Sự kiện

Phòng, chống bão Noru: Đà Nẵng triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân

Các khu vực có nguy cơ cao như các khu vực trũng thấp ven sông Cu Đê, Túy Loan, sạt lở đồi núi tại các xã Hòa Sơn, Hòa Ninh, Hòa Bắc, Hòa Phú, Hòa Liên...

Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung trung bộ, lúc 13h ngày 25/9, vị trí tâm bão Noru ở khoảng 15,1 độ Vĩ Bắc; 122,5 độ Kinh Đông, cách đảo Lu - Dông (Philippin) khoảng 110km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 15 (167-183km/giờ), giật trên cấp 17.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km, đi vào Biển Đông. Đến 13 giờ ngày 26/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,9 độ Vĩ Bắc; 117,7 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 660km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (134-149km/giờ), giật cấp 16.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 12,5 đến 20,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 114,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Chính quyền, đoàn thể và người dân gia cố tài sản, phòng chống thiên tai. Ảnh: NHĐ

Tại Tp.Đà Nẵng, ngày 25/9, chính quyền và người dân ở các vị trí xung yếu đang hối hả chuẩn bị các biện pháp đảm bảo an toàn chống bão. Như tại phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, sau khi họp bàn triển khai công tác ứng phó với bão Noru, các đoàn thể và người dân đã xuống đường dọn dẹp vệ sinh, khơi thông các cống rãnh đề phòng ngập ứng.  Tại các ngôi trường ở quận giáp biển Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà, thầy cô và phụ huynh chồng chéo, gia cố lại mái tôn, buộc chặt cửa sổ, cửa chính đề phòng thiệt hại nếu bão đỗ bộ.

Trong khi đó, tại các xã vùng cao như Hòa Bắc, Hòa Liên (huyện Hòa Vang), chính quyền và người dân ngoài triển khai các biện pháp ứng phó khi bão đỗ bộ cũng đã nêu cao tinh thần cảnh giác với sạt lỡ, lũ quét. Người dân gia cố bờ bao các ao hồ, neo đậu chặt các phương tiện đánh bắt cá trên sông. 

Cũng trong ngày 25/9, Chủ tịch UBND Tp.Đà Nẵng có văn bản yêu cầu các sở ban ngành tạm dừng các cuộc họp chưa thật sự cần thiết vào thời điểm này để tập trung lực lượng đối phó với bão.

Chủ tịch UBND Tp.Đà Nẵng cũng yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện, đặc biệt các quận ven biển tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa, sẵn sàng triển khai ngay phương án sơ tán nhân dân trong thiên tai nhất là tại các khu vực trũng, thấp, vùng ven biển, ven sông suối, vùng có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, nhà cửa không kiên cố…

Lãnh đạo Đà Nẵng cũng yêu cầu, các đơn vị: Biên phòng; Công an; Quân đội; các Sở Xây dựng, NN&PTNT, TNMT, GTVT,... căn cứ theo chức năng nhiệm vụ của mình triển khai các phương án phòng chống thiên tai. Trong đó, lực lượng quân sự, công an sẵn sàng lực lượng, phương tiện chủ động, phối hợp hỗ trợ các địa phương triển khai sơ tán người dân, tổ chức cứu nạn người, tài sản tại các khu vực bị ảnh hưởng của bão, mưa lũ.

UBND Tp.Đà Nẵng giao Bộ Chỉ huy Quân sự Thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thành phố, Công an Thành phố, Chủ tịch UBND các quận, huyện, các sở, ngành kiểm tra, rà soát ngay các khu dân cư, trụ sở cơ quan, nơi làm việc, nơi đóng quân của các đơn vị; tổ chức đánh giá các khu vực nguy hiểm, kịp thời phát hiện những biểu hiện bất thường, các sự cố, nhất là những khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất đá, đồi núi, lũ quét, ngập sâu và kiên quyết di dời, sơ tán ngay người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của Nhà nước và người dân.

Trong đó, chú ý các khu vực có nguy cơ cao như các khu vực trũng thấp ven sông Cu Đê, Túy Loan, các khu sạt lở đồi núi tại các xã Hòa Sơn, Hòa Ninh, Hòa Bắc, Hòa Phú, Hòa Liên, các tuyến đường ĐT 601, ADB5 Bắc Thủy Tú – Phò Nam, QL 14G, khu vực, đường lên quanh bán đảo Sơn Trà, Nam Hải Vân, Bà Nà – Núi Chúa,...

Đà Nẵng sẵn sàng lực lượng, phương tiện chủ động phương triển khai sơ tán người dân, tổ chức cứu nạn người, tài sản khi thiên tai đỗ bộ. Ảnh người dân sơ tán phòng chống ảnh hưởng của mưa bão những năm trước

Lực lượng chức năng bố trí lực lượng kiểm soát, cương quyết không để người dân ở lại những khu vực đã xác định có nguy cơ cao lũ quét, sạt lở; sẵn sàng nhân lực, vật tư trang thiết bị theo phương châm “4 tại chỗ” đảm bảo kịp thời tiếp cận ứng cứu khi có tình huống xảy ra.

UBND Tp.Đà Nẵng cũng yêu cầu các sở, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện theo chức năng, nhiệm vụ sẵn sàng lực lượng tham gia công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai. Báo cáo công tác ứng phó và tình hình thiệt hại do thiên tai gây ra về Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự Thành phố trước 6 giờ và 15 giờ hằng ngày.