Dân sinh

Phối hợp phẫu thuật cứu bệnh nhân viêm ruột thừa, suy tim nặng

Một bệnh nhân 48 tuổi ở Cà Mau bị viêm ruột thừa, suy tim nặng vừa được các khoa của bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ phối hợp phẫu thuật thành công.

Kỳ tích cứu bệnh nhân mắc đa bệnh

Ngày 21/12, trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật, Bs.CK2 Phạm Thanh Phong, Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết: Các bác sĩ khoa Ngoại Tổng hợp kết hợp khoa Gây mê hồi sức đã phẫu thuật cấp cứu thành công bệnh nhân viêm ruột thừa với tình trạng suy tim rất nặng.

Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật đối với bệnh nhân L..

Bệnh nhân được xác định là ông Trần Thanh L., SN 1972, ngụ huyện U Minh, tỉnh Cà Mau. Ông L. có tiền sử bệnh tim nhiều năm điều trị liên tục với chẩn đoán hở van 2 lá – rung nhĩ, suy tim độ III .

Cách 3 ngày nhập viện, ông L. đau bụng vùng hố chậu phải uống thuốc không giảm vào bệnh viện địa phương. Tại đây, xác định tình trạng bệnh nặng vượt khả năng chuyên môn nên chuyển đến bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cấp cứu vào lúc 19h50 ngày 14/12.

Qua thăm khám, bệnh nhân L. có tình trạng suy tim nặng phải ngồi để thở, phù 2 chân. Kết quả xét nghiệm bệnh nhân có tình trạng rối loạn đông máu nặng. Siêu âm tim: Hở van 2 lá 4/4, hở van 3 lá 3/4, tăng áp động mạch phổi nặng,...

Các bác sĩ khẩn trương tiến hành hội chẩn với nhiều chuyên khoa với chẩn đoán: Áp xe ruột thừa/ Hở van 2 lá mức độ rất nặng- Tăng áp động mạch phổi nặng- Suy tim độ III - Rung nhĩ - Rối loạn đông máu.

Bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật cấp cứu. Tuy nhiên, bệnh nhân này có nguy cơ tử vong phẫu thuật rất cao.

Bệnh nhân được điều trị nội khoa tích cực suy tim và điều chỉnh rối loạn đông máu; khi tình trạng nội khoa cho phép sẽ tiến hành phẫu thuật cấp cứu.

Phẫu thuật cắt ruột thừa diễn ra trong 40 phút do Ths.Bs Nguyễn Thanh Quân - Khoa Ngoại Tổng hợp, Bs.CK2 Trần Huỳnh Đào - Trưởng khoa Gây mê hồi sức thực hiện: Gây mê nội khí quản. Tiến hành phẫu thuật nội soi với bơm áp lực ổ bụng kiểm soát mức 8mmHg,...

Hiện tại bệnh nhân đã ổn định, không sốt, hết đau bụng, tình trạng suy tim đã cải thiện.

“Chiến sĩ” thầm lặng

Nói về đội ngũ gây mê hồi sức của bệnh viện, Bs.CK2 Phạm Thanh Phong chia sẻ: “Đằng sau những ca mổ thành công, dù lớn hay nhỏ, luôn có sự cống hiến của những bác sỹ gây mê - hồi sức.

Một công việc thầm lặng nhưng lại góp phần quyết định thành công cho các ca phẫu thuật, quan trọng hơn là mang lại sự “hồi sinh” cho người bệnh. Công việc không đơn thuần là gây mê bởi mỗi ca bệnh là một bài toán với những lời giải khác nhau.

Bác sĩ thăm khám bệnh nhân L..

Trong từng ca gây mê, ngoài kiến thức chuyên môn, bác sĩ gây mê phải nắm khá vững kiến thức của các chuyên ngành khác như Tim mạch, ngoại thần kinh, sản, ngoại tổng hợp, cấp cứu nội khoa…để phục vụ tốt nhất, đảm bảo gây mê an toàn trong từng ca mổ của bệnh nhân.

Bác sĩ gây mê không chỉ là người trợ giúp bệnh nhân khi họ lên bàn mổ mà còn là chỗ dựa, là niềm tin, là động lực của họ trong những giờ phút chiến đấu cam go nhất với tử thần.

Sức khỏe và sự hồi phục của người bệnh chính là niềm vui và động lực giúp “các chiến sĩ thầm lặng” sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, thử thách.

Gây mê trong phẫu thuật tim hở là một trong những kỹ thuật phức tạp nhất trong chuyên ngành gây mê hồi sức và chỉ được thực hiện ở các bệnh viện tuyến Trung ương và một số bệnh viện chuyên sâu về Tim mạch.

“Việc triển khai thành công độc lập và thường qui phẫu thuật tim hở tại bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ phản ánh thực tế nhất trình độ chuyên môn cao của đội ngũ gây mê hồi sức.

Nhiều trường hợp bệnh nhân nặng, phức tạp, bệnh phối hợp và người cao tuổi trên nhiều lĩnh vực chuyên khoa đã được phẫu thuật thành công tại bệnh viện”, Bs.CK2 Phạm Thanh Phong nói thêm.

Theo Bs.CK2 Trần Huỳnh Đào - Trưởng khoa Gây mê hồi sức (bác sĩ trực tiếp gây mê cho bệnh nhân): Phẫu thuật dù là đại phẫu hay tiểu phẫu, cũng là một dạng stress lớn cho toàn cơ thể và nó càng trở nên nặng nề hơn trên những bệnh nhân có bệnh lý tim mạch, nhất là suy tim.

Bản thân các thuốc sử dụng trong gây mê đều có thể gây ra ức chế co bóp cơ tim và ảnh hưởng lên huyết động.

Các thuốc mê dạng hơi cũng có thể gây tụt huyết áp do giãn mạch. Các tác dụng phụ này càng trở nên nghiêm trọng hơn ở những bệnh nhân suy tim.

Hơn nữa, những ảnh hưởng trong quá trình phẫu thuật như nhiễm trùng, mất máu và bù dịch trong mổ, hạ thân nhiệt, sẽ làm thay đổi đột ngột tiền tải và hậu tải của tim… gây gánh nặng hơn cho tim đã có bệnh từ trước.

Vì thế, việc phẫu thuật ở bệnh nhân suy tim nặng cần được tiến hành hết sức thận trọng trên cơ sở khám, đánh giá toàn diện người bệnh, phối hợp với bác sĩ tim mạch để ổn định nhanh nhất tình trạng suy tim.

Hai yếu tố cần được kiểm soát chặt chẽ khi gây mê bệnh nhân suy tim nặng là: Hạn chế sử dụng thuốc mê gây ức chế cơ tim và gây giãn mạch.

Ngoài ra, cần kiểm soát tốt lượng dịch truyền trong mổ vì dễ nguy cơ gây phù phổi cấp. Ở những bệnh nhân suy tim nặng, khi cần gây mê và phẫu thuật nên đến các bệnh viện có đơn vị hồi sức chuyên biệt với đầy đủ trang thiết bị hỗ trợ vì nguy cơ tử vong ở nhóm này là rất cao.

Thanh Lâm