Xu hướng thị trường

Phòng chống buôn lậu không thể chỉ theo chiến dịch

Trước thực trạng hiện nay, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, trâu bò lậu, lợn lậu, gà vịt lậu thì ngành chăn nuôi không thể phát triển.

Chiều 17/10, Hội nghị “Ngăn chặn nhập lậu gia súc, gia cầm và giải pháp phát triển chăn nuôi bền vững” đã được tổ chức dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến.

Buôn lậu gia cầm diễn biến còn phức tạp

Báo cáo tại sự kiện, ông Phan Quang Minh - Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết: “Gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm nhập lậu không được đánh giá nguy cơ dịch bệnh trước khi nhập khẩu, không tuân thủ các quy định về kiểm dịch nhập khẩu, dẫn đến nguy cơ các bệnh động vật mới xâm nhập vào trong nước”. 

Ông Phan Quang Minh - Phó Cục trưởng Cục Thú y (Ảnh: NNVN).

Nhận định về tình hình hiện nay, ông Minh cho biết: “Người chăn nuôi gia cầm trong nước đang tăng đàn để chuẩn bị cung ứng sản phẩm gia cầm vào dịp cuối năm, do vậy, nhu cầu về con giống tăng cao. Nắm bắt được thực tế đó, các đối tượng buôn lậu tìm mọi cách nhập lậu gia cầm giống để tiêu thụ, khiến tình trạng vận chuyển, buôn bán trái phép qua biên giới vào Việt Nam càng trở nên phổ biến”.

Đưa ra các giải pháp trong thời gian tới, đại diện Cục Thú y đề nghị các Bộ, ngành Trung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần quan tâm hơn nữa, chỉ đạo triển khai, quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, đặc biệt các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật qua biên giới vào Việt Nam.

Tại sự kiện, ông Lương Trọng Quỳnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, các đối tượng vận chuyển, buôn bán trái phép gia cầm giống qua biên giới lợi dụng đêm tối, giờ giao ca của lực lượng chức năng khu vực biên giới để mang vác nhỏ lẻ qua các khu vực hàng rào biên giới về các thôn, bản thuộc địa bàn các xã biên giới, sau đó vận chuyển bằng xe máy theo các tỉnh lộ, quốc lộ 1A về các tỉnh nội địa tiêu thụ.

Dự báo trong thời gian tới, tình trạng buôn bán gia cầm nhập lậu sẽ còn diễn biến phức tạp. UBND tỉnh Lạng Sơn sẽ tăng cường tuần tra kiểm soát dọc biên giới, làm tốt công tác phối hợp với các cơ quan khác, lập các chuyên án, phối hợp lực lượng biên phòng xử lý tốt các trường hợp vi phạm.

Cuộc chiến lâu dài

Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, hiệp hội, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Việt Nam Nguyễn Thanh Sơn đã chỉ ra thực trạng tồn tại các đường dây buôn lậu gia súc, gia cầm trong thời gian dài. Hậu quả của buôn lậu gia súc gia cầm với ngành chăn nuôi là rất nặng nề như gây ra dịch bệnh, phá vỡ thị trường trong nước. Đồng thời, vấn nạn này cũng gây ra cạnh tranh không lành mạnh với doanh nghiệp chăn nuôi trong nước.

Từ đó, ông Sơn nhấn mạnh: “Công cuộc về phòng chống buôn lậu phải thường xuyên liên tục, không thể chỉ theo chiến dịch”. 

Theo ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, phát triển chăn nuôi bền vững cần phụ thuộc vào các yếu tố: Kiểm soát thật tốt dịch bệnh, kiểm soát tốt an toàn thực phẩm, kiểm soát tốt môi trường, tổ chức các chuỗi liên kết chăn nuôi tuần hoàn trong các ngành hàng gia cầm, trứng, sữa.

Ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam (Ảnh: NNVN).

