịch sử và nghệ thuật cao.

"Thanh Minh thượng hà đồ" có bố cục rất rộng, là cái nhìn toàn cảnh nhìn từ trên cao, vừa bao quát nhưng cũng rất chi tiết. Bức tranh tuy dài nhưng không hề lộn xộn và tạo cảm giác bí bách mà cô đọng tài tình, các chi tiết và vật dụng khác nhau được sắp xếp hợp lý, sống động.

Bức tranh có nội dung phong phú, miêu tả nhiều đối tượng, tổng cộng 814 nhân vật, 28 thuyền, 20 xe cộ, 60 con vật và 170 cây cối. Nét bút vừa phóng khoáng vừa tỉ mỉ, khiến người xem có thể cảm nhận được những gợn sóng lăn tăn, những gian hàng đông đúc giữa phố, những đứa trẻ đang nô đùa, những người bán hàng rong qua lại không ngớt.

Theo tên của bức tranh, “Thanh minh thượng hà đồ”, có thể hiểu đây là cảnh sinh hoạt của người dân Trung Quốc vào tiết Thanh minh tảo mộ ở Biện Kinh. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng thành phố được miêu tả trong bức tranh không có thực và tên của bức tranh chỉ có ý nói tới một ngày có tiết trời trong sáng.

Nhiều người nói bức tranh này tuy vẽ nên khung cảnh có vẻ thịnh vượng, người dân an cư lạc nghiệp nhưng đó chỉ là bề ngoài. Thực tế, tác giả muốn thể hiện nét “trong thịnh có suy”, trong “an định có bất ổn”, chẳng hạn như những cây cầu sắp sụp đổ, những con ngựa đột nhiên mất kiểm soát và dòng người ngược xuôi thiếu cảm giác an toàn và nhiều chi tiết ám chỉ sự bất định khác.

Đặc biệt, các chuyên gia phát hiện ra một chi tiết bất ngờ khi phóng to bức tranh 100 lần. Theo đó, sau khi phóng to bức tranh 100 lần, các chuyên gia có thể quan sát rất rõ những biểu cảm sống động và hành động chân thật của từng nhân vật trong tranh và họ phát hiện ra chi tiết giữa con phố đông đúc, dưới gốc cây, một chàng trai trẻ đang ngủ một cách lén lút, âm thầm.

Tư thế ngủ của người này rất kỳ lạ, anh ta nằm sấp nhưng điều đáng chú ý ở đây là chàng trai cởi quần dài để lộ ra chiếc quần trong ngắn cũn màu đỏ. Thậm chí cư dân mạng Trung Quốc còn cho rằng chiếc quần đùi mà cậu thanh niên này đang mặc ngắn như chiếc quần bơi ngày nay.

Giữa thanh thiên bạch nhật, giữa chốn đông người như vậy mà cậu thanh niên này vẫn có thể vô tư ngủ ngon lành mà còn mặc quần ngắn, thì thật sự đi ngược lại quan niệm thẩm mỹ lúc bấy giờ.

Bởi khi nhắc đến xã hội phong kiến thời xưa, trang phục thời kỳ nhà Tống vẫn luôn nổi tiếng với tầng tầng lớp lớp áo trong áo ngoài. Thậm chí cách ăn mặc còn là một tiêu chí đánh giá nhân cách con người. Dưới góc độ văn hóa lúc bấy giờ thì chi tiết này có vẻ thiếu đứng đắn và khó hiểu.

Có người suy đoán thanh niên ngủ phóng túng như vậy để tránh nóng mùa hè, nhưng bên cạnh lại có một cụ già đang ngồi hóng mát, hành động này có vẻ không được phù hợp.

Chi tiết chàng ăn ngủ trong bộ dạng mát mẻ dưới gốc cây đến nay vẫn còn là điều chưa thể lý giải thế nhưng dù sao cũng phải kể đến cái tâm tỉ mỉ đến từng chi tiết trong nét vẽ của họa sĩ Trương Trạch Đoan. Đến cả một cậu thanh niên đang nằm ngủ dưới gốc cây giữa khung cảnh tấp nập ngày lễ hội mà ông cũng có thể phác họa chân thật như vậy, quả thật không hổ danh là họa sĩ của dân gian.

Minh Hoa (t/h)