Chính sách

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: “Chả có Chính phủ nào dự báo được hoa sữa sẽ nở vào tháng 5”

“Thời tiết đến đầu tháng 5 lại như mùa đông. Lạ thế. Hoa sữa lại nở vào tháng 5. Cái này dự báo không được. Chả có Chính phủ nào dự báo được hoa sữa sẽ nở vào tháng 5, cái này phải thông cảm cho Chính phủ”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phân trần về thời điểm Chính phủ chọn tăng giá điện vào tháng 3.

Sáng 22/5, phát biểu thảo luận tại tổ về vấn đề kinh tế - xã hội, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã lý giải rõ hơn về việc giá điện tăng gây bức xúc dư luận.

Phiên thảo luận tổ sáng ngày 22/5.

Theo đó, nói về thời điểm tăng giá, tại sao lại là tháng 3, là mùa hè khiến hoá đơn tiền điện nhiều gia đình tăng đột biến, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ ví von: “Ngày 20/3 đâu phải mùa hè? Trước 20/3 còn chưa đến rét nàng Bân. Còn có bài thơ “Tháng 3 đột ngột mưa rào/Để cho em trộm bước vào đời anh”. Chưa có năm nào thời tiết lại trái mùa như năm nay. Tháng 3, theo quy luật, CPI tăng cao vào tháng 2 là tháng Tết, thì tháng 3 giảm rất mạnh. Tháng 3 chúng ta tăng giá điện rồi mà CPI vẫn âm. Như vậy đỡ được chuyện lạm phát kỳ vọng do tác động tâm lý. Cho nên, Chính phủ chọn tăng vào tháng 3 và việc tăng này đã được “họp đi họp lại” nhiều lần”.

Phó Thủ tướng cũng cho rằng Chính phủ không dự báo được việc tháng 4 nắng như đổ lửa, nếu như trước đây, khi đến các bãi biển tháng 4 nhiều nơi còn rét chưa tắm được. Nhưng năm nay, trước 30/4 10 ngày lại nắng như đổ lửa: “Thời tiết đến đầu tháng 5 lại như mùa đông. Lạ thế. Hoa sữa lại nở vào tháng 5. Cái này dự báo không được. Chả có Chính phủ nào dự báo được hoa sữa sẽ nở vào tháng 5, cái này phải thông cảm cho Chính phủ”.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ.

Phó Thủ tướng cho rằng, Tết không tăng được giá điện, nên nếu tháng 3 không tăng thì tháng 4, tháng 5, tháng 6 còn mùa hè hơn. Nếu để sau tháng 6, tháng 7 thì mức tăng phải gấp đôi thì mới trang trải được khoản 20.000 tỷ biến động đầu vào mua điện của EVN, vì phải tăng giá 1 năm mới đủ trang trải con số này. 

Phó Thủ tướng nói thêm: "Tổng khoản chi phí đầu vào tăng thêm là 20 ngàn tỷ, tính toán ra thì giá thành tăng lên khoảng 8,36%. Thường trực Chính phủ đã họp đi họp lại nhiều lần. Tuy tăng giá dưới 10% là quyền của bộ Công thương, nhưng xét thấy luật Điện lực cũng nói, luật Giá nói là ảnh hưởng kinh tế vĩ mô thì Thủ tướng quyết, nên Chính phủ đã họp đi họp lại với các tập đoàn, tổng công ty và đã lựa chọn tăng 8,36% thay cho 9,26% như đề nghị của các bộ”.

Phó Thủ tướng cũng giải thích thêm về lợi nhuận của EVN, theo đó Chính phủ chỉ cho phép EVN có mức lợi nhuận là 3%.

Về thông tin giá điện phải gánh chi phí đầu tư ngoài ngành, thua lỗ, Phó Thủ tướng khẳng định thông tin này là không chính xác. Báo cáo Chính phủ gửi Quốc hội về điều hành giá điện cách đây một ngày cũng đã nhấn mạnh “giá điện không gánh chi phí đầu tư ngoài ngành”. EVN đã thoái hết vốn đầu tư ngoài ngành, thu về hơn 2.340 tỷ đồng, thặng dư 127 tỷ so với đầu tư lúc đầu.

Khẳng định về tính minh bạch của phương án tăng giá, Phó Thủ tướng cho biết giá thành sản xuất kinh doanh điện, tình hình hoạt động của EVN đều được kiểm toán độc lập thực hiện hàng năm.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói: “Tới đây, sẽ đề nghị Kiểm toán Nhà nước kiểm toán toàn bộ báo cáo tài chính EVN và điều hành giá điện năm 2019. Sai ở đâu Chính phủ, các bộ ngành nhận khuyết điểm ở đó và sửa, đồng thời công khai cho Quốc hội và nhân dân biết”.

Cũng theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, xăng dầu và điện là mặt hàng bình ổn giá, có điều tiết của Nhà nước, cần từng bước mới tiến tới được thị trường toàn diện. Chính phủ điều hành công khai minh bạch, đảm bảo hài hòa có thị trường nhưng có điều tiết của Nhà nước.

Nhóm PV Quốc hội