Trong đó, ông Dương chỉ ra vấn đề cốt lõi chính là kiểm soát nhập lậu. “Đây là vấn đề lớn, tác động đến toàn bộ các yếu tố của chăn nuôi bền vững. Không kiểm soát tốt nhập lậu không thể kiểm soát được dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là khi đa phần bệnh dịch trong chăn nuôi ở Việt Nam do truyền nhiễm từ nước ngoài vào. Cùng với đó, hệ lụy là không kiểm soát được an toàn thực phẩm, sức khỏe người tiêu dùng bị đe dọa”, ông Dương nhấn mạnh.

Đồng thời, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam lo ngại: Dù biết đây là việc rất khó và phức tạp vì ngay ở khâu nhận thức chưa đầy đủ, nhưng không có cách tiếp cận phù hợp, không có sự phối hợp thường xuyên chặt chẽ giữa các địa phương, Bộ, ngành thì không bảo vệ được ngành chăn nuôi nước nhà.

Song hành với việc nhập khẩu, khâu kiểm soát nội địa cũng đóng vai trò quan trọng. Do đó, công tác kiểm tra biên giới và kiểm soát nội địa phải có sự phối hợp chặt chẽ. Các Bộ/ngành, Ban chỉ đạo 389 đã đưa ra nhiều giải pháp nhưng hành động thực chất thì chưa có sự quyết liệt.

“Ngành chăn nuôi phải lớn mạnh, đứng vững"

Sau khi lắng nghe quan điểm của các đại biểu, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định: “Ngành chăn nuôi phải lớn mạnh, đứng vững, không để bị phá hoại từ bên ngoài”.

Thứ trưởng cũng lưu ý, hoạt động chăn nuôi thua lỗ là vấn đề nghiêm trọng. Bởi lẽ, đây là lĩnh vực chủ lực trong ngành nông nghiệp nhưng sức chống đỡ yếu ớt, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh. Nếu tiếp tục tình hình này, Việt Nam sẽ khó thu hút được các doanh nghiệp FDI chăn nuôi đầu tư.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến (Ảnh: NNVN).

“Một hệ lụy khác từ nhập lậu gia cầm là dịch bệnh lan tràn từ các nước khác vào Việt Nam. Công tác chống buôn lậu, nhập lậu vô cùng quan trọng, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh, an toàn thực phẩm và kiểm soát dịch bệnh. Do đó, hoạt động này cần được quan tâm đúng mực và đấu tranh quyết liệt”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Đại diện Bộ NN&PTNT cho rằng, hiện tại các nghị định, luật, thông tư, chỉ thị, công điện... về quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh, buôn bán, xuất nhập khẩu gia súc, gia cầm, sản phẩm động vật... đã có đầy đủ, vấn đề quan trọng là công tác tổ chức thực hiện thế nào cho hiệu quả. Do đó, các đơn vị, địa phương cần thực hiện nghiêm túc, quyết liệt theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Về phía các địa phương, Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh cần phát huy hơn nữa vai trò của hệ thống thú y các cấp từ tỉnh tới thôn, bản. Xây dựng lực lượng này thành một khối thống nhất, liên kết chặt chẽ theo tinh thần: Làm việc bằng hết tâm trí, có trách nhiệm trước ngành, doanh nghiệp, người dân.

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh ”trâu bò lậu, lợn lậu, gà vịt lậu thì ngành chăn nuôi không thể phát triển”. Do đó, đề nghị các lực lượng phối hợp chặt chẽ, xây dựng quy chế phối hợp cụ thể, không nói chung chung, hằng năm có sơ kết tổng kết, rút kinh nghiệm. 

Đồng thời, các cơ quan truyền thông tiếp tục đồng hành cùng ngành nông nghiệp trong công cuộc đấu tranh, ngăn chặn, phát giác hoạt động buôn bán, nhập lậu gia súc gia cầm, con giống không rõ nguồn gốc để bảo vệ ngành chăn nuôi, doanh nghiệp, người sản xuất trong nước. Bộ NN&PTNT sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để lực lượng này hoạt động có hiệu quả.